Trại di sản thế giới tại Indonesia (WHCI) lần thứ ba cho thanh niên ASEAN lứa tuổi từ 17 đến 22 do Uỷ ban quốc gia UNESCO Indonesia tổ chức diễn ra từ 2/9-10/9/2018 tại thành phố Yogyakarta, cố đô của Indonesia.

Thành phố Yogyakarta đã được chọn làm chủ nhà tiếp đón các thanh niên quốc tế năm nay do sự đa dạng của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố này. Ngoài ra, Yogyakarta cũng đã được Hội đồng thủ công thế giới công nhận là Thành phố Batik thế giới vào năm 2014.

Tham gia trại hè có tổng cộng 48 đại biểu đến từ Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và các vùng khác nhau ở Indonesia. Đại diện Việt Nam có Phạm Tâm Đan (17 tuổi, học sinh trường quốc tế Việt Nam ISV).

{keywords}
Phạm Tâm Đan, đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia trại di sản thế giới lần này.

Các đại biểu đã tìm hiểu về cơ chế đề cử di sản thế giới ở UNESCO, trải nghiệm thực hiện mô hình liên hợp quốc, học hỏi về di sản ở Yogyakarta, đặc biệt tìm hiểu sâu về di sản phi vật thể vải Batik.

Trải nghiệm sản xuất vải Batik cung cấp cho các đại biểu kiến thức về cách xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và yêu cầu của Batik với tư cách là một di sản văn hóa.

"Ngày đầu tiên chúng tôi tham quan bảo tàng Sono Budoyo trải nghiệm về văn hóa và bảo tàng Pháo đài Vredeburg học hỏi về lịch sử của Yogyakarta. Nghe giảng ở đây, chúng tôi được biết Yogyakarta là một thành phố tổng hòa của nhiều nền văn hóa. Biểu tượng của thành phố Yogyakarta gồm nhiều lớp chồng lên nhau minh họa cho việc chung sống hài hòa của các nền văn hóa khác nhau tồn tại song song ở nơi đây", Tâm Đan, đại biểu của Việt Nam cho biết.

{keywords}
Các đại biểu đã tìm hiểu về cơ chế đề cử di sản thế giới ở UNESCO, trải nghiệm thực hiện mô hình liên hợp quốc, học hỏi về di sản ở Yogyakarta, đặc biệt tìm hiểu sâu về di sản phi vật thể vải Batik.

Vào ngày thứ hai, đoàn tham quan động Braholo và bãi biển Parangkusumo.

"Động Braholo là nơi người tiền sử đã sinh sống từ 500.000 năm trước. Lòng động rộng, tĩnh lặng, nắng chiếu vào ấm áp và không khí rất trong lành, động hãy đang còn được tiếp tục khai quật để tìm dấu tích người thượng cổ. Buổi tối, chúng tôi ngồi tại bãi biển Parangkusumo. Đây là một khu vực tâm linh của người Yogyakarta. Nghe ông già trông coi khu vực tâm linh kể chuyện, chúng tôi cảm nhận được cái linh thiêng trong không khí nơi này", Tâm Đan chia sẻ.

Sau khi tham quan các di sản văn hóa ở phía đông thành phố Yogyakarta, đoàn di chuyển đến phía bắc thành phố Yogyakarta. Tại đây, đoàn được tham quan đền Kimpulan, một ngôi đền nằm trong khu phức hợp của trường Đại học Hồi giáo Indonesia (UII) và đền Kedulan gần đó.

{keywords}
Các di sản của Indonesia khiến các thành viên trong đoàn hào hứng.


"Đền Kimpulan đã được tìm ra trong lúc xây dựng thư viện trường Đại học Hồi giáo của Indonesia. Đền Kimpulan là một đền thờ Ấn độ giáo lại nằm trong khuôn viên của trường Đại học Hồi giáo Indonesia. Tuy vậy, đền Kimpulan đã được coi trọng đến mức trường Đại học Hồi giáo phải sửa lại thiết kế thư viện để bảo tồn đền Kimpulan. Điều này cho tôi thấy được vẻ đẹp của sự chung sống hài hòa giữa các đạo giáo khác nhau tại Yogyakarta", Tâm Đan rất ấn tượng với khám phá này.

Tâm Đan cho biết thêm, ngoài việc tìm hiểu về di sản văn hóa tiền phương Tây và thời đại của vương quốc Ấn độ giáo-Phật giáo, các đại biểu tham gia cũng được giới thiệu về thời gian ảnh hưởng của đạo Hồi bắt đầu xâm nhập Yogyakarta.

Đoàn được tham quan quận Kotagede và cung điện Kraton để hiểu rõ hơn về các nền văn hóa tại Yogyakarta vào thời kỳ Đạo Hồi bắt đầu phát triển tại đây. 

Đoàn được tham quan Chợ Beringharjo trải nghiệm việc buôn bán vải Batik, đồng thời được học về phương pháp sản xuất vải Batik và các sản phẩm Batik tại công ty sản xuất vải Winotosastro Batik.

"Beringharjo là một khu chợ giống như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, nên tôi cảm thấy có gì đó rất thân thuộc. Tại Công ty Winotosastro Batik, chúng tôi được thực hành và trao đổi với các nghệ nhân batik. Chúng tôi học được phương pháp sản xuất batik thủ công bằng sáp ong và dấu ấn. Qua buổi trải nghiệm ấy, tôi nhận ra được những công phu mà người nghệ nhân gói gọn trong sản phẩm batik tuyệt vời này", Tâm Đan hào ứng.

Ngày cuối cùng, các đại biểu được thực hành mô hình họp Liên hợp quốc, làm quen với việc bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên trên bình diện UNESCO, cũng như thảo luận về những biện pháp bảo tồn cho loại hình di sản này.

{keywords}
 

Sau sự kiện này, khuyến nghị của các đại biểu sẽ được tập hợp lại thành Khuyến nghị Yogyakarta về di sản thế giới gửi UNESCO.

Chương trình đã khơi dậy cho thế hệ trẻ mối quan tâm, giúp họ hiểu rõ mối nguy hiểm mà các di sản văn hóa đang gặp phải và khuyến khích họ đóng góp tiếng nói tích cực cho việc bảo vệ di sản cũng như tham gia tích cực hơn vào việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên.

T.Lê