- “Người dân bị thu hồi đất bị đẩy ra ngoài sự phát triển, đấy là điều rất phi lý không chấp nhận được!”

LTS: Con số 70% các vụ kiện tụng liên quan đến đất đai, và nhiều vụ tranh chấp, gây mất ổn định an ninh xã hội cũng bắt nguồn từ lý do này. Có thể nói, hệ thống quản lý đất đai tốt sẽ là một chìa khóa tháo gỡ những bất ổn xã hội hiện nay.

Nhằm huy động người dân tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội khóa tới, VietNamNet phối hợp với Liên minh Đất đai tổ chức thăm dò ý kiến nhân dân về lấy ý kiến đồng thuận và tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của quận,huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Trong khuôn khổ chương trình, Tuần Việt Nam đã giới thiệu ý kiến của GS Đặng Hùng Võ ở Phần 1; ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Liên minh Đất đai (LANDA) ở Phần 2 và ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) ở Phần 3.

Trong Phần 4, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Luật đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Dự thảo Luật đất đai 2013 có nhiều bước tiến tốt

Theo đánh giá của ông, so với Luật Đất đất 2003, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những thay đổi cơ bản nào? Những điểm nào ĐBQH đồng ý/chưa đồng ý?

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng Quốc hội đã có những động thái nghiêm túc và thận trọng trong việc thảo luận để tìm sự đồng thuận, đóng góp cho Luật Đất đai (sửa đổi). Cuối tuần này, Luật đất đai sửa đổi 2013 sẽ được bấm nút thông qua.

{keywords}

TS Nguyễn Quang Tuyến

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các phiên thảo luận, tôi thấy rằng nhận thức của các ĐBQH rất đúng khi cho rằng Dự thảo Luật đất đai 2013 (sửa đổi) rất quan trọng, chỉ sau Hiến pháp. Khi đưa vào ban hành, Luật này sẽ có tác động sâu sắc đến toàn xã hội, và đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất và đông đảo nhất là nông dân.

Xác định được tầm quan trọng như vậy, các ĐBQH và Ban soạn thảo dành khá nhiều thời gian thảo luận về những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài ra còn có hàng ngàn cuộc hội thảo và tham vấn ý kiến của nhân dân, trí thức, kiều bào.. đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 2013 và Hiến pháp 1992.

Tôi cảm nhận được các ĐBQH đã thể hiện trách nhiệm và ý chí đại diện của nhân dân để đóng góp sửa đổi luật này. Trong 7 năm tới, đến mốc 2020, chúng ta tiến tới cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sự ổn định sâu rộng về kinh tế - xã hội là rất quan trọng.

Mời độc giả đóng góp ý kiến sửa luật đất đai:
TẠI ĐÂY

Trong thời gian qua, chúng ta phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn trong quá trình thu hồi và sử dụng đất từ người nông dân. Hầu hết những mâu thuẫn đó chưa được giải quyết thỏa đáng, dẫn đến những vụ khiếu kiện và xung đột kéo dài.

Theo dõi suốt quá trình tham vấn và soạn thảo, tôi cho rằng Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) 2013 đã có một số bước tiến tốt hơn: Một, quy định rõ hơn cơ chế lấy ý kiến tham vấn cộng đồng trong công tác lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; Hai, phát huy quyền dân chủ của người dân trong chính sách bồi thường và hỗ trợ tái định cư tạo sự đồng thuận của người dân; Ba, kéo dài thời hạn sử dụng đất của người nông dân; Bốn, xác lập cơ chế chặt chẽ hơn trong việc thu hồi đất nông nghiệp cho các dự án phát triển kinh tế như xây khu đô thị hoặc chung cư; Năm, đòi hỏi các UBND Tỉnh, huyện muốn thu hồi đất phải có ý kiến từ Quốc hội, tránh tình trạng cát cứ, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm thay đổi tích cực nói trên, còn một vài điểm chúng tôi còn băn khoăn: Một, tiêu chí để xác định ‘thế nào là thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế?’ Đây chính là điểm rất thiếu cụ thể, nếu không nói là còn mù mờ. Nếu Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt đất nông nghiệp của nông dân để sử dụng vào mục đích quốc phòng và an sinh xã hội thường ít có khiếu kiện. Nhưng ‘thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế’ mà Nhà nước đứng ra xử lý chênh lệch về địa tô, cá nhân tôi cho là chưa ổn.

