- Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng, có thể ngôi nhà 6 tầng bị sập đã không có đầy đủ giấy phép khi chủ nhà cơi nới từ 3 tầng lên 6 tầng khiến cho khung chịu lực bị thay đổi dẫn tới nhà bị sập.

TIN LIÊN QUAN:

>> Sập nhà 6 tầng giữa Hà Nội
>> Nhà 6 tầng sập là của một đại gia?
>> Vụ nhà sập: Sơ tán dân chung cư bên cạnh
 

Cơi nới “chui” thêm 3 tầng?

Ông Phạm Tiến Văn - (Ảnh: Duy Tuấn)
Liên quan đến vụ sập ngôi nhà 6 tầng ở Hà Nội chiều 31/3, ngày 1/4, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tiến Văn, Phó Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng.

Theo ông Văn, khi sự việc sập nhà diễn ra, đại diện của cơ quan này đã cử cán bộ xuống hiện trường tìm hiểu và đánh giá ban đầu.

Theo đó, ngôi nhà trên được chủ nhà xây dựng từ năm 1993. Ban đầu thì chỉ có 3 tầng trên nền đất gần 80m2.

Ngôi nhà được xây trên nền móng băng, kết cấu hỗn hợp, khung cột và tường cùng tham gia chịu lực. Kết cấu cột trụ ngôi nhà là 220 x 220, mỗi cột chỉ có 4 thanh sắt phi 12- 14, bước cột từ 4- 5m.

Sau đó một thời gian, chủ đã cho người khác thuê lại ngôi nhà 3 tầng và ngôi nhà lại được cơi nới thêm 3 tầng trên nữa.

“Nguyên nhân chính xác thì phải có hồ sơ, các cơ quan chức năng sẽ phải trưng cầu cơ quan tư vấn kiểm định chất lượng ngôi nhà. Tuy nhiên, việc cơi nới thêm 3 tầng trên nền móng, kết cấu cũ là nguyên nhân chính dẫn tới việc ngôi nhà bị sập. Rất nhiều khả năng, chủ ngôi nhà đã xây dựng không phép đối với 3 tầng trên”, ông Văn đưa ra nhận định.

Ông Văn tiếp tục phân tích: Theo quy định của pháp luật xây dựng đối với việc xây dựng nhà riêng lẻ thì đối với nhà ở có tổng diện tích sàn trên 250m2 và 3 tầng thì phải thuê nhà thầu khảo sát, phải có cơ quan tư vấn thiết kế đủ năng lực rồi sau đó mới xin phép xây dựng.

“Khả năng việc cơi nới thêm 3 tầng ở trên ngôi nhà đã không được phép của cơ quan chức năng. Không ai cấp phép cho việc cơi nới thêm 3 tầng trên nền móng cũ như ngôi nhà này cả”, ông Văn cho biết thêm.

Không những cơi nới thêm 3 tầng, khi xây dựng thêm chủ nhà còn phá bỏ hệ thống tường bao ở tầng 1, thay vào đó là các tấm kính đã làm suy giảm mất khả năng chịu lực của hệ kết cấu chịu lực cũ (kết cấu chịu lực hỗn hợp) nên dẫn đến sự cố đáng tiếc.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hậu kiểm nhà riêng lẻ

Theo ông Văn, thì những nguyên nhân trên là nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, chỉ khi nào có kết luận điều tra của cơ quan công an thì mới biết chính xác nguyên nhân. Hiện toàn bộ hồ sơ xây dựng của ngôi nhà đã bị lực lượng chức năng phong tỏa để phục vụ cho công tác điều tra làm rõ.

Ngôi nhà bị sập đã cơi nới không phép 3 tầng trên cùng? - (Ảnh: Duy Tuấn)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng trong việc quản lý chất lượng nhà riêng lẻ trên địa bàn Hà Nội, ông Văn cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội, loại nhà riêng lẻ như thế này chiếm số lượng rất lớn. Loại trừ những ngôi nhà được phép xây dựng thì có thể yên tâm đến chất lượng công trình, còn lại số lượng không giấy phép thì sẽ rất nguy hiểm đối với sự an toàn của người dân.

Năm 2006, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành chỉ thị số 13 về việc tăng cường quản lý chất lượng các công trình xây dựng của chủ đầu tư là tư nhân. Các tồn tại chủ yếu được nhận định: Các công trình không thực hiện việc khảo sát xây dựng, không thuê tư vấn lập thiết kế, nhà thầu thi công không đủ năng lực hoặc không được phép..

Thực trạng đó đã dẫn đến nhiều công trình không đảm bảo chất lượng, thậm chí gây ra sự cố làm thiệt hại lớn về người và tài sản.

Theo ông Văn, sau sự cố sập nhà ở 49 Huỳnh Thúc Kháng, các cơ quan quản lý công trình xây dựng sẽ tăng cường thêm việc thanh tra, kiểm tra đối với các loại công trình nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội, phải làm tốt công tác hậu kiểm. Kiên quyết xử lý đối với những trường hợp xây dựng không đúng với quy định của pháp luật.

Duy Tuấn

TIN LIÊN QUAN:

>> Sập nhà 6 tầng giữa Hà Nội
>> Nhà 6 tầng sập là của một đại gia?
>> Vụ nhà sập: Sơ tán dân chung cư bên cạnh