-Trung Quốc và Hàn Quốc xem hành động của ông Abe là hành vi cổ vũ cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật và gây bất ổn cho khu vực.

Việc thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni trưa ngày 26/12 đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng với Bắc Kinh và Seoul. Sự xâm lược tàn bạo của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2 đã trở thành mâu thuẫn rất lớn cho mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến thăm lần này cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật còn tại vị kể từ khi Thủ tướng Junichiro Koizumi thăm đền Yasukuni vào giữa tháng 8/2006.

Ngọn lửa dân tộc

Trung Quốc và Hàn Quốc xem hành động của ông Abe là hành vi cổ vũ cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật và gây bất ổn cho khu vực. Rõ ràng, tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư giữa Nhật - Trung và Takeshima/ Dokdo giữa Nhật - Hàn sẽ có nguy cơ càng rơi vào thế bế tắc.

Các quan chức Hàn Quốc cho rằng hành động này là "tồi tệ và thái quá", trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc xem động thái này "hoàn toàn không chấp nhận được" và "Tokyo sẽ phải chịu hậu quả". Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan ngại và nỗi thất vọng về chuyến thăm của Thủ tướng Abe. Bởi lẽ, Washington đang rất kỳ vọng Tokyo có thể mang đến một luồng gió hòa bình, thịnh vượng cho khu vực Đông Bắc Á.

{keywords}
Ông Abe đến thăm đền Yasukuni hôm 26/12. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm của Thủ tướng Abe diễn ra vừa tròn một năm sau khi ông tái đắc cử. Trong chuyến thăm đền Yasukuni khoảng 15 phút, ông Abe cho hay ông cầu nguyện chỉ để bày tỏ lòng tôn kính đối với những người lính đã hy sinh mạng sống quý báu và hy vọng họ sẽ an giấc mãi mãi. Động thái này của ông Abe đã làm kinh ngạc các chuyên gia khi trước đây ông Abe chỉ tập trung cho chương trình phục hồi kinh tế "Abenomics" và hạn chế tối đa xung đột với các nước láng giềng.

Nhà khoa học chính trị Nhật Bản Koichi Nakano cho rằng chuyến thăm lần này là câu trả lời cho việc liệu ông Abe là người theo chủ nghĩa thực dụng hay dân tộc hẹp hòi. Cùng với việc theo đuổi các chương trình "chấn hưng" nước Nhật, ông Abe đã bộc lộ thái độ quả quyết hơn. Có thể nói, chuyến thăm lần này là thông điệp cho thấy Tokyo ngày càng tự tin hơn và đang cố gắng thoát khỏi "chiếc ô hạt nhân" của Washington.

Hay ông Abe sẽ "tự thiêu"?

Trước việc Trung Quốc đơn phương đưa ra vùng cấm bay ADIZ tại biển Hoa Đông, hành động lần này của ông Abe là câu trả lời khá rõ ràng. Thông điệp từ Yasukuni mang hàm ý rằng thái độ của Nhật sẽ càng cứng rắn và quả quyết hơn.

Trong các nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã tỏ ra nhân nhượng đối với các vấn đề tranh chấp tại khu vực. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn lấn tới và phong trào chống Nhật tại Hàn Quốc vẫn không giảm. Đó là lý do ông Abe đã trở nên táo bạo.

Sau chuyến thăm lần này, ông Abe báo hiệu sẽ thay đổi trọng tâm từ chính sách kinh tế "Abenomics" sang một chương trình nghị sự chính trị mang tính bảo thủ hơn. Đặc biệt, khi Mỹ đã cam kết sẽ "bảo vệ" và "hỗ trợ tối đa cho Nhật Bản" thì Tokyo càng có lý do để thể hiện uy quyền của mình. Chính Mỹ sẽ "chống lưng" cho Nhật Bản trong trường hợp nước này bị đe dọa, thậm chí là bị tấn công. Ông Abe rất hiểu điều này và nhân vụ việc Yasukuni để tỏ rõ sự cứng rắn trong chính sách đối ngoại của mình vào thời gian tới.

Chuyến thăm ngôi đền là phát súng tượng trưng cho chủ nghĩa dân tộc bảo thủ mà người châm ngòi là ông Abe. Thủ tướng Nhật mong muốn sẽ có thể khôi phục lại niềm tự hào của Nhật Bản trong quá khứ và viết lại lịch sử chiến tranh dân tộc bằng cách xóa đi những vết nhơ. Ông cũng muốn giảm bớt những ràng buộc của hiến pháp Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Hồng Kông nhận định: "Ông Abe cho rằng hành động này sẽ giúp tăng cường sức hấp dẫn của chủ nghĩa dân tộc". Từ góc độ chi phí - lợi ích, ông Abe đã sẵn sàng xem nhẹ quan hệ với Bắc Kinh và Seoul và thay vào đó là tập trung nêu cao sức mạnh, tầm ảnh hưởng của Nhật.

Một cuộc thăm dò của tờ Mainichi vào ngày 24/12 cho thấy, 49% số người được hỏi ủng hộ chính quyền của ông Abe, giảm 5% từ tháng 11 và dưới 50% từ khi ông Abe giành chiến thắng. Thay vì tập trung vào phát triển kinh tế, kiềm chế trước các xung đột thì ông Abe đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc.

Kể từ khi lên nắm quyền vào nhiệm kỳ hai cách đây một năm, ông Abe đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo quyết đoán hơn rất nhiều - hoàn toàn tương phản với nhiệm kỳ đầu tiên. Ông đã đưa ra một gói cải cách tài chính là "Abenomics" và đã tăng cường trang bị quân sự cho Nhật Bản để đề phòng một Trung Quốc đang "trỗi dậy mạnh mẽ" và ngày càng quyết đoán hơn. Vụ việc Yasukuni lần này cũng nằm trong chiến lược tái khẳng định sức mạnh và ý chí của Nhật đối với các tranh chấp khu vực: Nhật sẽ không nhượng bộ.

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là nước cờ đầy khiêu khích của ông Abe sẽ dìm quan hệ vốn đã mong manh của Nhật Bản với các nước láng giềng xuống vực thẳm. Chuyến viếng thăm đền Yasukuni  của ông Abe có nguy cơ khiến các lãnh đạo Trung - Hàn xích lại gần hơn. Hành động này còn có nguy cơ làm sụp đổ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc xua tan bóng tối của chủ nghĩa quân phiệt. Trầm trọng hơn, nếu không khéo thì mồi lửa của ông Abe có thể khiến Tokyo "bén lửa" đầu tiên.

Huỳnh Tâm Sáng

Xem thêm các bài:

Dấu ấn 'con ông cháu cha' của nguyên thủ

Tìm hiểu tiểu sử lãnh đạo các nước Nhật Bản, TQ, Hàn Quốc có thể làm sáng tỏ phần nào bức tranh toàn cảnh của những căng thẳng tại Đông Bắc Á hiện nay.

Vùng phòng không TQ: Xem Nhật chính thức 'ra tay'

Bản dự thảo Chiến lược An ninh Quốc gia mới được xem là phản ứng chính thức từ Nhật Bản để đối phó với những tranh chấp tại biển Hoa Đông,

Nếu Nhật Bản nhận Bắc Kinh làm 'bá chủ' mới?

Nếu chiến tranh Đông Bắc Á nổ ra, một trong những kịch bản được dự đoán là Nhật thất bại, chấp nhận Bắc Kinh là bá chủ mới và quay lưng với Mỹ.