Nếu không giải quyết hài hòa được mối quan hệ giữa bộ ba: Nhà nước, chủ đầu tư và người dân, thì các khúc mắc từ trước đến nay không giải quyết được. Và quan trọng nhất, cụm từ ‘mục đích phát triển kinh tế’ có thể được hiểu/sử dụng theo nhiều cách, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không loại trừ việc được sử dụng vì những lợi ích nhóm.

Sử dụng đất phải là một quyền cơ bản

Ông nghĩ sao về ý kiến: Nhà nước chỉ nên đứng ra tổ chức thu hồi/trưng mua đất vì mục đích an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Còn các dự án vì mục đích kinh tế, thương mại hay chỉnh trang đô thị nên để người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận dân sự?

Khi chúng tôi đi thực địa ở Cần Thơ, một bác nông dân nói thế này: người nông dân bị thu hồi đất để xây dựng một trường mầm non trong phường, nhưng bản thân con em những người nông dân không được học trong trường đó vì trường quy định: chỉ có con em cán bộ công chức nhà nước được nhận?! Chúng ta cứ nói vì mục đích cộng đồng, nhưng người mất đất không được hưởng?

Tôi chia sẻ quan điểm trên. Tôi cho rằng quyền sử dụng đất là một trong những quyền cơ bản của công dân. Đây không chỉ là quyền kinh tế, mà quyền này là cơ bản, quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc. Vậy điều gì đảm bảo những quyền cơ bản này? Xét cho cùng đảm bảo quyền về đất đai là điều tiên quyết và cốt yếu nhất để thực hiện các quyền khác vì đất đai là nguồn sống, là nguồn sinh kế và là tư liệu sản xuất. Mất đất đối với người nghèo là mất nguồn sống, mất chỗ ở, mất sinh kế.

Có sử dụng đất thì con người mới tạo ra được lương thực thực phẩm và xây dựng nhà cửa cư trú.. Quyền sử dụng đất phải là tự nhiên, cơ bản của con người, không phải là điều gì được ban phát. Nhà nước thay mặt xã hội điều tiết quyền đó. Hơn nữa, quyền sử dụng đất là quyền về tài sản. Nhà nước bảo hộ quyền tài sản mới tạo nền tảng cho các thành viên trong xã hội và người lao động phát triển.

Nếu chúng ta một mặt cứ lập luận ‘đất đai là sở hữu toàn dân’, mặt khác lại dễ dàng thu hồi bằng một quyết định hành chính thì tôi e rằng những quan điểm lý thuyết về quyền tài sản sẽ bị phá vỡ. Mà gốc của một xã hội ổn định phải là chính sách an dân, khi sự an dân không có nền tảng xã hội sẽ bị đe dọa.

Nhà nước chỉ nên/được áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất trong hai trường hợp: người sử dụng đất vi phạm pháp luật; và thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Pháp luật của nhiều nước, kể cả những nước theo sở hữu đất đai tư nhân như Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc… đều áp dụng quy định này. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng hoặc tha hóa quyền lực trong việc tước đoạt đất đai của công dân, các nước này đều quy định có điều kiện: chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết và tuân thủ quy định pháp luật. Tất cả các trường hợp khác là thoả thuận dân sự.

Tôi chia sẻ quan điểm: Nhà nước chỉ thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng và vì lợi ích hoặc do người sử dụng đất vi phạm pháp luật; còn các giao dịch kinh tế do các bên thoả thuận dân sự.

