Chúng tôi bắt chước bà Nghĩa “cù” vào các nhánh cây khác, cũng thấy lá cây rung rinh tương tự. “Cù” vào gốc thì gần như các lá phía trên của cả cây rung động.

TIN BÀI KHÁC

Lúc dừng chân bên một chân tảng cột cái có đế vuông mỗi cạnh 0,84m, đường kính gương tảng 0,75m, tại nền móng Chính điện của Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), cô hướng dẫn viên du lịch Lê Thị Lan hồ hởi giới thiệu những câu chuyện lạ lùng, kỳ bí đến khó tin về các loại cây.

Theo cái lý thông thường, thì chẳng ai có thể tin được lời cô nói, rằng, cây lim già tự nguyện rụng lá, chết buồn thảm, khi mọi người bàn tính hạ cây để lấy gỗ. Rồi chuyện lạ lùng hơn nữa, cô hứa sẽ thử cho mọi người biết, đó là những cây ổi biết… “cười”!
Chính điện Lam Kinh sẽ được phỏng dựng theo nền móng cũ.
“Ở Lam Kinh có rất nhiều chuyện kỳ lạ chưa có lời giải xung quanh các cây cối trong khuôn viên di tích” – lời nói đầy ma mị của cô hướng dẫn viên tên Lan cứ khiến du khách há hốc vì tò mò. Tôi cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên.

Hơn 15 năm nay, bà Trịnh Thị Nghĩa (60 tuổi, người làng Cham, thôn Lam Sơn, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) tự nguyện gắn bó với công việc nhang đèn, coi sóc, quét dọn trong Lam Kinh, nơi thờ cúng, yên nghỉ ngàn thu của tổ tiên và các vua, hoàng hậu thời Lê Sơ.

Bữa nay, bà Nghĩa bận chiếc áo nâu sồng, lúi húi quét dọn trong Vĩnh Lăng (an táng phần mộ vua Lê Thái Tổ). Thấy khách thành kính khói hương xong, cứ dùi dắng không dời bước, bà Nghĩa vui miệng góp chuyện: “Các bác lại đây xem cây ổi này đi. Cây ổi biết cười đấy”.
Bà Trịnh Thị Nghĩa "cù" vào gốc cây ổi bên mộ vua Lê, tức thì lá của toàn bộ cây ổi rung rinh.
Cây ổi mà bà Nghĩa nói đến nằm khiêm tốn ở góc phải khuôn viên Vĩnh Lăng, phía sau hàng quan hầu và linh thú hiền từ đang chầu trước mộ vua.

Cây ổi khẳng khiu gầy guộc, cao chừng hơn 3m, lá nhỏ xíu, đang cho quả chín bói trái mùa (quả cũng chỉ bé bằng ngón tay).

Chờ gió thật lặng, lá trên các ngọn cây xung quanh im phăng phắc, bà Nghĩa nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay chạm vào thân cây, di di đầu ngón tay như thể đang cù nách, gãi bàn chân người.

Thật lạ, những chiếc lá nơi đầu nhánh cây ấy bỗng rung rinh, lay động nhè nhẹ, trong khi những lá trên những nhánh khác và cây cối xung quanh vẫn lặng im.

Chúng tôi bắt chước bà Nghĩa “cù” vào các nhánh cây khác, cũng thấy lá cây rung rinh tương tự. “Cù” vào gốc thì gần như các lá phía trên của cả cây rung động.
"Cù" vào cành, thì chỉ lá ở cành đó "cười".
Chứng kiến cảnh ấy, người thì vui thú, tò mò, cứ thử đi thử lại. Nhưng có người thì mặt tái xanh ngắt, tỏ ra sợ sệt, chắp tay vái cây khấn lầm rầm.

Bà Nghĩa cho biết: “Vào các buổi sáng yên tĩnh, lặng gió thì rất dễ dàng thấy cây cười rung rinh, cười như nắc nẻ khi có người chạm vào. Dường như cây cũng có linh cảm như con người, bị chạm vào “da thịt” chỗ nhạy cảm thì có phản ứng.

