>> Toàn văn phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ mở của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Làm chủ công nghệ số dựa trên nền tảng mở

Để thúc đẩy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, ngày 18/11/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ mở (Vietnam Open Summit) với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia".

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, CNTT, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Công nghệ số phải rẻ như không khí, và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở. Đó không chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở, chuẩn mở, cùng với đó là văn hóa mở.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam đang đi theo xu hướng sử dụng công nghệ mở để xây dựng hạ tầng nền tảng quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Niềm tin số sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của chuyển đổi số. Các quốc gia chỉ có thể có niềm tin này khi sử dụng công nghệ mở. Đây là cách để các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng. 

Nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ mở, nhất là khi công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi trong đại dịch Covid-19, các ứng dụng như Bluezone, CoMeet đã được mở mã nguồn hoặc phát triển trên nền nguồn mở. 

Bộ TT&TT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu. Sắp tới đây, mạng 5G Việt Nam cũng sẽ dùng chuẩn mở Open RAN. 

{keywords}
Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ mở (Vietnam Open Summit). Ảnh: Trọng Đạt

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ mở. Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Đó là lúc mỗi người đứng trên vai người khác để phát triển và tạo ra một mặt bằng cao hơn cho những người khác nữa. 

Việc tổ chức Diễn đàn Công nghệ mở (Vietnam Open Summit) là cam kết, chiến lược và chương trình hành động của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên thừa hưởng nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.

Lựa chọn phát triển công nghệ mở, phần mềm nguồn mở và mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của Việt Nam. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo cùng hành động để xây dựng chính sách, chiến lược và phát triển các nền tảng, cộng đồng mở. 

Chiến lược phát triển công nghệ mở Việt Nam

Hiện nay, gần 3 triệu tổ chức, doanh nghiệp từ 70 quốc gia trên thế giới đã tham gia vào cộng đồng nguồn mở GitHub. 35 trong tổng số 50 công ty top đầu thế giới đang tham hoặc cử đội tham gia vào các dự án mã nguồn mở trên diễn đàn này.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc là nước đứng thứ 2 về ứng dụng mã nguồn mở. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp hạng 3 và thuộc top 20 thế giới về ứng dụng mã nguồn mở, sau Singapore (thứ 17) và Malaysia (thứ 18).

{keywords}
Việt Nam hiện đứng thứ 20 thế giới về ứng dụng phần mềm nguồn mở. 

Top 10 nước tăng trưởng nhanh nhất về phần mềm nguồn mở gồm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Châu Á như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Đối với chỉ số về tăng trưởng dự án nguồn mở năm 2019, ở khu vực chỉ có một quốc gia nằm trong top 10 là Indonesia ở vị trí thứ 4.

Việt Nam đã tiếp cận xu hướng mở khá sớm, từ những năm 2000, tuy nhiên tốc độ phát triển công nghệ mở của nước ta vẫn đi theo sau một số nước. Điều này là bởi những hạn chế về văn hóa đóng, tình trạng cát cứ dữ liệu và sự thiếu quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào mảng công nghệ này. 

Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), việc phát triển các dự án nguồn mở là một xu hướng không thể đảo ngược của ngành công nghệ toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần phải lọt vào top 10 các bảng xếp hạng về tăng trưởng phần mềm nguồn mở.

{keywords}
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) chia sẻ về định hướng phát triển công nghệ mở Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ về những định hướng thời gian tới, ông Đường cho rằng Việt Nam cần phát triển công nghệ mở tập trung vào 3 trụ cột gồm hệ sinh thái mở Make in Vietnam, thúc đẩy văn hoá mở, phát triển cộng đồng mở.

“Ngoài thúc đẩy giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, phát triển cộng đồng, chúng ta cũng cần phát triển hệ sinh thái công nghệ mở Việt Nam, thúc đẩy việc thực thi chính sách, ưu tiên sử dụng các sản phẩm nền tảng số, ứng dụng chuẩn mở.”, ông Đường nói. 

Trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, cần có các dự án đề tài lớn về phần mềm nguồn mở. Việc đánh giá chất lượng đề tài nghiên cứu phải dựa trên đóng góp đối với cộng đồng quốc tế

Về phát triển hệ sinh thái công nghệ mở, các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn phải làm gương, ưu tiên kinh phí R&D cho các dự án nguồn mở. Việt Nam cũng sẽ hướng tới việc thúc đẩy văn hoá mở với sự tham gia của cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ. 

Tại Diễn đàn Công nghệ mở, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã tuyên bố chương trình hành động để hiện thực hóa các chiến lược này ngay trong năm 2021. 