Khập khiễng giữa văn bản và thực tế

Từ trước có quy định áp giá đền bù do chính quyền địa phương quy định. Thực tế cho thấy đây là vấn đề gây bức xúc cho dân và mâu thuẫn giữa bên thu hồi/trưng mua và bên bị thu hồi. Ông nghĩ sao về ý kiến không tiếp tục trao quyền áp giá đất cho chính quyền địa phương mà cần thành lập một cơ quan xác lập giá đất ở các cấp cao hơn trực thuộc Quốc hội hay Chính phủ. Người dân cần phải được tham gia quá trình này, và được quyền giới thiệu dịch vụ định giá đất độc lập?

Trong luật pháp hiện hành, Việt Nam còn nổi cộm lên một vấn đề khác: cơ chế xác định giá đất. Đây cũng chính là một trong những vấn đề nổi cộm nhất gây ra sự thiếu đồng thuận của người dân trong công tác thu hồi đất. Theo quy định từ trước đến nay, các UBND tỉnh áp giá đền bù và thực thi công tác thu hồi đất. Tuy nhiên pháp luật quy định đất đai không phải là một mặt hàng có thể giao dịch chuyển nhượng hay mua bán. Giữa các cá nhân hay tổ chức chỉ có thể mua bán sang nhượng Quyền sử dụng đất, vậy dựa trên cơ sở gì để xác định giá đất, trong khi đất đai không phải là hàng hóa? Chính ở điểm này, quy định luật pháp có điểm khập khiễng giữa văn bản luật pháp và thực tế.

Điều này dẫn đến việc có hai loại giá đất: một loại do Nhà nước, cụ thể là các UBND tỉnh định giá; và giá chuyển nhượng (quyền sử dụng đất) trên thực tế. Các cơ quan nhà nước dựa vào đâu để áp giá đất?

UBND tỉnh hiện nay có quá nhiều quyền: định giá đất, thu hồi, nhận đầu tư... sẽ tiềm ẩn những nguy cơ không khách quan công bằng. Bên cạnh đó, hiện chúng ta chưa có một cơ quan chuyên môn để hàng ngày theo dõi các diễn biễn về quyền sử dụng đất đang được vận động như thế nào để lấy số liệu và cơ sở xác lập giá đất.

Việc định giá này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí vào các cơ quan công quyền, dẫn đến trường hợp khi người dân không đồng thuận, họ đi kiện thì các UBND vẫn nói họ làm đúng pháp luật(!)

Chúng tôi cũng mới làm việc với một số chuyên gia luật đất đai của Đức và tham khảo thấy những chính sách của họ thế này: khi Chính phủ Đức cần trưng thu đất sử dụng cho quốc phòng an ninh hay an sinh xã hội, họ trưng mua, nhưng có một cơ quan theo dõi các giao dịch trên thị trường rồi xác định giá đất để bồi thường. Cơ quan này độc lập với Chính phủ hay chính quyền địa phương.

Ở Hàn Quốc thì khi Chính phủ trưng thu đất, một cơ quan độc lập sẽ đứng ra tham khảo thị trường. Họ có thể thuê vài công ty tư vấn, sau đó có thể lấy ra một số trung bình cộng.

Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải theo những con đường mà các nước đã áp dụng thành công. Quan điểm của tôi góp ý với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nên tách một cơ quan để quản lý và xác định giá đất độc lập.

Trong vấn đề giải phóng mặt bằng hiện tồn tại hai cơ chế: thoả thuận với dân áp dụng giá thị trường; hai là cơ chế nhà nước thu hồi đất áp dụng giá Nhà nước mà giá Nhà nước áp thường thấp hơn, có khi thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Điều vô lý thứ hai là các UBND tỉnh chịu trách nhiệm công tác tái định cư “bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, nhưng cụ thể hơn thế nào thì không có quy định chi tiết. Trong khi thực tế người dân nhận tiền đền bù không đủ mua mảnh đất mới bằng diện tích cũ, chưa nói đến nhà cửa hoa màu. Nếu khu định cư không đúng điều kiện thì UBND có phải chịu trách nhiệm gì không? Không!

