Giáo sư - kiến trúc sư Ejima Akiyoshi (Nhật Bản) vừa trao tặng Bảo tàng Hà Nội mô hình cổng làng Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) theo tỷ lệ 1/10 bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản.

Chiều 16/3, Bảo tàng Hà Nội tổ chức lễ đón nhận mô hình cổng làng Mông Phụ của GS. Ejima Akiyoshi (Nhật Bản) trao tặng. GS. Ejima Akiyoshi là người đã từng tham gia nghiên cứu, hướng dẫn trùng tu một số di tích tại Việt Nam như khu phố cổ Hội An, nhà cổ Bắc Ninh và làng cổ Đường Lâm (Hà Nội).

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}
Mô hình cổng làng Mông Phụ bằng gỗ quý của Nhật

Trong thời gian từ năm 2007 – 2012, là chuyên gia cao cấp hướng dẫn tu bổ nhà cổ, GS. Ejima đã tham gia 17 đợt nghiên cứu, tu bổ tại làng cổ Đường Lâm. Trong số các công trình này, đặc biệt, ông giành tâm huyết nghiên cứu công trình kiến trúc cổng làng Mông Phụ - 1 trong 5 di sản của Đường Lâm được UNESCO trao giải thưởng danh dự về bảo tồn di sản văn hóa năm 2013. 

Đây là một trong những cổng làng cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Hậu Lê năm 1553, mang những nét kiến trúc độc đáo. Cổng làng Mông Phụ đã có những dấu hiệu bị hư hại và được tu bổ năm 2008 trong dự án hợp tác Việt – Nhật. Trên cơ sở số liệu đo đạc công phu, GS. Ejima đã mất hơn 1 năm phục dựng lại mô hình cổng làng Mông Phụ theo tỷ lệ 1/10 bằng loại gỗ quý bách hội của Nhật Bản và gỗ ramin (Đông Nam Á) làm cột tròn, với kích thước rộng 90cm, sâu 60cm, cao 63cm, các cấu kiện rất chi tiết và có thể tháo ra, lắp vào phục vụ tập huấn, tu bổ, giảng dạy.

Phát biểu tại lễ trao tặng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng trong hơn 10 năm qua, trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ Đường Lâm, làng cổ Đường Lâm luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ Việt Nam và sự hợp tác, giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản. Cụ thể, đã có 17 công trình di tích và nhà cổ đã được tu bổ và sửa chữa. 

Thành quả nổi bật nhất của dự án là bảo tồn thành công 5 công trình có giá trị lớn về kiến trúc và văn hóa lịch sử của làng cổ Đường Lâm: Cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh, nhà cổ của ông Nguyễn Văn Hùng và của ông Hà Văn Vĩnh. Các công trình này đã bị hư hại nghiêm trọng, thậm chí là có nguy cơ đổ sập. Theo đánh giá của UNESCO và chuyên gia Nhật Bản, dự án bảo tồn nhà cổ Đường Lâm thực sự trở thành mô hình mẫu cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa tại các vùng nông thôn khác ở Việt Nam trong tương lai.

{keywords}

{keywords}

GS. Ejima chia sẻ rằng, trước khi tu bổ cổng làng Mông Phụ, hệ thống tường gạch, vì kèo vẫn còn, nhưng khung cửa, toàn bộ cửa bị phá dỡ trong thời gian chiến tranh, để các xe cơ giới đi qua. Song song với việc tu bổ lại hệ thống gạch, mộc, ông dùng phương pháp mô hình hóa, dựa vào căn cứ còn sót lại, dấu vết của cánh cổng, đinh... kết hợp việc hỏi các cụ cao tuổi về hình dáng, đường nét chi tiết trang trí cổng để phục dựng khung cửa và 2 cánh cổng. Việc tu bổ này được làm theo phương pháp truyền thống, trên cơ sở hạ giải, giữ nguyên yếu tố gốc, kết hợp phương pháp mô hình phục dựng phần bị mất, vừa kết hợp nghiên cứu, vừa phục dựng.

GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hết sức xúc động với món quà này của GS. Ejima. "Đằng sau tặng phẩm này là cả tấm lòng của một kiến trúc sư lão thành của Nhật Bản. Nếu chẳng may sau này cổng làng Mông Phụ bị hư hại, chúng ta hoàn toàn có đủ các dữ liệu để phục hồi",  GS. Phan Huy Lê nói.

T.Lê