Trước đây, có một nhà thơ người Phú Thọ đến viếng lăng, bảo rằng, đây là giống ổi Tàu, do thân nhỏ cành nhỏ nên dễ rung rinh. Nhưng giải thích làm sao đây khi cây ổi Ta bên trái kia cũng biết cười?”.

Rồi bà Nghĩa dẫn chúng tôi sang bên trái khu mộ, nơi có một cây ổi quen gặp trong vườn khắp các làng quê, lá to nổi gân lớn, cành trườn dài uốn lượn như rồng bò.

Chuyện lạ lùng về những cây ổi biết “cười” ở Thanh Hóa
Chưa ai giải thích được vì sao cây "ổi Tàu" này lại biết "cười".

Quả thực, khi chạm vào thân cây, đặc biệt là điểm mấu giữa các nhánh thì lá cây lay động rất lạ, tuy không rõ rệt như kiểu cây xấu hổ (trinh nữ) cụp lá, nhưng bằng mắt thường hoàn toàn thấy được.

Đem câu chuyện lạ về những cây ổi biết “cười” đến gặp ông Trịnh Đình Dương, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, chúng tôi được biết thêm nhiều điều lạ nữa xung quanh các cây ổi này.

Theo ông Trịnh Đình Dương, chỉ những cây ổi xung quanh mộ vua Lê Thái Tổ thì mới biết cười. Đem cành chiết của các cây đó trồng ra ngoài khuôn viên khu mộ thì không có hiện tượng đó.

Nguồn gốc của cây ổi Tàu vốn do một người hảo tâm là ông Trần Hưng Dẫn (người ở Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định) trồng từ năm 1933, đến nay đã là 78 năm.

Theo truyền ngôn của người cao niên trong vùng, ông Trần Hưng Dẫn vốn hiếm muộn. Một ngày kia đến cầu tự trước mộ đức vua mà sinh được quý tử nên đã dốc tiền của để sửa sang xây đắp lại khu mộ thêm khang trang, tôn nghiêm.
Cây ổi ta này cũng "cười" rung rinh cành lá.
Ông Dẫn lại cùng nhân dân làng Cham và xã Xuân Lam làm đền thờ Lê Thái Tổ ở phía Đông Nam khu trung tâm di tích Lam Kinh. Ông Dẫn còn cung tiến 4 tượng voi lớn đắp bằng ximăng chầu phục, trồng hai cây long não hai bên và cây ổi trước mộ vua.

Ông Dương bảo rằng, ông biết chuyện ổi “cười” từ lâu, do được các cụ kể lại. Các cụ trong vùng đều bảo người đầu tiên khám phá ra hiện tượng cây ổi Tàu này biết cười là một ông Tây (người Pháp), từ trước năm 1945.

Căn cứ vào sử liệu thì có lẽ ông Tây đó là ông Luois BzacieR, một nhà nghiên cứu người Pháp. Ông đã tiến hành khảo sát Lam Kinh hai lần vào năm 1942.

Cây ổi gốc vừa chết năm ngoái, may mà các cán bộ khu di tích đã kịp chiết một số nhánh cây để giữ giống. Và điều kỳ lạ là cây trồng lại này vẫn giữ được “gien cười”.

Cây ổi ta ở khu di tích cũng đã 40 tuổi. Gần đây mọi người mới biết cây ổi này cũng “cười” khi chạm vào.

Từ lâu, người dân địa phương tin rằng, do cây trồng nơi linh khí nên cũng mẫn cảm như người. Vậy nên, có người còn gọi là “mộc tinh”.

“Tôi cho rằng sớm muộn các nhà thực vật cũng sẽ có câu trả lời thỏa đáng khi bỏ công nghiên cứu bằng phương pháp khoa học thực nghiệm” – ông Dương cho hay.

Còn tiếp…

(Theo VTC News)