Tôi có cảm giác người dân bị thu hồi đất bị đẩy ra ngoài sự phát triển, đấy là điều rất phi lý không thể chấp nhận được!

Tôi đồng ý với ý kiến uỷ ban áp giá và theo dõi công tác thu hồi đất nên ở cấp Quốc hội. Vì đất đai xác định là sở hữu toàn dân mà Quốc hội là cơ quan cao nhất của dân nên ở Quốc hội là hợp lẽ.

Đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những “nhóm yếu thế” trong xã hội cần có những chính sách ưu tiên hỗ trợ. Dự thảo Luật đất đai 2013 có đề cập tới vấn đề này không thưa ông?

So với Luật Đất năm 2003, Dự thảo Luật mới có tiến bộ hơn là có quy định đất đai cho đồng bào thiểu số, nhưng quy định này vẫn khá nguyên tắc và chung chung. Thực trạng hiện nay là đồng bào thiểu số thiếu cả đất ở lẫn đất sản xuất. Mặc dù Đảng và Nhà nước có những chính sách đất đai cho đồng bào thiểu số, nhưng tôi cho rằng vẫn có hàng trăm nghìn hộ đồng bào chưa có đất sản xuất, trong khi đất giao cho các nông - lâm trường quốc doanh lại quá nhiều, và thực tế là các lâm trường sử dụng đất không có hiệu quả.

Tôi cho rằng nên có Nghị định riêng, quy định chi tiết về vấn đề đất đai cho đồng bào thiểu số.

“Một dự án phải có tham vấn cộng đồng và đạt được ít nhất 70% tỷ lệ đồng thuận của người dân mới được duyệt” có là ý tưởng khả thi không? Và chúng ta có nên đưa ý tưởng này vào luật không, thưa ông?

Nếu chúng ta áp dụng được phương án đồng thuận tương đối là rất tốt. Tất nhiên chúng ta không ảo tưởng trông đợi con số 100%. Nhưng có sự được sự đồng thuận của dân là rất cần thiết. Chúng ta vẫn nói Nhà nước của dân, do dân, vì dân kia mà. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ tránh được những bức xúc mâu thuẫn từ phía người dân như từ trước đến nay.

Ý tưởng tham vấn cộng đồng và tỉ lệ 70% đồng thuận là có thể. Quan trọng là các cơ quan ban ngành có muốn làm, và có nghiêm túc làm hay không?

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hường  (thực hiện)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam

Bài cùng chủ đề:

'Đánh đổi bằng mọi giá' tất xảy ra xung đột

Những thực tế về "quy hoạch treo" và "sự đánh đổi bằng mọi giá" làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, bấp bênh kéo theo những xung đột xã hội là hệ lụy tất yếu.

Phải giảm tính độc quyền của cơ quan nhà nước

Phải giảm tính độc quyền quyết định vào một cơ quan nhà nước và bắt buộc thuê dịch vụ định giá đất độc lập trước khi cơ quan nhà nước thực hiện thẩm định giá đất và quyết định giá đất.

Tìm sự đồng thuận: đưa tiền là xong?

Bồi thường tiền một lần chỉ đúng khi người mất đất muốn chuyển nhượng đất. Trường hợp đất đang là sinh kế nuôi sống họ thì không thể áp dụng cơ chế này.

Đền bù kiểu 'chơi chữ'

 Về thảo luận gay gắt xem ghi "sát giá thị trường" hay "phù hợp giá thị trường" cũng chỉ là chuyện "chơi chữ" mang tính lý luận.

Sửa Luật để tránh lợi dụng quyền của Nhà nước

Luật Đất đai 2003 đã cụ thể hóa được nội dung, trong đó xác định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và quyền của người sử dụng đất, để tránh đi cách hiểu lệch lạc nhằm lợi dụng quyền của Nhà nước.