- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc đổi mới về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cũng như sắp xếp lại cơ cấu các dịch vụ công, trong đó có cả đẩy mạnh xã hội hóa sẽ giúp phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành thông tin và truyền thông.

Chiều 29/6, Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Đoàn khảo sát) đã có buổi làm việc với lãnh đạo và đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đề án đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một đề án rất quan trọng, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đề án đặt ra 3 vấn đề chính gồm đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế tài chính và sắp xếp lại cơ cấu các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chủ trì buổi làm việc giữa Đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập với lãnh đạo và đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT.

{keywords}

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo đề án, Bộ Nội vụ, với tư cách là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đề án, đã thành lập đoàn khảo sát tất cả các địa phương lớn, các bộ, ngành có tính chất đặc thù để nghị quyết sắp ban hành phù hợp với điều kiện của từng địa phương, bộ, ngành trong cả nước. Buổi làm việc với Bộ TT&TT khép lại quá trình khảo sát của Ban chỉ đạo đề án.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã nghe đại diện Bộ TT&TT báo cáo tóm tắt về tình hình đổi mới với cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành. Bộ TT&TT đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông, bao gồm các lĩnh vực báo chí, xuất bản, in, phát hành; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và quản lý nhà nước của Bộ. Trong các lĩnh vực này, báo chí, xuất bản, thông tin điện tử, CNTT là các lĩnh vực có nhiều đơn vị sự nghiệp, nhất là lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực TT&TT, Bộ TT&TT áp dụng cơ chế chung về quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời áp dụng một số quy định của pháp luật chuyên ngành và cơ chế đặc thù đối với đơn vị sự nghiệp báo chí xuất bản. Trong đó, về tổ chức bộ máy, phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, thực hiện tự chủ về tổ chức, nhân sự theo quy định.

Về cơ chế tài chính, phần lớn các đơn vị sự nghiệp TT&TT tự đảm bảo được một phần kinh phí hoạt động. Trong điều kiện cạnh tranh, các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ đã chú trọng tăng thu, chủ động thực hiện liên kết, quảng cáo và tích cực khai thác nguồn tài chính mang tính xã hội hóa (nhất là lĩnh vực báo hình và báo điện tử), góp phần đa dạng hóa dịch vụ và nguồn tài chính của đơn vị. Các đơn vị đã chủ động trong việc rà soát, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của đơn vị mình tinh gọn, tiết kiệm chi phí. Nhiều đơn vị đã có tích lũy cho đầu tư cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ mới. Thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập bước đầu gắn với hiệu quả, chất lượng công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế chi trả nhuận bút.

Về hệ thống tổ chức, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực TT&TT năm 2016 là 1.785 đơn vị. Trong đó, có 5% tổng số đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, 55,6% đơn vị đảm bảo và 39,4% đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động. Tổng số người là việc trong các đơn vị sự nghiệp TT&TT năm 2016 là 54.709 người (không kể cộng tác viên), trong đó số người làm việc trong lĩnh vực báo chí (bao gồm cả phát thanh - truyền hình) là 37.798 người. Hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

Phần lớn các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được đào tạo về chuyên ngành báo chí hoặc các chuyên ngành khác phù hợp với nhiệm vụ cơ quan báo chí, xuất bản. Họ cũng thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Ngoại trừ những đơn vị sự nghiệp được ngân sách cấp kinh phí chịu sự quản lý về biên chế của cơ quan chủ quản theo quy định, các cơ quan báo chí tự đảm bảo kinh phí hoạt động chủ động về biên chế và tuyển dụng, không phụ thuộc vàp quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế.

Về một số điểm thắc mắc của Đoàn khảo sát đối với các lĩnh vực Bộ TT&TT phụ trách, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải giải thích, lĩnh vực bưu chính đã chuyển từ cơ chế bao cấp sang thị trường hóa với nhiều dịch vụ mới thành công. Lĩnh vực viễn thông từ lâu đã không còn đơn vị sự nghiệp công và người dân vùng sâu, vùng xa hiện đang được hưởng chính sách ưu đãi riêng từ các doanh nghiệp viễn thông cũng như dịch vụ viễn thông công ích.

Riêng về lĩnh vực báo chí, xuất bản, Bộ TT&TT đã có quy hoạch cụ thể trong vài năm trở lại đây. Do đặc thù của lĩnh vực này là không tư nhân hóa, nên Bộ đang nghiên cứu chỉ đạo đổi mới cơ chế hoạt động một cách phù hợp. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cũng nêu rõ, riêng trong hoạt động tuyên truyền và thông tin, việc tránh sự chồng chéo giữa các đơn vị là rất khó, ví dụ như các báo, đài PTTH từ trung ương đều cùng tham gia tuyên truyền về nghị quyết trung ương. Vì vậy, Bộ hiện đang rất cần có đánh giá hiệu quả để các cơ quan báo chí nhà nước biết cần tập trung vào vấn đề, lĩnh vực TT&TT nào.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao báo cáo của Bộ TT&TT vì không chỉ bám sát đầy đủ mọi yêu cầu của Đoàn khảo sát, mà còn nêu được các đặc điểm, đặc thù riêng của các đon vị sự nghiệp của Bộ TT&TT. Bộ trưởng mong muốn, dù trong bối cảnh có tự chủ, không tự chủ, có xã hội hóa hay không xã hội hóa, Bộ TT&TT đều cần có tư duy mới về quản lý các đơn vị sự nghiệp công, không để đi vào lối mòn như thời gian vừa qua.

"Quản lý NN đối với các đơn vị sự nghiệp công là một vấn đề hết sức phức tạp. Do phân loại đã có rất nhiều loại, lĩnh vực nên đối với việc QLNN cho từng lĩnh vực, chúng ta làm sao phải vừa quản lý được, vừa phát triển được, vừa phát huy được các nguồn lực xã hội. Đây là một thách thức lớn đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi cơ chế. Ngay cả các bộ phận quản lý nội tại bên trong các đơn vị sự nghiệp công cũng cần phải thay đổi để tránh phát triển chậm hay thậm chí mai một đi", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

 

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Bộ TT&TT tìm ra giải pháp thích hợp cho mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, quan hệ với các bộ, ngành khác trong quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, đồng thời tăng khả năng tự chủ về tài chính thích hợp đối với những đơn vị này theo từng từng loại sự nghiệp công lập.

"Không phải nhất thiết mọi loại hình sự nghiệp công lập có cơ chế tự chủ giống nhau mà chúng cần thích hợp với tính đặc thù riêng. Làm sao để cơ chế sắp tới đi vào cuộc sống cụ thể, chúng ta cần đảm bảo phân thành 2 loại, loại nào cần nhà nước hỗ trợ và loại nào không cần giữ nhà nước để đưa ra xã hội hóa. Lần này, tôi rất mừng vì Bộ TT&TT đã chuẩn bị xong nghị định để cụ thể hóa Nghị định 16 của Thủ tướng chính phủ ban hành về cơ chế, chính sách để thực hiện xã hội hóa, tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành TT&TT. Trong ngành TT&TT, các đồng chí đã có danh mục về các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, nhà nước phải cấp kinh phí 100%, ... đặc biệt là quy hoạch phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công của ngành TT&TT. Tôi nghĩ đây là những vấn đề hết sức cơ bản để chúng ta thực hiện chủ trương, nghị quyết 16", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề xuất, sau buổi làm việc, nếu Bộ TT&TT có ý kiến mới sẽ tiếp tục đề xuất để Ban chỉ đạo nắm bắt, giúp hoàn thiện đề án, giải quyết được bài toán quản lý nhà nước, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuấn Anh