- Năm 2014 là một năm có khá nhiều sự kiện y tế đặc biệt. Những pha sống sót vô cùng hy hữu, và còn đó rất nhiều nghĩa cử cao đẹp đầy tính nhân văn của những “thiên thần áo trắng”…

Tách dính song sinh Long – Phụng

Đầu năm 2014, dư luận quan tâm hơn cả là sức khỏe của cặp song sinh Long – Phụng sau ca phẫu thuật tách dính. Hai bé Phi Long và Phi Phụng quê ở tỉnh Khánh Hòa, sinh ra bị dính nhau nghiêm trọng ở phần bụng và ngực, nội tạng.

Sau nhiều tháng chăm sóc tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, một trong hai bé có dấu hiệu xấu đi, buộc các bác sĩ phải đi đến quyết định phẫu thuật tách dính dù cơ hội khá mong manh.

{keywords}
Bé Phi Long trong vòng tay mẹ.
 
Cặp song sinh này còn có một vấn đề nan giải. Đó là bé Long mạnh khỏe nhưng lại bị chèn ép làm thành tim mỏng. Bé Phụng bị di chứng về não nhưng thành tim lại tốt hơn, dày hơn.

70 y bác sĩ, 70 trái tim, 70 trí óc đã làm việc hết mình trong gần 10 tiếng đồng hồ, hy vọng đem lại cuộc sống mới cho 2 thiên thần bé nhỏ.

Sau ca mổ, bé Phi Long hồi phục rất nhanh, còn Phi Phụng vẫn phải nằm hậu phẫu, phải thở máy. Tết năm 2013, cả gia đình Phi Long, Phi Phụng đã đón năm mới trong bệnh viện.

Dù các bác sĩ đã hết sức cố gắng, trắng đêm thay phiên theo dõi Phi Phụng từng giờ, từng phút, bạn đọc cả nước cùng nhau cầu nguyện, thế nhưng Phi Phụng đã không qua khỏi.

Bé Phụng bị nhiễm trùng nặng do viêm phổi, thở máy kéo dài và phải lọc máu liên tục. Bé đã qua đời vào một ngày cuối tháng 2.

Dù không cứu được cả hai bé, nhưng sự sống sót của Phi Long đã là một điều phi thường. Cách đây khoảng 1 tháng, bé nghịch điện thoại của mẹ, bấm máy gọi cho phóng viên VietNamNet. Ba của Phi Long cho biết bé khỏe, biết bi bô, nói được nhiều.

Lần đầu tiên em bé ra đời từ tinh trùng đầu tròn

Thông báo của Bệnh viện An Sinh cho biết lần đầu tiên một cặp vợ chồng hiếm muộn đã có con thành công nhờ kỹ thuật ép tinh trùng đầu tròn đã mở ra hy vọng cho ngành thụ tinh ống nghiệm nước nhà.

Suốt 16 năm hiếm muộn, cặp vợ chồng quê quán ở tận Bắc Ninh lặn lội vào TP.HCM với quyết tâm có được mụn con. Sự kiên trì, bền bỉ của họ đã được đền đáp, một bé trai nặng 2,5 kg đã chào đời.

{keywords}
Em bé ra đời từ tinh trùng đầu tròn.

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Vương Đình Hoàng Dũng, đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Sinh TP.HCM, thông thường tinh trùng bị dị dạng chỉ bất thường ở vùng đầu, ít acrosome (chất men quan trọng giúp quá trình thụ tinh thành công).

Nhưng tinh trùng của anh người chồng trong trường hợp này hoàn toàn không có men acrosome nên thay vì có hình ô van, nó lại có hình tròn (ta hay gọi nôm na là tinh trùng đầu tròn).

Sau nhiều lần thất bại, trong lần thụ tinh ống nghiệm cuối có sự đổi mới và cho kết quả bất ngờ. Các bác sĩ sử dụng thêm kỹ thuật hoạt hóa trứng (cho vào môi trường nuôi cấy một chất để hỗ trợ cho tinh trùng phần men còn thiếu).

Sơ sinh văng khỏi bụng mẹ

Một pha cứu sống cảm động hy hữu nữa trong năm 2014 khiến dư luận cả nước quan tâm, đó là sự kiện bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ.

Cuối tháng 11, anh Nguyễn Văn Nam chở vợ là chị Nguyễn Thị Kim Ngọc ngụ tại An Giang tới bệnh viện sinh con.

Trên đường đi, xe máy của vợ chồng anh Nam bị xe bồn va quẹt. Tai nạn xảy ra khiến anh Nam bị đè nát một chân, chị Ngọc tử vong ngay tại chỗ, còn thai nhi trong bụng văng ra xa tới 6 – 7 mét.

Hai bố con anh Nam được chuyển đi sơ cứu tại địa phương và đưa lên TP.HCM điều trị.

{keywords}
Sơ sinh văng khỏi bụng mẹ xuất viện.

Sau vài tuần nằm hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, bé Nguyễn Quốc Huy, hồi phục diệu kỳ. Vết thương mỏm cụt ở chân bé cũng đã khô, dự tính sau này sẽ lắp chân giả.

Hiện giờ bé Huy đã được xuất viện, về sống trong vòng tay yêu thương của ba, bà ngoại, chị gái và các dì.

Anh Nam, ba bé Huy cho biết cứ nửa tháng lại đưa bé quay lại bệnh viện tái khám một lần. Các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 thương bé Huy như con, hôm xuất viện ai cũng bịn rịn. Hằng ngày các bác sĩ vẫn gọi điện hỏi thăm, dõi theo sức khỏe cháu bé.

Toàn lực cấp cứu nạn nhân kẹt hầm

Vụ 12 công nhân bị kẹt do sập hầm được cứu sống cũng là sự kiện khép lại năm 2014 của ngành y tế. Để cứu hộ nạn nhân, có sự tham gia của rất nhiều ban ngành, tổ chức, trong đó ngành y tế gần như đã huy động toàn lực với sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, bải bản.

Nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, một tiếng sau Bệnh viện Chợ Rẫy đã phái 3 bác sĩ giỏi, do Phó Giám đốc bệnh viện Trần Minh Trường làm trưởng đoàn, khởi hành đi Lâm Đồng.

Sau đó một ngày, bệnh viện này lại cử thêm một đoàn công tác nữa gồm 4 bác sĩ giỏi, hướng về Lâm Đồng, chi viện cho đồng nghiệp.

{keywords}
Nạn nhân vụ kẹt hầm sống sót kỳ diệu.

Bác sĩ Trần Minh Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được giao quyền chỉ đạo y tế tại hiện trường. Ngành y tế gồm Sở Y tế Lâm Đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, 8 cơ sở y tế huyện thuộc Lâm Đồng và một số bác sĩ quân y đã cùng nhau hợp lực, lên phương án chăm sóc, cấp cứu cho các nạn nhân.

Nhờ sự chuẩn bị, tập dợt kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, ngay khi 12 công nhân ra khỏi hầm đã được chăm sóc tốt về sức khỏe, hồi phục nhanh.

Để có được kết quả mỹ mãn như vậy, đều nhờ sự nhiệt tình, trình độ và sự tâm huyết với nghề của tập thể y bác sĩ. 

Thanh Huyền