(Quý độc giả có thể theo dõi toàn văn phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ mở của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại đây) 

Trọng Đạt

Tuyên bố chương trình hành động năm 2021 của Diễn đàn Công nghệ mở Việt Nam

1. Xây dựng và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ mở để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

- Tháng 12/2020: Xong dự thảo và lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

- Quý I/2021: Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

2. Ban hành các tiêu chí, tiến hành đánh giá, công bố và khuyến nghị việc sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ mở

- Quý I/2021: Hoàn thành và ban hành bộ tiêu chí.

- Tháng II, III, IV/20201: Tiến hành đánh giá và công bố, khuyến nghị.

3. Hoàn thành Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ trên nền tảng Open Stack (Giai đoạn 1)

Quý II/2021, hoàn thành hạ tầng điện toán đám mây Chính phủ, sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp dịch vụ hạ tầng cho các cơ quan nhà nước đối với những hệ thống có quy mô vừa và nhỏ. Tham gia là thành viên tích cực trong Open Stack quốc tế.
{keywords}
Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã tuyên bố chương trình hành động để hiện thực hóa các chiến lược này ngay trong năm 2021. Ảnh: Trọng Đạt

4. Công bố nền tảng mở cho Camera thông minh, cho phép cộng đồng xây dựng ứng dụng chạy trên nền tảng Camera thông minh

- Tháng 6/2021: công bố nền tảng mở Camera thông minh.

- Tháng 12/2021: hình thành cộng đồng xây dựng ứng dụng trên camera thông minh. Tham gia tích cực vào các chuẩn mở và cộng đồng nguồn mở về camera thông minh của quốc tế.

5. Làm chủ công nghệ 5G dựa trên công nghệ mở OpenRan. Xây dựng và phát triển cộng đồng OpenRan tại Việt Nam lớn mạnh và có dấu ấn đóng góp vào sự phát triển của OpenRan trên thế giới

Quý 2/2021 hoàn thành trạm phát sóng 5G theo chuẩn mở với thiết bị vô tuyến hỗ trợ 8 antena.

6. Thiết lập nền tảng mở cho AI Việt Nam bằng việc chia sẻ các nghiên cứu khoa học, mã nguồn, mô hình đã được huấn luyện và các bộ dữ liệu mở (đặc biệt các dữ liệu đặc thù của Việt Nam) phục vụ AI

- Năm 2021, công bố 500 giờ dữ liệu giọng nói tiếng Việt đã được dán nhãn, 10.000 câu mẫu phục vụ xây dựng các mô hình xử lý ngôn ngữ tiếng Việt lên Cổng dữ liệu quốc gia. Bổ sung thêm các bộ dữ liệu mở mang tính đặc thù khác của Việt Nam.

- Năm 2021, tăng gấp đôi số bộ dữ liệu mở của các CQNN trên Cổng dữ liệu quốc gia.
{keywords}
Nhiều doanh nghiệp đã đồng thuận sẽ chung tay cùng Bộ TT&TT thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mở. Ảnh: Trọng Đạt

7. Nghiên cứu, xây dựng nền tảng VnEdu-Blockchain và thí điểm ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục

- Quý I/2021: Công bố mô hình mở về nền tảng VnEdu-Blockchain trong lĩnh vực giáo dục.

- Quý III/2021: 20 trường Đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam cùng tham gia công nhận và lưu trữ bảng điểm, bằng cấp của sinh viên trên nền tảng blockchain.

- Quý IV/2021: Đánh giá việc thí điểm, hoàn thiện hành lang pháp lý để báo cáo Chính phủ.

8. Mở rộng phạm vi hoạt động của Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam để thúc đẩy phát triển của cộng đồng công nghệ mở

- Quý I/2021 hoàn thành tái cơ cấu VFOSSA, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, có đường lối hoạt động rõ ràng thúc đẩy phát triển cộng đồng công nghệ mở.

9. Xây dựng Trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ mở (OpenTech Center of Excellences)

- Quý I/2021 các doanh nghiệp thành lập Trung tâm hoặc bổ sung thêm chức năng nghiên cứu, phát triển công nghệ mở cho đơn vị trực thuộc.

10. Xây dựng Cổng công nghệ mở GovTech cho Việt Nam

Cổng này sẽ do cộng đồng công nghệ cùng góp sức phát triển, không sử dụng ngân sách nhà nước. Trên đó cần công khai, minh bạch thông tin về các giải pháp, nền tảng công nghệ mở mà CQNN đang sử dụng hoặc do doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Đồng thời tham gia tích cực vào các chuẩn mở và cộng đồng nguồn mở về Chính phủ số của quốc tế. 

Cổng GovTech cũng sẽ là địa chỉ công bố thông tin và mã nguồn của các nền tảng sau:

- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

- Cổng dịch vụ công và HTTT một cửa điện tử.

- Nền tảng phát triển ứng dụng chính phủ điện tử.

- Cổng dữ liệu quốc gia.

- Nền tảng định danh và xác thực quốc gia.

- Mỗi lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia sẽ có ít nhất 1 nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số ngành.

Lộ trình: Quý II/2021 ra mắt