"Người Việt Nam từ xưa tới nay vẫn có những phong tục lễ nghi riêng của dân tộc, phong tục lễ nghi này đã tạo nên con người Việt có những đặc tính riêng đáng quý, nó khiến cho ta có thể tự hào với thế giới…” .

Trải qua nhiều thăng trầm của quá trình dựng nước và giữ nước, dù có những thời kỳ bị đô hộ, nô dịch, thậm chí là cưỡng bức văn hóa, "xâm lăng văn hóa", Dân tộc Việt Nam vẫn giữ vững được khí tiết, bản lĩnh văn hóa - sức mạnh nội sinh quan trọng để khẳng định bản sắc riêng, trong đó có phong tục tập quán, lễ nghi riêng của Dân tộc. Những phong tục nghi lễ Việt Nam đã góp phần tạo nên cốt cách con người Việt Nam, tinh thần tương thân, tương ái, gắn kết cộng đồng, tinh thần nhân văn, trượng nghĩa, uống nước nhớ nguồn... 

Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp truyền thống, những giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa, cũng có những tính cách đặc trưng, những nghi thức, nghi lễ cho đến nay đã lỗi thời, không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển, trở thành những hủ tục, những hành vi mông muội, phi văn hóa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đất nước, hình ảnh con người Việt Nam trong thế giới hội nhập hiện nay.

Không phải trong "thế giới phẳng" hiện nay vấn đề này mới xuất hiện, mà cách đây hơn nửa thế kỷ, Nhà văn Toan Ánh trong nếp cũ Con người Việt Nam đã viết trong phần Tác giả cẩn chí: "Phong tục Việt Nam, không bao giờ như thời kỳ gần đây đã chịu rất nhiều biến đổi, cùng với những đổi thay của thời cuộc.

Có nhiều thuần phong mỹ tục không còn nữa, có nhiều tục quá phiền phức rườm rà đã được giản dị hóa, nhưng cũng vẫn còn nhiều tục, mọi tầng lớp đều muốn, cố duy trì trước mọi sự thay đổi của đất nước, lẽ tất nhiên đấy không phải là những tục dở…

{keywords}

Theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nhà Xuất bản Từ điển Bách khoa phát hành năm 2010 thì Lễ hội được định nghĩa là cuộc vui tổ chức chung, có hoạt động nghi lễ mang tính văn hóa truyền thống của dân tộc. Còn Lễ được định nghĩa: Là những nghi thức tiến hành, nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó. Hội: 1) Là cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo người dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt; 2) Tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động.

Theo Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục thì Lễ hội (Cũng gọi là hội lễ) - Hình thức sinh hoạt văn hóa xã hội của một tập thể, một tổ chức thuộc giới, nghề, ngành, hoặc tôn giáo trong phạm vi một địa phương hoặc trong cả nước. Lễ hội có lễ và có hội, lễ để tưởng niệm anh hùng dân tộc, tổ sư một nghề, một đấng thần linh. Hội có nhiều hình thức: hội giao duyên, hội thi tài, hội văn chương, hội thượng võ.

Lễ hội: Xuất xứ và ý nghĩa

Theo các nhà nghiên cứu thì Lễ hội là sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là sản phẩm tinh thần của con người được hình thành và phát triển trong cuộc sống. Lễ hội là dịp để con người thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những giá trị tốt đẹp và thiêng liêng, là sự kiện tưởng nhớ, là dịp bày tỏ lòng tri ân công đức của tiên tổ với cộng đồng, với Dân tộc. Lễ hội là dịp con người được trở về nguồn, có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người.

{keywords}

Lễ hội thể hiện sức mạnh gắn kết cộng đồng làng xã, địa phương hay rộng hơn là Quốc gia, Dân tộc khi thờ chung vị thần-thánh nào đó, hoặc một hiện tượng tự nhiên, nhân vật, sự kiện nào đó với mục tiêu tăng thêm sức mạnh tinh thần, đoàn kết để vượt qua gian khó, hướng tới xây dựng cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, trao truyền cho các thế hệ, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi vui, đua tài, giải trí lành mạnh.

Lễ hội là dịp con người được giải toả, dãi bày phiền muộn, lo âu với thần linh, là dịp tự vấn tội lỗi, tự soi lại chính mình, mong được thần-thánh giúp đỡ, chở che, chỉ bảo để khắc phục và vượt qua những sai lầm, u mê, vượt qua gian nan thử thách đến với ngày mai tốt đẹp hơn.

Theo thống kê 2009, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%).

Với hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có nền văn hóa mang bản sắc riêng, làm nên cốt cách, bản sắc của dân tộc Việt Nam. Cũng như các quốc gia khác, Lễ hội truyền thống Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc, là sinh hoạt văn hóa, là tấm gương phản chiếu hình thái kinh tế-xã hội.

Là đất nước với đa phần làm nông nghiệp nên lễ hội truyền thống ở Việt Nam thường diễn ra vào mùa xuân và số ít vào mùa thu lúc nông nhàn. Trong số các lễ hội truyền thống Việt Nam có nhiều lễ hội mang tính toàn quốc và vùng như: Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Lễ hội Đền Hùng, Đền Trần, Tịch điền Đọi Sơn, Phật Tích, Hội Gióng, Bái Đính-Tràng An, Hội Lim, Phủ Dày, Yên Tử, Bà Chúa Xứ (An Giang), Núi Bà Đen... cùng những lễ hội du nhập như Lễ Giáng Sinh, Lễ Tình nhân... hay những lễ hội mới như pháo hoa quốc tế Đà Nẵng... và nhiều những ngày lễ mang tính tôn giáo.

Là sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội truyền thống Việt Nam hầu như có mặt khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là con người, thần linh hoặc thiên nhiên. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.

Lễ hội: Vẫn còn hiện tượng trục lợi 

Đến với không gian văn hóa lễ hội, không phải tất cả đều có chung một tâm thế tham gia lễ hội nghiêm túc, giữ gìn chuẩn mực, những giá trị tốt đẹp của lễ hội, tìm kiếm sự thư thái, bình yên, thanh thản trong tâm hồn, hoặc chí ít là làm cho vơi đi phiền muộn, những trăn trở, lo toan trong cuộc sống... để sau lễ hội sẽ có những nguồn cảm xúc mới tích cực, những cảm hứng mới để bắt đầu một giai đoạn chuyển tiếp với những niềm hy vọng và thành công mới.

Trong các lễ hội có thể thấy với số lượng người tham gia rất đông các tầng lớp, các đối tượng khác nhau. Bên cạnh những người là doanh nhân, công nhân, nông dân, du khách... thì còn có nhiều các đối tượng khác tham gia lễ hội với mục đích nhằm tìm kiếm những cơ hội trục lợi cho bản thân như buôn bán vật phẩm, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật... 

Những nhân tố này đã góp phần kích hoạt tâm lý đám đông từ lễ hội với việc lây nhiễm ám thị đã biến những người bình thường trở thành manh động, thậm chí có thể vượt ngưỡng trở thành nỗi kinh hoàng ám ảnh ở rất nhiều lễ hội và những nơi tụ tập đông người.

(còn nữa)

TS Khoa học Phan Đình Tân - Phó chủ nhiệm chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung Ương.