Sáng 21/11, tại Hà Nội Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ khai trương Cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch qua Hệ thống NGSP phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Trong đó, NGSP là Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống ở Trung ương và địa phương. 

Hoạt động này nhằm thực hiện Quyết định số 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Trong đó, CSDL quốc gia về Bảo hiểm được xác định là 1 trong 6 CSDL quan trọng tạo nền tảng cho phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam. 

{keywords}
Lễ khai trương Cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Ảnh: Trọng Đạt

Bên cạnh CSDL về Bảo hiểm, 5 CSDL nền tảng còn lại là CSDL quốc gia về Dân cư, CSDL Đất đai quốc gia, CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, CSDL quốc gia về Thống kê tổng hợp về Dân số và CSDL quốc gia về Tài chính. 

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, cùng với sự phối hợp của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), tính đến nay đã có 97,4 triệu dữ liệu nhân khẩu có hiệu lực được cấp mã số trong hệ thống CSDL Hộ gia đình tham gia BHYT. 

Về CSDL của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, hiện có tổng cộng 14,9 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 488.000 người tham gia BHXH tự nguyện, 13,11 triệu người tham gia BHXH thất nghiệp và 85,24 triệu người tham gia BHYT. 

Ở thời điểm hiện tại, có khoảng 3,6 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng trong CSDL của BHXH Việt Nam. Những người này bao gồm các trường hợp hưu trí, tử tuất hay có bệnh nghề nghiệp,... Đối với CSDL khám chữa bệnh BHYT, trung bình hiện có khoảng 170 triệu lượt khám chữa bệnh mỗi năm. 

Những CSDL trên đã giúp ngành BHXH cải cách được thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần giúp ngành đạt và vượt nhiều mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra. 

{keywords}
Khởi động quả cầu khai trương CSDL chuyên ngành bảo hiểm xã hội kết nối với hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ tại Lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho rằng, để tạo ra chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, một trong những việc quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng được các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng.

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, việc xây dựng CSDL nhìn thì tưởng dễ nhưng thực tế lại rất khó khăn. “Cái khó đầu tiên là cần phải tạo ra một CSDL chính xác, theo đúng các trường thông tin. Quan trọng nhất là CSDL này phải luôn luôn được “sống”, luôn được cập nhật, nếu không chỉ một thời gian ngắn sau đó toàn bộ hệ thống sẽ bị lạc hậu, không còn chính xác.”, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ. 

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh về việc nếu CSDL không còn chính xác, sẽ không thể xác thực và làm ID điện tử cho các công dân. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam là các đơn vị có dữ liệu nhưng lại giữ khư khư, chỉ phục vụ riêng cho công việc của mình. 

Thực trạng này có 2 lý do, một là bản thân tính sở hữu của mỗi ngành còn quá cao. Lý do thứ 2 đến từ vấn đề an ninh, bảo mật dữ liệu. Do không có cơ chế, không có quy định, chưa có khung pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu nên nhiều đơn vị không dám chia sẻ.

Bộ TT&TT đang tập trung làm cầu nối cho các bộ, ngành, địa phương muốn kết nối, chia sẻ dữ liệu qua hệ thống NGSP. Về việc tạo hành lang pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, Bộ TT&TT đang rất trăn trở, quyết tâm để sớm cho ra đời Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số. 

Theo kế hoạch, dự kiến trong tháng 12/2019 , Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định này. Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn hy vọng, sau khi Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số được ban hành, sẽ không còn tình trạng các ngành khư khư giữ cơ sở dữ liệu của mình, xóa bỏ suy nghĩ “cát cứ” dữ liệu của các cơ quan, đơn vị.

Trọng Đạt

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ CMCN 4.0?

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ CMCN 4.0?

 Tại Việt Nam, nền kinh tế số đã từng bước hình thành, phát triển nhanh và trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Tuy vậy, quy mô Kinh tế số của Việt Nam vẫn còn nhỏ. Nhiều doanh nghiệp hiện còn đang bị động.