Cuối năm 2013, bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây được coi là món quà đặc biệt mừng Xuân Giáp Ngọ dành cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này.

Thú chơi ngẫu hứng

{keywords}

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử. Ảnh: Minh Cường

Từ đầu thế kỷ 19, ở Nam bộ cơ bản chỉ có hai loại hình nghệ thuật chính là tuồng và nhạc lễ. Tuồng là sân khấu điển tích, phần âm nhạc lấy trống kèn làm chủ đạo. Còn nhạc lễ phục vụ việc hành lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh, lấy nhạc cụ dây kéo, bộ gõ làm chủ đạo.

Đến đầu thế kỷ 20, nhiều quan viên nhà Nguyễn vào Nam theo phong trào Cần Vương, đã sớm kết hợp âm hưởng nhạc Nam bộ với nhạc cung đình Huế tạo ra hình thức âm nhạc cổ truyền mới gọi là ĐCTT. Về cơ bản các nhạc cụ thường sử dụng: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn bầu, về sau có sự tiếp biến của cây guitare phím lõm. Từ đây, nhanh chóng hình thành phong trào “đờn cây” và phát triển khắp Nam bộ. Lúc bấy giờ có các nhạc sư tiêu biểu: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Long An, Trần Quang Diệm ở Mỹ Tho, Lê Bình An ở Bạc Liêu… Đặc biệt, nhiều người còn biết đến nhạc sư Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang – một bản nhạc từ khi ra đời đã trở thành “ông vua” trên sân khấu cải lương, đến nay đã tồn tại trên 100 năm vẫn giữ nguyên giá trị. Không chỉ thế, bản Dạ cổ hoài lang còn được nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ phát huy, phát triển thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng Nam bộ.

Ban nhạc tài tử được biết đến sớm nhất ở vùng đất Nam bộ là của ông Nguyễn Tống Triều (ở Mỹ Tho, Tiền Giang). Ban nhạc này không chỉ biểu diễn trong nước, vào đầu năm 1900, tham gia biểu diễn tại Hội chợ đấu xảo ở Paris với bản nhạc tài tử nổi tiếng là “Vũ khúc Đông Dương”.

Theo tài liệu mới nhất vừa được công bố, bản “Vũ khúc Đông Dương” được nhà nghiện cứu Nguyễn Lê Tuyên (Đại học quốc gia Australia) phát hiện vào tháng 3/ 2013, tại Thư viện quốc gia Pháp. Bản “Vũ khúc Đông Dương” đã được nhà nghiên cứu dân tộc học, nhạc học nổi tiếng người Pháp là ông JulienTiersot ký âm lại năm 1900, khi nó được một ban nhạc tài tử của Việt Nam sang biểu diễn tại hội chợ quốc tế ở Paris với tư cách đại diện cho văn hóa Đông Dương. Nó được thể hiện làm nhạc nền cho một cô đào nổi tiếng người Pháp là Cléo de Mérode múa tại sân khấu hội chợ.

“Khi hay tin nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên tìm thấy bản nhạc tài tử cổ xưa này (“Vũ khúc Đông Dương” được coi là bản ký âm cổ nhất trong lich sử âm nhạc ĐCTT VN - PV) chúng tôi thật sự vui mừng, vì như vậy từ hơn 100 năm trước, thế giới đã biết đến nhạc tài tử của Việt Nam”, nhạc sĩ Huỳnh Khải xúc động chia sẻ.

Ngày 11/ 7/ 2013, bản “Vũ khúc Đông Dương” đã được phục dựng và trình diễn tại Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc), với sự tham dự của hơn 500 nhạc sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo nghệ nhân dân gian Phạm Công Tỵ, đây là một bản nhạc hay và lạ đối với nhạc tài tử. Vì hầu như rất ít bản nhạc tài tử được dùng để múa. Bản “Vũ khúc Đông Dương” tôi nghĩ có thể đây là tiết mục ngẫu hứng của ban nhạc tài tử ngày xưa khi đến Pháp biễu diễn. Phát hiện này với nhạc tài tử lại càng giá trị và thú vị, nghệ nhân Tỵ khẳng định.

Tuy vậy, nhưng nếu có người hỏi điểm cốt yếu nhất của nghệ thuật trình diễn ĐCTT là gì? Có lẽ họ sẽ nghe câu trả lời không ngần ngại của giới ĐCTT đó là phong cách sáng tạo và ngẫu hứng trong biểu diễn. Không chỉ đàn ca sao cho đúng với tính chất, hơi điệu của bài, người nghệ sĩ tài tử còn phải biết thêm thắt, biến tấu ngẫu hứng sao cho bay bổng, vì đối với nhạc tài tử, tính cố định sẽ làm mất tính tài tử. Một nốt đàn được thêm thắt, tô điểm đúng mức sẽ trở thành phong cách riêng của nghệ sĩ. Nói rộng hơn, ngẫu hứng, ứng tấu vừa tạo phong cách nhạc sĩ, vừa là phong cách của thể loại nhạc tài tử. Nhưng nếu thêm thắt, tô điểm để cho câu nhạc có nhiều chữ đàn, để cho “rậm đám” hay xôm tụ thì không phải phong cách tài tử, bởi mỗi câu nhạc, mỗi chữ đàn, mỗi nét nhấn nhá, luyến láy… càng lão luyện trong nghề chơi thì tiếng đàn càng tinh tế, sang trọng, đặc sắc, đậm đà…

