Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-7/4. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Medvedev đã trả lời phỏng vấn của TTXVN. VietNamNet trích đăng phỏng vấn này.

Tổng thống Nga đi lễ chùa Hà Nội

Thưa Thủ tướng, Nga đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng làm mắt xích kết nối giữa Đông và Tây. Điều này đem lại những tiềm năng to lớn. Còn Việt Nam quan tâm tới việc ký thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Xin ông cho biết cụ thể, Nga có những bước đi thực tế nào nhằm tăng cường vị thế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương? ASEAN đóng vai trò gì trong tiến trình này?

Quả thực chúng tôi không chỉ một lần bày tỏ mong muốn hợp tác với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước ASEAN và hợp tác trực tiếp với Việt Nam. Trong những năm gần đây chúng tôi thực hiện nhiều bước đi thực tiễn theo hướng này. Tôi xin liệt kê từ việc chúng tôi - những đại diện của Nga: cả đại diện chính quyền, giới doanh nghiệp, chưa kể du khách - thường xuyên tới các nước trong khu vực. Với Việt Nam, chúng tôi có những liên hệ thường xuyên.

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Dmitry Medvedev trong cuộc hội đàm ngày 14/5/2013 tại Moscow. Ảnh: vietnamese.ruvr.ru

Bản thân tôi vừa tới Việt Nam cách đây không lâu - năm 2012, và sắp tới sẽ có chuyến thăm tiếp theo, đối với chúng tôi là rất quan trọng. Trên thực tế trong những năm gần đây, ở mức độ đáng kể chúng tôi đã chuyển sang hợp tác tích cực với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên định hướng là chưa đủ, cần có những bước đi thực tiễn. Đó là các thỏa thuận chúng tôi đạt được, việc Nga tham gia các hoạt động, hội nghị quan trọng của ASEAN, quan hệ giữa các nước trong khu vực với cơ cấu hội nhập mới của chúng tôi là Liên minh kinh tế Á-Âu (theo kênh này hiện đang tích cực chuẩn bị cho hiệp định thương mại tự do với Việt Nam) và một loạt những bước đi thực tiễn khác. Ở đây tôi muốn nói tới toàn bộ các khả năng và hành động của chúng tôi, từ những tiếp xúc cấp cao, cho tới quan hệ thường nhật giữa con người, kể cả quan hệ giữa giới doanh nghiệp.

Đương nhiên vào thời điểm hiện nay chúng tôi có rất nhiều ý tưởng, kế hoạch thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam lên tầm vóc mới. Một trong những ý tưởng đó là hiệp định khu vực mậu dịch tự do. Hơn nữa có lẽ đó sẽ là hiệp định đầu tiên ký giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với một nước. Với hiệp định đó, thực chất Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường không chỉ có người dân Liên bang Nga, mà cả các nước đối tác trong Liên minh, trên thực tế là thêm hơn 40 triệu người nữa.

Ta sẽ được gì? Đó là những triển vọng hợp tác mới. Mới đây tôi nói chuyện với Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga, ông ấy khẳng định tiến trình đàm phán hiệp định với Việt Nam đã bước vào giai đoạn hoàn tất.

Chúng ta thực sự đã có bước tiến đáng kể trên nhiều điểm và mong muốn hoàn tất tiến trình đàm phán trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên hai bên vẫn phải thỏa thuận thêm về một loạt những vấn đề quan trọng, bởi hiệp định chúng ta dự định ký kết không chỉ là khả năng chúng tôi tiếp cận thị trường Việt Nam, mà còn trao cho bạn hàng Việt Nam khả năng tiếp cận thị trường của chúng tôi.

Xin Thủ tướng đánh giá tiến trình hợp tác Việt - Nga trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa Việt Nam?

Hợp tác trong lĩnh vực này đang tiến triển tốt đẹp. Hai nước chúng ta có bề dày lịch sử quan hệ phong phú trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa. Chúng ta có ngọn cờ đầu hợp tác là Liên doanh dầu khí Vietsovpetro - doanh nghiệp hoạt động đã lâu, từ thời Liên Xô. Trong những năm tháng ấy liên doanh làm được rất nhiều việc: khai thác khối lượng lớn dầu mỏ (hàng trăm triệu tấn) và khối lượng đáng kể khí đồng hành (hàng tỷ mét khối), đó là khối lượng khai thác tầm cỡ thế giới.

Việc này chứng tỏ điều gì? Nó cho thấy đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Cũng chính vì lẽ đó các bên tham gia liên doanh là công ty Zarubezhneft phía Nga và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thỏa thuận tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác liên doanh này trong những năm tới, đến năm 2030, bởi sự hợp tác này có tiềm năng to lớn.

Tuy nhiên không được phép dừng lại ở những gì đã đạt được. Vì thế không chỉ Zarubezhneft, mà nhiều tập đoàn và công ty Nga, những doanh nghiệp nhà nước lớn, như Rosneft và Gazprom, cũng có các đối tác của mình ở Việt Nam, và mỗi doanh nghiệp trong số đó đều đang đàm phán về khả năng hợp tác.

Tập đoàn Rosneft có các dự án về một số khu vực tại thềm lục địa có thể được chào thăm dò khai thác. Các bên đang tiến hành đàm phán, tôi hy vọng tiến trình đó sẽ đạt kết quả khả quan. Tập đoàn Gazprom cũng đang đàm phán, tiến trình này khởi động từ năm 2009. Mức độ sẵn sàng kết thúc đàm phán của tập đoàn này còn cao hơn.

Tôi hy vọng dự án gắn kết Gazprom với các đối tác Việt Nam, mô hình kinh doanh đó, năm 2016 sẽ đi vào hoạt động theo công suất thiết kế.

Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác này, cho rằng nó mang lại lợi ích, và theo đó, là thu nhập cho cả Việt Nam lẫn LB Nga, và dự định tiếp tục phát triển hướng hợp tác này. Chính vì vậy chúng tôi có cả một tập hợp các dự án ở Nga và đã mời các bạn Việt Nam tham gia.

Xin nói thẳng đây là thực tế hiếm khi xảy ra, khi chúng tôi để cho đối tác nước ngoài tiếp cận, khai thác trên lãnh thổ LB Nga, bởi quả thực trong lĩnh vực này mọi việc đều được chúng tôi chuẩn bị tốt, song đây là phương án đặc biệt, chúng tôi dành riêng cho các đối tác Việt Nam của mình.

Cuối cùng, với thực tế chúng ta đã có thời gian hợp tác đủ lâu, việc tìm ra những hình thức hợp tác triển vọng mới là điều rất quan trọng. Đó là việc cùng nhau chế biến dầu khí (không chỉ khai thác), cũng như cùng nhau vận dụng các cơ chế kích thích, sao cho sự hợp tác của chúng ta phát triển tốt hơn, cả trong vùng thềm lục địa Việt Nam cũng như trên lãnh thổ LB Nga.

Có nghĩa là vận dụng các cơ chế khuyến khích đa dạng, kể cả những hình thức khuyến khích về thuế, bởi ở những nơi chúng ta khai thác đã lâu, trữ lượng phần nhiều đã cạn kiệt, cần có những giải pháp hoặc đi sâu hơn, hoặc tìm kiếm những khu vực mới, và điều này tất yếu phải bổ sung thêm vốn đầu tư.

Nga là một trong những nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ. Trong tương lai kinh tế tri thức chiếm vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực? Thủ tướng đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao?

Ngay cả trong điều kiện kinh tế khá phức tạp hiện nay, chúng tôi vẫn nỗ lực không cắt giảm chi phí tài trợ các chương trình khoa học, phát triển những khu công nghệ cao, xây dựng các cụm nghiên cứu khoa học.

Tôi biết các bạn Việt Nam cũng có quan điểm như vậy, tôi thấy rõ điều này khi thăm những cơ sở của các bạn - cả các trường đại học cũng như những nơi khác.

Tôi không thể quên cuộc gặp với các đồng chí Việt Nam, những người trước đây từng học tập ở Liên Xô, LB Nga. Đó không chỉ là quan hệ hữu nghị, mà còn là tri thức, kinh nghiệm tiếp thu từ thời Liên Xô, LB Nga, và nay vẫn có ích cho đất nước Việt Nam, có ích cho quan hệ tốt đẹp của chúng ta. Do vậy chúng tôi đương nhiên rất sẵn sàng phát triển những hình thức hợp tác khác nhau với các bạn Việt Nam.

Để dẫn chứng tôi có thể nêu dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, bởi đây rõ ràng là công nghệ cao. Nga đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhạt nhân và năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên để vận hành những công trình cỡ đó cần không chỉ tiền bạc. Điều quan trọng không chỉ là xây dựng nhà máy, hơn nữa đây là công trình phức hợp, hoạt động, sự an toàn của nó cần được đảm bảo, nên cần có những cán bộ chuyên môn cao.

Chính vì vậy LB Nga chúng tôi đang đào tạo các sinh viên và chuyên gia Việt Nam tại ĐH Nghiên cứu hạt nhân Moskva (MIFI) và các cơ sở khác, để sau này những chuyên gia đó làm việc tốt tại nhà máy điện hạt nhân và góp phần vào sự nghiệp phát triển công nghệ cao nói chung tại Việt Nam, trong đó có công nghệ hạt nhân.

Liệu có cơ hội hoặc kế hoạch cụ thể để giao dịch thương mại Nga-Việt chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ hai nước?

Thứ nhất, hiện nay không có bất cứ trở ngại nào đối với việc thanh toán bằng đồng rúp và đồng Việt Nam. Không có bất kỳ trở ngại nào về pháp lý. Song ở đây còn cần yếu tố kinh tế. Chúng ta đã thỏa thuận về khả năng sử dụng đồng nội tệ thanh toán cách đây gần 10 năm và thậm chí đã thành lập cả một ngân hàng chuyên biệt, Ngân hàng Việt - Nga. Song đương nhiên việc sử dụng đồng nội tệ chỉ có lợi khi hai bên có kim ngạch trao đổi thương mại lớn và khi xuất hiện sự cần thiết tích lũy dự trữ hoặc bằng đồng rúp, hoặc VNĐ.

Hiện giữa chúng ta thanh toán bằng nội tệ chiếm khoảng 1,5%, còn lại đều thanh toán qua USD, điều không phải bao giờ cũng có lợi, bởi cả với chúng tôi cũng như các bạn USD là ngoại tệ, chúng ta trước hết phải bỏ tiền mua USD, và phụ thuộc vào tỷ giá USD, rồi sau đó mới có thể dùng nó thanh toán cho nhau. Về phương diện này việc mở các khoản mục ngoại tệ đối ứng trong đồng nội tệ hai nước có thể còn có lợi hơn.

Hơn nữa, dĩ nhiên vấn đề ở đây không chỉ là các giao dịch thương mại, mà cả hoạt động đầu tư. Chúng tôi đang cố gắng phát triển chủ đề này trong thanh toán hai chiều với các nước khác, với các đối tác của chúng tôi. Tôi cho rằng việc phát triển quan hệ trong vấn đề này với Việt Nam cũng có những triển vọng tốt đẹp. Nhất định tôi sẽ nêu chủ đề này trong hội đàm với các đối tác Việt Nam.

  • Theo TTXVN