Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo được Bộ Y tế kỳ vọng sẽ là giải pháp đồng bộ giúp giảm quá tải tại BV tuyến Trung ương, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giúp người dân được hưởng thụ các kỹ thuật cao ngay tại địa phương.

Bộ Y tế vừa tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I về công tác tại 4 tỉnh miền núi gồm Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn và Điện Biên.

Đây là nhóm đầu tiên trong tổng số 78 bác sỹ đang được đào tạo theo dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" do Bộ Y tế chủ trì.

{keywords}
7 bác sĩ đầu tiên của Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn"

Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, bà Nguyễn Kim Phương, Giám đốc BV đa khoa huyện Bắc Hà chia sẻ, trong vòng 10 năm trở lại đây, BV không có một bác sĩ chính quy nào về công tác nên rất vui được tiếp nhận một bác sĩ tốt nghiệp chính quy và thuộc chuyên ngành ngoại khoa, chuyên ngành mà bệnh viện đang thiếu nhiều bác sĩ.

“Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để bác sĩ trẻ về công tác nhằm cung cấp các dịch vụ y tế hiện đại cho người dân địa phương, đặc biệt là chuyên ngành cấp cứu ngoại khoa”, lãnh đạo BV huyện Bắc Hà hy vọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhu cầu bác sĩ tại 62 huyện nghèo ở nước ta hiện nay là khoảng 600 người thuộc 15 chuyên khoa (như: Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh…). Vì vậy, các bác sĩ trẻ tình nguyện phải được đào tạo bài bản các chuyên khoa mà các bệnh viện tuyến huyện đang thiếu, để đảm bảo chất lượng và cung - cầu khớp nhau.

Kỳ vọng của Bộ Y tế

Bác sĩ Phạm Văn Đức, sinh năm 1990, tốt nghiệp loại giỏi Đại học Y Thái Bình, là 1 trong 7 bác sĩ trẻ đầu tiên, chuyên ngành Nhi khoa, được Bộ Y tế bàn giao về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể, Bắc Kạn lần này.

Đức chia sẻ, anh đã lên Trung tâm Y tế huyện Ba Bể vài lần để trao đổi với các bác sĩ và người dân để tìm hiểu về những mặt bệnh chủ yếu nơi đây. Điều khiến bác sĩ trẻ băn khoăn là mặc dù Trung tâm có máy móc, trang thiết bị thuộc chuyên ngành Nhi khoa nhưng do không có đủ nguồn nhân lực nên chuyên khoa Nhi ở đây còn hạn chế.

Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết, sinh năm 1989, tốt nghiệp loại khá Trường Đại học Y Hà Nội, cũng là 1 trong 7 bác sĩ trẻ đầu tiên được Bộ Y tế bàn giao về công tác tại các huyện nghèo lần này, cho biết anh cảm thấy tự tin hơn sau khi đã thực hiện trực tiếp 2 ca mổ ruột thừa tại BV đa khoa huyện Bắc Hà, Lào Cai (nơi anh về công tác) trong tháng 6 này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định những bác sĩ trẻ được đào tạo theo Dự án này hoàn toàn có thể thực hiện được độc lập các kỹ thuật chuyên ngành tại các BV tuyến huyện.

Dự án này nhằm tạo sự tiếp cận công bằng các dịch vụ chất lượng cao đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo, đồng thời giúp giảm quá tải BV tuyến trên.

Dự án cũng bảo đảm quyền lợi cho các bác sĩ trẻ, khi sau 3 hoặc 2 năm công tác tại huyện nghèo được quay lại công tác tại các BV tuyến Trung ương.

Bộ Y tế cũng đã và đang triển khai các đề án khác nhằm giải quyết đồng bộ việc quá tải tại các BV tuyến Trung ương và đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Trong đó có Đề án BV vệ tinh nhằm chuyển giao kỹ thuật cao từ BV tuyến Trung ương cho các BV tuyến tỉnh; Đề án 1816 chuyển giao kỹ thuật từ BV tuyến tỉnh cho BV tuyến huyện, đồng thời tăng cường y tế cơ sở như luân phiên các bác sĩ y tế tuyến huyện về xã, cán bộ trạm y tế xã lên huyện để nâng cao kiến thức chuyên môn.

 Lan Hương