Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) khẳng định các giải pháp đơn giản hóa TTHC được thông qua sẽ tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng.
 
Đơn giản hóa hơn 3.000 TTHC

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ, trong năm 2011, các bộ, ngành đã đơn giản hóa hơn 3.000 TTHC trên tổng số 4.751 TTHC phải đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ, đạt 68%.

Các bộ, ngành hoàn thành tốt việc này là Bộ Khoa học - Công nghệ (96%), Bộ Giao thông - Vận tải (85%), Bộ Thông tin - Truyền thông (80%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (76%), Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (73%).

Các bộ, ngành, địa phương đã chú ý kiểm soát TTHC theo hướng nâng cao chất lượng các TTHC mới, công bố công khai TTHC, tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến TTHC…

Đã có 1.559 quy định về TTHC được công bố công khai, 284/512 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được xử lý.

Trong năm 2011, các bộ, ngành cũng thực hiện đánh giá tác động đối với 666 TTHC tại 130 dự án, dự thảo luật. Ý kiến phản biện từ việc đánh giá tác động này đã hỗ trợ các cơ quan soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về TTHC, đảm bảo duy trì và ban hành những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết quả kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) năm 2011 cho thấy quyết tâm của Chính phủ hướng đến mục tiêu nâng cao tính công khai, minh bạch của hệ thống hành chính công, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp thực hiện và tham gia giám sát việc thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền.

Từ rà soát cắt giảm đến thực thi

Kinh nghiệm thực tế triển khai đề án 30 cho thấy, sau khi tất cả các giải pháp đơn giản hóa TTHC được thông qua sẽ cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ TTHC mà xã hội phải gánh chịu. Hàng chục nghìn tỷ đồng tiết kiệm được sẽ được tái phân bổ vào đầu tư, tạo việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Việc đơn giản hóa TTHC cũng góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam nói chung và các bộ, ngành, địa phương nói riêng trước cộng đồng trong nước và quốc tế, nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Chính phủ khóa 13 xác định “cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, giải phóng nguồn lực xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm điều kiện cho nền kinh tế của đất nước phát triển nhanh, bền vững tiếp tục” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm 2012, kết quả cải cách TTHC cần được đưa vào đời sống, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các TTHC cần được quản lý từ khâu dự thảo đến việc thực thi, được kịp thời công bố công khai và cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan nhấn mạnh: “Cải cách TTHC không chỉ là việc rà soát để cắt giảm hoặc sửa đổi các quy định về thủ tục, mà quan trọng hơn là việc công khai, minh bạch, cũng như thực hiện tốt các thủ tục này trên thực tế”.

“Làm tốt việc này sẽ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của đất nước”,
ông Phan nói.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