- Liên quan đến vụ 5 công an đánh chết người tại Phú Yên, VietNamNet đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc và sự chia sẻ quan điểm của các chuyên gia pháp lý về vụ việc. Trong đó, có ý kiến cho rằng vụ án trên đã để "lọt người, lọt tội".

Yếu nhận thức, kém nghiệp vụ.

Trong vụ án trên, việc làm của các công an viên thể hiện sự yếu kém về mặt nhận thức, yếu kém về mặt nghiệp vụ cũng như mặt đạo đức của các bị cáo trong vụ án. Hậu quả của sự yếu kém trên gây nên cái chết thương tâm cho anh Ngô Thanh Kiều.

{keywords}
Các bị cáo tại phiên tòa

Là người thừa hành công vụ, các bị cáo phải nhận thức được vị trí, vai trò cũng như hành vi của mình. Không phải do “bức xúc” vì nghi phạm không chịu khai hay vì một lý do nào đó mà có thể bất chấp thủ đoạn, hành vi buộc nghi phạm phải cung khai.

Việc bắt giữ anh Kiều là hoàn toàn trái với các quy định của pháp luật tố tụng hình sự với hàng loạt sai phạm như: bắt người vào lúc 3h sáng mà không hề có lệnh; bắt người không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp, không thuộc đối tượng bị truy nã. 

Bên cạnh đó, còn còng tay, áp giải anh Kiều đến Công an TP Tuy Hòa không hề có sự chứng kiến nào của tổ dân phố hay công an khu vực.

Lọt người, lọt tội?

Trước tiên, hành vi của các công an viên có dấu hiệu của tội "bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật". 

Vì họ việc bắt giữ anh Kiều khi không có lệnh bắt, không có sự phê chuẩn của VKSND TP. Tuy Hoà. Nếu xem xét tội danh này thì, người ra lệnh bắt còng tay anh Kiều áp giải về cơ quan công an là ông Hoàn sẽ được xem xét với vai trò "chủ mưu, cầm đầu" và các người còn lại với vai trò "đồng phạm".

Bởi lẽ, ông Lê Đức Hoàn, với vai trò của người lãnh đạo ban chuyên án, giữ cương vị Phó Trưởng CA TP Tuy Hòa đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trong hoạt động điều tra.

Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cho thấy ông Hoàn hoàn toàn biết việc thuộc cấp của mình dùng dùi cui đánh đập anh Kiều mà không hề có hành động ngăn cản hay cấm đoán, việc này tạo điều kiện cho các thuộc cấp của mình tra tấn anh Kiều.

Đây được xem là mấu chốt của việc “cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự ông Hoàn” trong vụ án này. Việc không truy cứu trách nhiện hình sự ông Hoàn là bỏ lọt người, lọt tội.

Ngoài ra, các bị cáo bị truy tố với tội danh "Dùng nhục hình" và toà án đã xét xử các bị cáo với tội danh đó là không phù hợp với cấu thành của tội "Dùng nhục hình". Bởi lẽ: tội dùng nhục hình thì mục đích phải nhằm vào việc phục vụ cho hoạt động tư pháp và hậu quả phải là vô ý.

Ở đây, các bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp, các bị cáo hoàn toàn nhận thức được rằng hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Do đó, các bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xét xử với tội danh "Giết người" theo Điều 93 BLHS.

Tôi nghĩ, VKSND cấp trên cũng như các cơ quan có trách nhiệm sẽ phải xem xét lại bản án của TAND TP Tuy Hoà, có như thế mới trả lại sự công bằng cho người đã mất, trả lại niềm tin của nhân dân vào Nhà nước.

Qua vụ án này, cũng là hồi chuông gióng lên về vấn đề cần chấn chỉnh lại các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về cơ chế bảo đảm quyền của công dân khi tham gia vào hoạt động tố tụng hình sự và nhất là việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ những người làm công tác tiến hành tố tụng để tránh lặp lại những vụ án oan sai do các cơ quan tiến hành tố tụng gây nên...

Ls Nguyễn Hữu Thế Trạch (Công ty Luật TNHH MTV Anphana, TP.HCM)