Với những người con tha hương...

Khác với thế hệ thứ nhất ở Đức, lớp "thợ khách" nhọc nhằn, bươn trải mưu sinh, thế hệ thứ hai, thứ ba của chúng tôi đang vươn mình trỗi dậy.

Những cái Tết âm thầm

Đã nhiều năm định cư ở Đức, chúng tôi hầu như không có mùa xuân, với nghĩa "Tết xuân". Cảm giác se lạnh, dìu dịu, pha những hạt mưa bụi vương trên tóc, thấm trên vai từ lâu đã chẳng còn. Thiếu vắng hẳn thân sắc của những cành đào, cành mai tươi tắn cắm trong bình sứ, đặt ngay ngắn bên bàn thờ tổ tiên. Rồi những tờ lịch trên tường, hối hả kéo thời gian lại gần với Tết, cũng chẳng làm con trẻ háo hức đợi chờ.

Người Việt Nam có câu: "Nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc". Một khi đã gia nhập xã hội Đức, chúng tôi phải theo "tục" của người Đức. Buồn một nỗi là ba ngày Tết cổ truyền của ta thường lại không rơi vào những ngày cuối tuần. Vì thế, Tết thì Tết, vẫn cứ phải nhọc nhằn kiếm kế mưu sinh.

Với hoàn cảnh điều kiện như vậy, đa số các gia đình chỉ làm cơm vào các ngày âm: 23, 30 và mùng 1. Thường là chiều tối sau khi đi làm về lúc 18 h, các nhà mới bắt đầu làm cỗ. Thời gian các gia đình người Đức bắt đầu mở Tivi xem chương trình thời sự, cũng là lúc chúng tôi xin lộc các cụ để lời cầu nguyện của mình sớm trở thành hiện thực.

Không có màu sắc trăm hoa của chợ xuân, không có không khí hồi hộp đợi chờ thời khắc giao thừa của trời đất, không có rượu nồng pháo nổ... chúng tôi lặng lẽ chúc nhau sức khoẻ để ngày mai chớ gục ngã trên tuyết lạnh sứ người.

Tuy phải tranh thủ thời gian làm cỗ Tết, nhưng trên bàn thờ mỗi nhà vẫn có đủ các thức, món truyền thống để dâng lên Trời - Đất, Tổ Tiên... Nào mâm ngũ quả, mứt ngũ vị; nào bánh chưng xanh cùng miến măng, giò chả... và không bao giờ thiếu lọ dưa hành. Sau khi đã lên hương đèn, vợ con tôi đứng phía sau và theo tôi chắp tay cúng cụ.

Các con tôi được sinh ra ở Đức, khi ra ngoài xã hội các cháu ứng xử theo văn hoá Đức. Nhưng lúc ở nhà với cha mẹ, các cháu phải sống theo tập tục Việt Nam.

{keywords}
Bánh chưng cổ truyền, mang đậm hương vị Tết

Trong bữa cơm Tết, chúng tôi nói chuyện về quê nhà. Tôi cố gắng giảng giải cho bọn trẻ biết ý nghĩa của ngày Tết và phong tục tập quán Việt Nam. Bữa cơm cũng phải kết thúc nhanh, để sáng hôm sau đúng 6 h, cả nhà phải dậy để chuẩn bị cho một ngày học tập và làm việc mới.

Như lệ ngày xưa ở nhà, mùng 4 Tết, chúng tôi hoá vàng. Sợ ngưới Đức tò mò khó hiểu, tôi không dám hoá dưới sân chung; Sợ hàng xóm tầng trên kêu ca vì khói, tôi không dám hoá ở ngoài ban công. Cuối cùng tôi phải để vàng mã vào trong một cái chảo và hoá ở trong bếp nhà.

Chúng tôi đón Tết như vậy đó. Không có hoa đào pháo nổ, không có không khí ầm ào râm ran chúc tụng của người thân hay bè bạn, chỉ lặng lẽ âm thầm, lòng chúng tôi quặn đau trong nỗi niềm nhớ quê hương và người thân vô tận. Đơn sơ quá, vội vàng quá, thắp nén hương cho Tổ tiên mà lòng nặng trĩu ưu phiền, tự trách mình đã thất hiếu với ông bà - cha mẹ.

Vượt ngày đen tối

Lần lần nhớ lại những ngày mới thống nhất nước Đức, nhà máy đóng cửa, đám "thợ khách" chúng tôi lâm vào cảnh thất nghiệp. Lúc ấy, mỗi người phải tự tạo lập cho mình một cuộc sống mới, từ hai bàn tay trắng.

Giai đoạn này chúng tôi không có Tết. Nhà ở không có, nhiều người phải tá túc nhờ nơi bạn bè, hoặc có khi vài ba người phải thuê chung một phòng nhỏ, chúng tôi không thể lập bàn thờ để dâng hương ba ngày Tết. Tối giao thừa, anh em hẹn nhau ở một phòng nào đấy, nâng ly rượu xuông, cùng nhau hướng về quê cha đất tổ.

