Di tích, di sản khi có mối lợi thì rất nhiều người, nhiều cơ quan muốn quản lý, còn khi có vấn đề hoặc khi không có lợi ích gì thì sẽ thấy sự né tránh, đùn đẩy, thậm chí là vô thừa nhận. 

Lễ hội thường diễn ra ở nơi có di tích, di sản, nên ở đây chúng tôi xin được khái quát một số thông tin về thực trạng quản lý tại các nơi này. Di tích, di sản khi có mối lợi thì rất nhiều người, nhiều cơ quan muốn quản lý, còn khi có vấn đề hoặc khi không có lợi ích gì thì sẽ thấy sự né tránh, đùn đẩy, thậm chí là vô thừa nhận. Điển hình ở các di tích khi có nguồn thu thì có rất nhiều người, nhiều cơ quan các cấp sẽ nhận ngay (có trường hợp xin về hưu sớm hoặc xin ra khỏi cơ quan nhà nước để làm trụ trì, quản lý di tích...). 

Có một thời gian khi quản lý các di tích còn chưa chặt chẽ thì nhiều doanh nghiệp còn xin được làm các di tích, chùa, đền miễn phí để được quản lý nguồn thu - xem đây là một công việc kinh doanh có lợi nhuận cao, nhanh thu hồi vốn. Thậm chí rất phổ biến một thời, dưới chiêu bài xây dựng di tích để chiếm đất, làm dự án bất động sản, làm cho di tích thì ít mà cho bản thân thông qua việc bán bất động sản thì nhiều.

Hiện tượng quản lý yếu kém hoặc vô trách nhiệm xảy ra ở nhiều di tích, nhưng chỉ khi báo chí lên tiếng hoặc lãnh đạo cấp trên chỉ đạo thì nơi quản lý di tích, di sản mới phản ứng chiếu lệ một cách yếu ớt, chủ yếu là chống chế hoặc phủ nhận trách nhiệm, thậm chí sẽ đổ lỗi cho ai đó.

{keywords}

Lễ hội: Xử phạt ai-Ai xử phạt

Căn cứ Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5.02.2015 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý lễ hội và Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12.02.2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, đối với các lễ hội có yếu tố bạo lực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khuyến nghị các địa phương vận động cộng đồng dân cư không tổ chức hoặc có hình thức tổ chức văn minh, phù hợp với xu thế thời đại. Trước đó, Bộ đã chỉ đạo rà soát các lễ hội có tục hiến sinh nhằm loại bỏ những tập tục lạc hậu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của người dân, nhà quản lý, các nhà khoa học để tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội.

Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6.11.2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.

Tuy nhiên, văn bản chỉ đạo rất nhiều, nhưng việc thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc và các chế tài chưa đủ mạnh để răn đe.

Đánh giá về công tác tổ chức lễ hội đầu năm 2017, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng "các mặt tốt của lễ hội năm nay tương đối nhiều, trong đó có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, ban tổ chức quản lý lễ hội của các địa phương cũng chuyên nghiệp hơn, và cái được lớn nhất là nhân dân và cả xã hội không đồng tình với các lễ hội phản cảm".

Còn về việc phối hợp quản lý, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói: “... ví dụ khi chúng tôi muốn phối hợp với Tổng cục thể thao tổ chức cướp phết như một hình thức thể thao nhưng nhân dân không đồng tình, vì cướp phết lâu nay là văn hoá của họ.

Việc quản lý lễ hội vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay, vì hoạt động lễ hội lại gắn với yếu tố kinh tế... vấn đề yếu tố kinh tế tạo mục đích trục lợi tại các lễ hội. Dẫn chứng như việc dù Bộ đã có chỉ đạo nhưng lễ hội chọi trâu ở nhiều địa phương vẫn được thực hiện vì có lợi nhuận về kinh tế, đó là “trục lợi”.

Như ở Yên Bái ngày 12.02 vừa rồi vẫn tổ chức chọi trâu. Ở Yên Bái thì có doanh nghiệp đứng đằng sau, bởi vì doanh nghiệp đầu tư vào trâu chọi, sau đó phối hợp với địa phương tổ chức lễ hội, bán vé, bán thịt trâu, thu lời tương đối lớn nên vẫn người ta vẫn rất ham”.

Như vậy, việc xử lý sai phạm cụ thể như thế nào cũng đang là vấn đề gây lúng túng với cơ quan chức năng. Nếu chỉ phạt một vài triệu đồng thì nhiều nơi sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục thu lời. Như Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Bộ vẫn đang đề nghị các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý là chính. Còn Nghị định cũng đã quy định rõ việc tổ chức các lễ hội không đúng quy định, vi phạm pháp luật thì phải xử phạt, nhưng cụ thể là việc chọi trâu này phải xử phạt như thế nào, hiện nay cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng vì chưa biết phải vận dụng văn bản nào để xử lý”.

Tại mục 2 Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09.02.2011 đã quy định rõ: "Cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô, cấp độ của lễ hội. Việc mời khách trung ương cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Tuy nhiên cho đến nay, qua theo dõi chưa thấy địa phương nào hoặc sự kiện nào lấy ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mời khách trung ương như Công điện yêu cầu. Như vậy, Công điện là công điện còn việc thực hiện hay không thì tùy ai muốn làm thì làm và không thì thôi cũng chẳng sao cả. 

Vai trò của trung ương và địa phương

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều năm trước đã có văn bản tham mưu, hướng dẫn và yêu cầu thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các di tích, di sản, lễ hội đối với Ban Tổ chức cũng như những người tham gia lễ hội như Kết luận số 51-KL/TW ngày 22.7.2009 của Bộ Chính trị Khóa X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị Khóa VIII về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06.11.2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 09.02.2011, Quyết định số 2245/QĐ-BVHTTDL năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Trong các văn bản chỉ đạo của các cấp đã phân định rõ thẩm quyền và giới hạn của các cơ quan Trung ương và cơ quan địa phương, nhưng kết quả thực hiện và tính nghiêm túc thực hiện thì hết sức lúng túng và mờ nhạt vai trò có lẽ do một phần thiếu chế tài cụ thể, tính gương mẫu không có nên một số địa phương chỉ vì mối lợi trước mắt mà phớt lờ hết tất cả để trục lợi.

TS Khoa học Phan Đình Tân - Phó chủ nhiệm chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung Ương.