Câu chuyện chuyển đổi số cấp xã ở Ninh Bình là một trong những kinh nghiệm tốt, cách làm mới được chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Giao ban công tác quản lý nhà nước quý III/2020 do Bộ TT&TT tổ chức sáng 7/9, với sự tham gia của 63 điểm cầu từ 63 sở TT&TT trong cả nước.

{keywords}
Hội nghị trực tuyến Giao ban công tác quản lý nhà nước quý III/2020 do Bộ TT&TT tổ chức sáng 7/9. Ảnh: Trọng Đạt. 

Theo ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Cục Tin học hóa khảo sát và chọn xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) để triển khai thí điểm chuyển đổi số, xây dựng xã nông thôn mới này thành xã thông minh vào cuối năm 2020.

Bốn nội dung chính để chuyển đổi số cấp xã tại Yên Hòa đã được xác định rõ, gồm: Tái cấu trúc hạ tầng số, tăng cường an toàn thông tin, tái cấu trúc hạ tầng cho chính quyền thông minh; Phát triển thương mại điện tử, kết nối đưa nông sản lên sàn (sản phẩm từ các nghề: trồng rau, nuôi cá, và các nghề truyền thống như xây dựng và đan lát); Truyền thanh thông minh, sử dụng hệ thống truyền thanh cũ hiện có và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát bản tin, tuyên truyền; Y tế thông minh.

{keywords}
Ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình phát biểu tại hội nghị trực tuyến. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, xã Yên Hòa đã đạt được những kết quả khá quan trọng, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh, đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương. Đáng chú ý, đã có 1.171 người dân ở Yên Hòa tham gia thí điểm y tế thông minh, ước tính số tiền tiết kiệm sơ bộ khoảng 40 triệu đồng/tháng, 480 triệu đồng/năm.

Giám đốc Sở TT&TT Ninh Bình chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra từ thực tế chuyển đổi số cấp xã tại Yên Hòa, đó là: Phải có tư duy mới trong cách nghĩ và cách làm; UBND xã cần thành lập ban chỉ đạo về chuyển đổi số; Phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), vừa làm vừa điều chỉnh kế hoạch, lãnh đạo và chuyên viên cùng làm; Tìm các doanh nghiệp có nền tảng hay để chủ động đề xuất hợp tác...

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho hay, hiện đang có 12 xã trên toàn quốc triển khai thí điểm mô hình xã thông minh, trong đó có xã ở miền núi, có xã ở nông thôn, có xã ở vùng biên giới, hải đảo. Các xã có mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông ở nhiều mức khác nhau.

{keywords}
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng chia sẻ về chuyển đổi số cấp xã tại hội nghị. Ảnh: Trọng Đạt. 

Đánh giá cao tỉnh Ninh Bình trong thời gian ngắn đã triển khai chuyển đổi số cấp xã khá rõ nét, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, các doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các xã để triển khai chuyển đổi số. Chính quyền địa phương chỉ cần nêu rõ yêu cầu, các doanh nghiệp sẽ tìm đến ngay, hoặc Cục Tin học hóa sẽ là cầu nối để giới thiệu các doanh nghiệp tìm đến để hợp tác.

Việc khó thì phải làm nhanh

Mỗi xã có những “nỗi đau”, những khó khăn riêng, nhưng đều có thể giải quyết bằng công nghệ. Các nền tảng công nghệ hiện đại đều được viết rất dễ hiểu, dễ sử dụng. Bởi vậy, các xã khi chuyển đổi số không cần phải quá băn khoăn về việc thay đổi nhận thức và nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ cho người nông dân.

Chi phí đầu tư xây dựng xã thông minh cũng không phải là nỗi trăn trở quá lớn, bởi những nền tảng công nghệ cốt lõi đều đã có sẵn, địa phương không cần phải đầu tư. Doanh nghiệp công nghệ sẵn sàng cho địa phương dùng thử miễn phí, sau này khi người dân đã quen sử dụng thì sẽ tính phí thuê dịch vụ với giá rẻ, thậm chí vẫn tiếp tục miễn phí một thời gian dài.

{keywords}
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Trọng Đạt. 

“Chuyển đổi số xã là quan trọng nhất trong tất cả các loại chuyển đổi số vì liên quan trực tiếp đến người dân. Càng những chỗ khó khăn thì chuyển đổi số lại càng hiệu quả. Cố gắng trong năm nay thí điểm tốt việc chuyển đổi số cấp xã, xây dựng xã thông minh, sau đó viết thành cẩm nang để chia sẻ các thông điệp, kinh nghiệm hay, giúp các sở TT&TT trên toàn quốc có thể làm được ngay”, người đứng đầu Bộ TT&TT chỉ đạo.

Để chuyển đổi số thành công, rất nhiều mục tiêu táo bạo, chưa từng có tiền lệ đã được đặt ra. Nhiều người e ngại khó có thể biến những mục tiêu đó thành hiện thực. Tuy nhiên, với cách nghĩ khác, làm khác thì nhiều cái khó sẽ trở thành không khó nữa.

Câu chuyện Bến Tre phấn đấu đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4 trong năm 2020 là một ví dụ.

Theo kế hoạch, Bến Tre sẽ đưa 949 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 53 thủ tục hành chính cấp huyện và 25 thủ tục hành chính cấp xã lên dịch vụ công trực tuyến mức 4. Sở TT&TT đã trình lãnh đạo tỉnh về việc thành lập tổ công tác, ban hành kế hoạch triển khai với 3 phụ lục dịch vụ công cấp tỉnh, huyện, xã. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4.

Bến Tre là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam đặt mục tiêu đưa tất cả dịch vụ công trực tuyến lên mức cao nhất trong năm nay (trong khối các bộ, ngành đã có Bộ TT&TT và Bộ Y tế công bố 100% dịch vụ công mức 4 từ hồi tháng 6/2020).

{keywords}
Hội nghị trực tuyến Giao ban công tác quản lý nhà nước quý III/2020 tại điểm cầu 18 Nguyễn Du. 

Đối với những việc khó, việc mới, đáng lẽ làm trong 5 năm nay rút xuống làm 1 năm thì khả năng thành công cao hơn. Càng khó bao nhiêu, càng đặt mục tiêu táo bạo và co thời gian lại càng nhiều thì càng có khả năng thành công. Bởi đặt vào tình thế đó thì sẽ thành người thông minh hơn. Nếu không sẽ mãi mãi chỉ là người bình thường, không làm được những việc khó, độc đáo, đặc biệt, vĩ đại”.

“Cần thay đổi cách nghĩ, cách tiếp cận thì việc khó thành không khó nữa”, thông điệp quan trọng này thêm một lần nữa được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh với các sở TT&TT tham gia hội nghị.

VietNamNet