Cũng xin nhắc lại, vào những năm 1930, ĐCTT được các hãng sản xuất đĩa nhựa trong và ngoài nước như: Việt Hải, Hồng Hoa, BéKa… thu và phát hành ở miền Nam. Những danh ca, danh cầm được nhiều người biết đến cũng nhờ vào cách phổ biến này. Những bài bản lúc ấy không chỉ gồm 20 bài tổ mà còn có một số bản vọng cổ (nhịp 8, nhịp 16…). Nhạc giới thường nhắc đến băng Nam Bình I & II do nhạc sư Vĩnh Bảo biên tập và diễn tấu. Đây chính là may mắn cho hậu thế vì còn giữ được tiếng đờn tài hoa, ngẫu hứng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài tử lừng danh. Nổi tiếng trong làng đĩa nhựa khi ấy có Chín Kỳ (Nguyễn Văn Kỳ), Tư Nghi (Phạm Văn Nghi), Bảy Hàm (Trương Văn Đệ), Sáu Quý (Nguyễn Thế Quý)…Về ca có các nghệ sĩ Năm Nghĩa, Hồng Châu, Tám Thưa, Út Trà Ôn, Bảy Cao, Sáu Thoàng, Hai Đá, Năm Cần Thơ, Bạch Huệ…

Đờn ca tài tử vào xuân

Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh, ĐCTT là cuộc chơi đầy phong lưu và tao nhã. Đờn càng hay thì tiếng ca càng rung cảm. Khi hai cái tâm hồn càng hòa quyện nhau thì người nghe không muốn rời.

Giờ đây, trong nhịp sống công nghiệp, bận rộn, bốn bề hối hả, mấy ai còn yên lòng để thả hồn vào cuộc chơi với khúc nhạc, lời ca suốt sáng, thâu đêm. Để rồi những tiếng hò ơ dìu dặt mênh mông đang chìm dần vào những âm thanh hỗn loạn của thị thành.

Cũng may, không giống như nhiều người lâu nay vẫn nghĩ, ĐCTT chỉ là sản phẩm của vùng quê sông nước miệt vườn. Giờ đây, có dịp nhìn lại, nhiều người giật mình khi thấy ĐCTT đang thịnh hành, nở rộ ngay giữa những thành phố công nghiệp. Một thống kê mới đây cho biết, TP.HCM có 97 CLB, nhóm với hơn 1.000 nghệ nhân, tài tử được đánh giá là có năng lực hoạt động nghệ thuật; Bình Dương có 59 CLB, nhóm ĐCTT với khoảng 800 nghệ nhân, tài tử, sinh hoạt định kỳ ít nhất 1 lần/ tháng…

Một nghệ nhân chia sẻ: ĐCTT là “cái sự chơi”, là tri âm mộ điệu. Nhưng do đời sống kinh tế càng lúc khó khăn, một ngày đờn ở khu du lịch được 200.000 – 300.000 đồng, trong khi đờn cho CLB được bồi dưỡng nhiều nhất 100.000 đồng. Đây là điều mà những người có trách nhiệm bảo tồn ĐCTT không thể làm ngơ. Một chính sách thỏa đáng về vật chất và tinh thần cho các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy nhằm ghi nhận công lao của họ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Bởi, các bậc thầy tên tuổi về ĐCTT hiện nay đa phần đã lớn tuổi, trong khi lớp nghệ nhân kế tục không nhiều. Vì vậy vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản này cần được nhìn nhận ở quy mô cấp nhà nước. Từ đó mới có thể huy động sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trên cơ sở khuyến khích các địa phương mở lớp dạy ĐCTT cho người mộ điệu, nhất là giới trẻ. Trong bối cảnh bộ môn nghệ thuật ĐCTT vừa mới được UNESCO vinh danh, thì, trách nhiệm của những người trong cuộc là phải làm sao nuôi dưỡng ĐCTT giống như một mạch nước ngầm, len lỏi, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống cộng đồng.

Trước thềm năm mới, một tin vui từ Bộ VHTTDL cho biết đã đồng thuận giao cho Sở VHTTDL TP.HCM đăng cai tổ chức lễ đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bộ môn nghệ thuật ĐCTT, dự kiến vào đầu tháng 2/2014. Và 2 tháng sau đó, một Festival ĐCTT mang tầm quốc gia được tổ chức lần đầu tiên tại Bạc Liêu, chính nơi ấy, gần 100 năm trước nghệ nhân Cao Văn Lầu đã viết bài Dạ cổ hoài lang đi vào bất tử.

Minh Cường Theo Báo Du lịch