Ngày 2/3/2017 Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản động thổ, mở ra lựa chọn mới về dịch vụ y tế đẳng cấp quốc tế, góp phần giảm tải cho hệ thống bệnh viện ung thư tuyến Trung ương.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế và được UBND TP.Hà Nội cấp phép đầu tư xây dựng, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Y học Việt Nam - Nhật Bản (Vija Metech JSC) đã khởi công xây dựng Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Tọa lạc tại Phường Xuân Tảo - Bắc Từ Liêm - Hà Nội trên diện tích 4.800m2, với diện tích sàn xây dựng 28.000m2, Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản có quy mô 100 giường nội trú và quy mô khám - điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tương đương 250 giường. Bệnh viện gồm các khoa: Khoa khám bệnh; Khoa cận lâm sàng; Khoa điều trị; Khoa ngoại tổng hợp; Khoa chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng theo công nghệ của Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tất cả đều đạt chuẩn JCI - chứng nhận quốc tế về chất lượng dịch vụ y tế trên toàn cầu, nhằm mục tiêu sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị cho bệnh nhân ung thư.

Với mô hình bệnh viện công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế Hoa Kỳ và Nhật Bản, công tác quản lý và vận hành bệnh viện do đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, tận tụy, chuyên nghiệp đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và bệnh viện K đảm nhiệm. Việc quản lý và điều hành dựa trên nền tảng công nghệ thông minh và tương đồng với các bệnh viện của đối tác quốc tế tại Nhật Bản và Hoa Kỳ - nơi được xem là những trung tâm điều trị ung thư hàng đầu thế giới.

{keywords} 

Bệnh viện được đầu tư hệ thống trang thiết bị xét nghiệm đạt tiêu chuẩn tương đương với các bệnh viện hiện đại tại Nhật Bản - Hoa Kỳ. Trung tâm phân tích và chẩn đoán bệnh lý có kết nối mạng với các bệnh viện đối tác Nhật Bản - Hoa Kỳ để tư vấn và đưa ra kết quả khám ban đầu chính xác nhất. Tại đây còn có trung tâm nội soi phát hiện ung thư sớm, trung tâm chẩn đoán hình ảnh được đầu tư đồng bộ với trang thiết bị tối tân.

Trung tâm xạ trị đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI, do các chuyên gia Trung tâm y tế trường đại học Pittsburgh của Hoa Kỳ (gọi tắt là UPMC) thiết kế và vận hành gồm 2 máy xạ trị gia tốc thế hệ mới nhất hiện nay. Trung tâm điều trị hóa trị ngoại trú đưa vào những phương pháp hóa trị liệu mới nhất đang áp dụng thành công tại Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Phát biểu tại buổi động thổ bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại nước ta, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư đang gia tăng nhanh. Bằng chứng là tất cả các bệnh viện điều trị ung thư tại Hà Nội và TP.HCM hiện đều rơi vào tình trạng quá tải. Vì thế, chủ trương của nhà nước ta là kêu gọi xã hội hóa y tế để vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa giảm quá tải cho các bệnh viện công và đa dạng hóa dịch vụ y tế chất lượng cao cho người bệnh.

{keywords} 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Bệnh viện Ung bướu Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng không chỉ giảm quá tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô, đáp ứng nhu cầu điều trị tốt hơn của nhân dân mà còn hạn chế tình trạng người bệnh phải ra nước ngoài điều trị. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị phía Bệnh viện Ung bướu Việt Nam – Nhật Bản phải tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, xây dựng quy trình khám chữa bệnh… xứng đáng với một bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế.

Về phía thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các Sở ban ngành của thành phố chủ động giúp đỡ, hướng dẫn Nhà đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án Bệnh viện Ung bướu Việt Nam - Nhật Bản.

{keywords} 

Ông Vũ Xuân Hợp - Chủ tịch HĐQT Công ty Vija Metech JSC cam kết: “Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản ra đời để mang đến cho cộng đồng cơ hội nhiều hơn tiếp cận các phương pháp tầm soát ung thư sớm, chữa trị tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam mà không cần đi ra nước ngoài”.

Nhờ vị trí “vàng” có kết nối giao thông thuận lợi, Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản khi đi vào hoạt động sẽ trở thành cơ sở tầm soát sớm, phát hiện và điều trị ung thư không chỉ cho các bệnh nhân Hà Nội, mà còn cho bệnh nhân cả nước. Dự kiến, bệnh viện sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mắc và khoảng 100.000 ca tử vong vì ung thư. Nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp, nhiều người bệnh có thể được chữa khỏi. Với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại có thể tăng khả năng cứu chữa và kéo dài tuổi thọ.

Doãn Phong