- Đại tá Nghiêm Đình Thiện, PGĐ TT CN xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh chia sẻ với Góc nhìn thẳng bài học sau vụ nổ Văn Phú.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

5 người bị chết, 10 người bị thương và hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng. Đó là những con số đau lòng sau vụ nổ kinh hoàng tại khu đô thị Văn Phú, Hà Nội hôm 19/3 mới đây. Sự việc này đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý và nhận thức của người dân trước những hiểm hoạ từ bom mìn sau chiến tranh còn sót lại.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với Đại tá Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh để tìm hiểu về vấn đề này.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vụ nổ kinh hoàng ở khu đô thị Văn Phú, Hà Nội đã được xác định là do người buôn phế liệu đã cưa phải vật nổ dạng bom. Ông lý giải ra sao về tình trạng có những quả bom có thể lại trôi nổi, lọt dễ dàng vào các cửa hàng tiêu thụ phế liệu ngay khu dân cư như vậy?

Đại tá Nghiêm Đình Thiện: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn rất nặng nề do các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để lại. Bom mìn nằm ở tất cả các tỉnh trên cả nước, với các chủng loại đa dạng, phức tạp. Người dân trong quá trình sinh hoạt, làm việc như khi đi làm đồng, đi xây dựng... có thể gặp phải những quả bom, đạn.

Tuy nhiên, có một số có chủng loại bom, đạn, mìn khác lạ, người dân không phân biệt, được đã đem bán vào các cửa hàng thu mua sắt vụn. Vô tình, các cửa hàng sắt vụn này cũng không phân biệt được, có thể đã mang ra cưa và gây nổ, gây ra thương tích.

Nhà báo Phạm Huyền: Như tôi hình dung, một quả bom có thể mang hình dáng trụ, tròn, dài. Liệu những quả bom đang sót lọt ở Việt Nam có thể mang hình dạng như thế nào?

Đại tá Nghiêm Đình Thiện: Một quả thuỷ lôi có thể có dạng hình ống. Như ở trong Bảo tàng này, chúng ta có một loại thuỷ lôi của Mỹ, giống một thùng gánh nước, khi không còn ngòi nổ ở bên thì rất khó nhận biết. Vì qua thời gian để lâu, quả bom bị han gỉ, có thể sẽ bị mất ngòi nổ ở phía ngoài. Những hình dạng bom như vậy, chúng ta rất ít phát hiện ra.

Sau vụ nổ ở khu đô thị mới Văn Phú, chúng tôi có xuống hiện trường. Qua lời kể của người dân, vật nổ là hình có hai đầu hình trụ, do vậy theo phán đoán của chúng tôi, có khả năng đây là một quả thuỷ lôi mà người dân không phát hiện ra, đã cưa và phát nổ.

Nhà báo Phạm Huyền: Liên quan đến công tác rà phá bom mìn, chúng ta đã thực hiện từ rất lâu, ngay sau chiến tranh nhưng vì sao đến thời điểm này, số lượng bom mìn, đạn tồn tại lại vẫn còn rất lớn. Xin ông có thể cho biết thêm về thực trạng này?

Đại tá Nghiêm Đình Thiện: Theo số liệu khảo sát sơ bộ, hiện nay, cả nước ước có khoảng 800.000 tấn bom, đạn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, với diện tích rất lớn.

Ví dụ, ở các tỉnh miền Trung, người dân sinh sống làm ăn trên khu vực bị ô nhiễm bom mìn có thể cuốc phải bom mìn, hay trẻ nhỏ không biết, cầm lên chơi. Số lượng thương vong này chủ yếu rơi vào các lao động chính trong gia đình và trẻ nhỏ.

Ước tính, hàng năm, có hàng trăm người thương vong do bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Có rất nhiều nguyên nhân, như nguyên nhân khách quan, có thể do người dân chưa hiểu biết về các loại bom mìn, vật nổ. Nguyên nhân chủ quan, do cuộc sống mưu sinh, người dân cố tình cưa, cắt các loại bom, đạn, đục... như vụ nổ ở Văn Phú vừa rồi, dùng đèn khò để cắt vật nổ, kể cả thuốc nổ, lấy làm sắt vụn.

Nhà báo Phạm Huyền: Sau vụ việc đau lòng ở Văn Phú vừa qua, chúng ta làm thế nào để có thể giảm thiểu thấp nhất những vụ việc tương tự xảy ra?

Đại tá Nghiêm Đình Thiện: Người dân cần được trang bị kiến thức về nhận biết bom, đạn... Khi phát hiện các loại bom đạn khác lạ, có thể đánh dấu, người dân nên báo lại cho các cơ quan chính quyền địa phương, hoặc các cơ quan có nghiệp vụ về xử lý bom đạn để mang đi tiêu huỷ.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần làm tốt công tác quản lý đăng ký ngành nghề kinh doanh, thường xuyên kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu.

Đối với cộng đồng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phòng tránh các loại bom mìn, vật nổ.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin trân trọng cảm ơn ông về các thông tin bổ ích!

VietNamNet

Tin liên quan: