- Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao đổi với báo chí về việc tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của TQ di chuyển vào gần bờ biển của Việt Nam.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn: TQ đang biến những bãi đá chiếm đóng của VN vào năm 1988 thành những đảo đất nhân tạo rất lớn. Ảnh: T.D

Theo tôi được biết, vào lúc 5h sáng 6/6, tàu Tân Hải 517 (Bin Hai 517) đã đi vào vùng biển cách đảo Bình Ba thuộc tỉnh Khánh Hoà khoảng 20 hải lý về phía Đông Bắc. 

Sau đó tàu này di chuyển dọc vùng tiếp giáp lãnh hải xuống phía Nam hướng về vịnh Thái Lan. 

Các tàu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư đang hoạt động ở vùng biển nói trên giám sát chặt chẽ những động thái của con tàu này.

Tân Hải 517 là tàu của công ty dịch vụ dầu mỏ ngoài khơi (thuộc Tổng công ty dầu khí ngoài khơi Q), có lượng giãn nước 1.240 tấn, dài 68,2 mét, kéo hai cáp thăm dò địa chấn 2D và 3D. 

Theo Công ước LHQ về luật biển năm 1982, tàu nước ngoài có quyền di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. 

Đến thời điểm này, chưa phát hiện Tân Hải 571 có dấu hiệu bất thường nào, tuy nhiên các lực lượng trên biển của Việt Nam vẫn theo dõi chặt chẽ.

Được biết vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng đã dẫn đầu đoàn công tác số 9 đến thăm Trường Sa, thời điểm đó đài truyền hình CNN công bố video từ máy bay trinh sát của Mỹ ghi lại việc TQ mở rộng các đảo đá mà họ chiếm đóng của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Thực tế hiện trạng đó qua chuyến công tác Thứ trưởng nhận xét như thế nào?

Đoàn công tác đã đi qua khu vực các bãi đá TQ chiếm đóng như Ga Ven, Xu Bi, Huy Gơ, đặc biệt là Gạc Ma… Tất cả các thành viên đều nhìn thấy bằng mắt thường là TQ đang xây dựng rầm rộ các công trình trên đó. 

Công trường xây dựng trên các bãi đá rầm rộ với nhiều thiết bị hiện đại, những toà nhà 7 - 8 tầng trên mỗi đảo đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, hải đăng cũng xây xong và những mô hình giống đường băng, trung tâm điều hành bay...

Thực tế cho thấy TQ đang biến những bãi đá chiếm đóng của VN vào năm 1988 thành những đảo đất nhân tạo rất lớn với tham vọng hiện thực hoá đường lưỡi bò phi lý.

Ông đánh giá thế nào về những thông tin thực tế mà ông đã chứng kiến qua chuyến công tác đến Trường Sa vừa rồi? Báo chí trong nước có quyền đưa tin bài bình thường về những hành động phi lý của TQ ở Biển Đông hay không?

Đá và đảo là hai khái niệm khác nhau trong luật quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Chỉ có đảo mới được công nhận lãnh hải và vùng đặc quyền 12 hải lý. Công ước cũng đã có những quy định khá rõ ràng về quy chế pháp lý của các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm.

Theo điều 13.2 của Công ước, các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm nói chung không có lãnh hải riêng (và do đó cũng không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa). Đối với các công trình nhân tạo, Công ước 1958 về Lãnh hải và UNCLOS đều không ghi nhận quy chế đảo cho các công trình thuộc loại này.

Điều 5.4 của Công ước 1958 về Thềm lục địa qui định chế độ pháp lý của các công trình này như sau: "Các công trình và thiết bị này thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển, nhưng không có qui chế như các đảo, không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không ảnh hưởng đến việc xác định biên giới lãnh hải của quốc gia ven biển".

Những đảo nhân tạo mà TQ chiếm đóng của Việt Nam đang xây dựng theo kiểu đó là việc làm trái với luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. 

Việc thay đổi hiện trạng của các bãi đá do TQ chiếm đóng trái phép của Việt Nam còn vi phạm Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà TQ là một trong những nước tham gia. 

Gần đây, TQ gia tăng những hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, báo chí trong nước và quốc tế đã thông tin đầy đủ về hành động của TQ.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí luôn động viên và hoan nghênh các cơ quan báo chí, nhà báo đưa thông tin khách quan, kịp thời, đầy đủ, chính xác về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên nguyên tắc Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982.

Trong quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, các bên cần kiềm chế, cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương LHQ và các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế; thực hiện đầy đủ DOC và Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông năm 2012, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích trên biển của mình; tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của UNCLOS và phù hợp với tình hình thực tế của ta. 

Công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông; đấu tranh kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ ở Biển Đông.

Là một quốc gia thành viên trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC, nỗ lực cùng các nước ASEAN thúc đẩy xây dựng COC, đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thông tin trên báo chí cũng tránh kích động dư luận, để các lực lượng thù địch lợi dụng, phương hại đến lợi ích quốc gia, đảm bảo hoà bình. 

Chúng ta thông tin chính xác, đầy đủ về những hành động phi lý của TQ trên Biển Đông để cho cộng đồng dư luận quốc tế được biết.

Trước tình hình mới, đội ngũ những người làm báo và cơ quan báo chí cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm và vai trò công dân của mình.

Tôi đã từng nhiều lần dẫn đoàn đi công tác Trường Sa, thực tế nhìn thấy không chỉ riêng nhà báo, tất cả mọi người dân Việt Nam (cả người dân trong nước lẫn kiều bào ta ở nước ngoài) đều chất chứa trong lòng tình yêu Tổ quốc, yêu dân tộc mãnh liệt.

Dù bất cứ ai, làm việc gì, cũng không thể nén lòng trong buổi lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 mà các đoàn đều tổ chức theo nghi thức trang trọng. 

Những giọt nước mắt trên biển đã nhắc nhở chúng ta về trọng trách, bổn phận đối với tiền nhân và những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng đã ngã xuống vì sự vẹn toàn của lãnh thổ, vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và vì độc lập tự chủ của dân tộc.

Tôi xin nhấn mạnh lại: Chủ quyền biển đảo là vô cùng thiêng liêng. Chúng ta luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Cầm Thi