Rồi năm ấy, sáng mùng một Tết, mở mắt ra, chúng tôi bất chợt thấy lá cờ của Cộng hoà liên bang Đức, bay phấp phới trong doanh trại, mà chỉ mới hôm qua, là của quân đội Cộng hoà Dân chủ Đức. Cả nước Đức, bắt đầu bước vào giai đoạn "vật đổi sao dời". Vậy là sau đó, ở trong thành phố, khắp nơi nhan nhản khẩu hiệu của tổ chức Phát xít mới: "Bọn nước ngoài cút đi", "Bọn Do thái cút đi".

Các nhóm đầu trọc bắt đầu nổi lên như nấm độc sau cơn mưa. Ban ngày chúng săn tìm những người nước ngoài ở ngoài phố, ban đêm chúng ném gạch đá và chai xăng vào nhà. Năm 1992, tối ngày mùng một, ngôi nhà mà mấy anh em chúng tôi hẹn nhau tới đón Tết, đã bị bọn đầu trọc trẹn cửa rồi tưới xăng đốt. Những ngày đen tối ấy, máu và nước mắt của những người "thợ khách" đã phải đổ xuống trên mảnh đất phì nhiêu này.

Nhưng hôm nay thì khác rồi. Sau khi vượt qua sóng to gió cả, con thuyền của chúng tôi đã căng buồm lướt đi vững vàng trên đại dương rộng lớn.Vị thế của những người "thợ khách" năm xưa ngày càng được khẳng định và nâng cao trên đất Đức.Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã tổ chức được nhiều hội, đoàn, câu lạc bộ, thậm chí một số nơi đã xây được chùa. Do đó đời sống văn hoá tinh thần trong cộng đồng được cải thiện rất nhiều.

Tết Nguyên đán là một điểm nhấn sáng nhất trong năm. Chúng tôi chọn một ngày chủ nhật gần nhất, để tổ chức đón Tết mừng xuân. Trong một hội trường rộng, tất cả các gia đình người Việt cùng bạn bè khác hân hoan gặp gỡ, nâng cốc chia vui. Chúng tôi có tiệc mặn, tiệc ngọt, có ca hát nhảy múa và đội lân sư đến từ các lò võ dân tộc. Một cây quất trĩu quả, hay một cành đào giả đặt trang trọng trên khán đài, vẫn tạo nên nét chấm phá đặc sắc cho phong cách Tết cổ truyền. Ở đây các bạn người Đức và lớp trẻ Việt Nam có dịp tìm hiểu thêm về nền văn hoá lâu đời của chúng ta.

{keywords}
Hoa xuyên tuyết rạng ngời trong giá lạnh. Ảnh: Panoramio.com

Khác với thế hệ thứ nhất ở Đức, lớp "thợ khách" nhọc nhằn, bươn trải mưu sinh, thế hệ thứ hai, thứ ba của chúng tôi đang vươn mình trỗi dậy. Họ đẹp như hoa nở báo hiệu thời khắc của mùa xuân trên đất Đức. Ở nhà mình, các cháu biết chắp tay trước bàn thờ gia tiên. Ngoài xã hội và trong trường học, các cháu đã mang lại những giá trị đích thực và danh dự sáng ngời cho cộng đồng.

Nhân những ngày lễ Tết trong năm, chúng tôi vẫn quây quần bên nhau, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, nhắc nhở lớp trẻ luôn nhớ tới công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và cùng đoàn kết một lòng hướng về Tổ Quốc.

***

Những năm tháng sống ở châu Âu, chúng tôi thường phải hứng chịu những mùa đông khốc liệt. Từng lớp tuyết thay nhau phủ dày trên mặt đất, rồi nén lại thành băng đá. Nằm bên dưới lớp băng lạnh cóng ấy, vẫn có một mầm sống với nhựa sống mãnh liệt tuôn trào. Nó ở đâu đó ngay trong lòng đất, từng giờ, từng phút kiên nhẫn đợi ánh sáng mặt trời.

Đó chính là mầm hoa xuyên tuyết - một loại hoa được coi là thấp bé nhất, yếu đuối nhất trong tất cả các loài hoa. Ấy vậy mà chỉ cần lớp băng cuối cùng vừa tan chảy, thì nó lại là thứ hoa đầu tiên nở sớm nhất, vươn mình trỗi dậy, khoe thắm sắc màu.

Hoa xuyên tuyết cũng như người Việt Nam chúng ta vậy - dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, vẫn luôn mang trong mình một dòng máu Lạc Hồng, với sức sống mãnh liệt diệu kỳ.

Nhìn thấy hoa xuyên tuyết nở, biết rằng mùa xuân đã tới...

Nguyễn Công Tiến (từ Đức)


'Áo giáp chở che ngàn năm bền vững'

Đi xa quê, tôi lại  bồi hồi mỗi khi nghe trên đài tiếng nói Việt Nam vang vang giọng ca của Kiều Hưng: "Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô, áo giáp chở che ngàn năm bền vững".


Lời nhắn nhủ con cháu Lạc Hồng

Chỉ còn mái đình và những chiến công vang dội núi sông của  các bậc thánh nhân là ở lại, để nhắn nhủ con cháu Lạc Hồng, hãy đoàn kết một lòng để gữi gìn trọn vẹn núi sông bờ cõi Việt Nam.