2014 cũng là thời điểm mà tinh thần tự vấn để cải cách cần phải đặt lên làm nguyên tắc hàng đầu, thông qua ba nguyên tắc chính về công bằng.

Quá trình hội nhập của Việt Nam có thể được xem như một cuộc đua nhiều chặng. Từ 1986 đến nay, cứ mỗi khi trải qua một giai đoạn, Việt Nam lại cho thấy một bước tiến mới trong việc hòa hợp các lợi ích của mình vào mạng lưới kinh tế, chiến lược và thang giá trị của thế giới.

Năm 2014 với một loạt các FTA đang đàm phán như RCEP, Việt Nam-EU và đặc biệt là TPP với nhiều khả năng được kí kết nhiều khả năng sẽ đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý, một "khoảnh khắc" đặc biệt.

{keywords}
Ảnh minh họa

Những chặng đường đã qua

Quyết tâm đổi mới được thể hiện trong Đại hội Đảng lần VI diễn ra năm 1986 có thể được xem là viên gạch đầu tiên trên con đường hội nhập của Việt Nam. Mặc dù bản thân nó không phải là một bước hội nhập thật sự, công cuộc đổi mới đã tạo ra cho nước ta những tiền đề cần thiết cho một quá trình như vậy. Từ một vị trí tương đối biệt lập, Việt Nam cuối cùng đã giang tay nắm lấy cơ hội lớn để phát triển.

Năm 1995 là một khoảnh khắc rất đáng nhớ với Việt Nam và quá trình hội nhập của chúng ta nói riêng. Với việc vấn đề Campuchia được giải quyết ổn thỏa vào tháng 9/1989 và kết quả của Hiệp định Paris tháng 10/1991, quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - ASEAN đã có những bước tiến. Cuối cùng, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào 27/8/1995.

Tư cách thành viên của ASEAN đã giúp Việt Nam củng cố nỗ lực hợp tác và cải thiện quan hệ với các cường quốc trên thế giới. Các chuẩn tắc đồng thuận và không can thiệp của ASEAN rất phù hợp với quan điểm của Việt Nam về độc lập và chủ quyền.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - ASEAN đã đạt được một số thành tựu. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3.490 tỉ USD năm 1992, chiếm tỷ trọng 24% tổng kim ngạch và tăng liên tục tới năm 1998, cho đến khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 phát huy các ảnh hưởng của nó.

Hội nhập kinh tế với các quốc gia thành viên ASEAN đem lại những khó khăn nhất định cho Việt Nam, khi cán cân xuất nhập khẩu liên tục tăng theo hướng âm. Gia nhập ASEAN đã cho Việt Nam những bài học đầu tiên về được và mất của tiến trình hội nhập.

Năm 1995 cũng là thời điểm chúng ta chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ sau 20 năm gián đoạn sau chiến tranh. Mong muốn "là bạn" với mọi quốc gia trên thế giới của Việt Nam đã được chứng minh bằng hành động.

Những thành tựu từ bước tiến này là không thể bàn cãi. Hiệp định thương mại song phương giữa ta và Mỹ được kí kết sau đó vào năm 2000 đã đem lại nhiều lợi ích to lớn. Tổng kim ngạch thương mại hai nước tăng từ 1,5 tỷ USD lên đến hơn 20 tỉ USD trong năm 2011. Đáng chú ý, cán cân thương mại kể từ năm 2001 luôn nghiêng về phía Việt Nam.

Một bước tiến không thể không kể đến là việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO năm 2007. Đây có thể xem là mốc đánh dấu việc Việt Nam lần đầu hội nhập sâu vào mạng lưới kinh tế toàn cầu.

"Tự vấn" để cải cách

Trong bài viết này, chúng ta tạm cho rằng năm 2014 sẽ là một khoảnh khắc hội nhập tiếp theo, nối dài cột mốc WTO 2007. Do đó, đây cũng là thời điểm mà tinh thần tự vấn để cải cách cần phải đặt lên làm nguyên tắc hàng đầu, thông qua ba nguyên tắc chính về công bằng.

Trước tiên và cụ thể nhất đó là sự công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các thành phần khác. Hiện nay, khu vực DNNN rõ ràng đang được hưởng quá nhiều đặc lợi so với khu vực tư nhân và vốn nước ngoài. Các DNNN lớn được hưởng thế độc quyền trong các lĩnh vực then chốt, thiết yếu (khoáng sản, nhiên liệu, cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng...) và thế thống lĩnh trong bất cứ thị trường nào mà chúng tham gia.

DNNN còn được hưởng lợi từ góc độ pháp lý, chính sách (đất đai, vốn, tín dụng, hợp đồng mua sắm công), tạo nên một cuộc cạnh tranh bất bình đẳng giữa họ và khu vực tư nhân mà đáng nói nhất là dân doanh nội địa. Khu vực tư nhân vì thế bị DNNN lấn át về cả cơ hội lẫn nguồn lực khiến họ không thể phát triển hết tiềm năng vốn có.

Nếu sự mất cân đối về tiếp cận chính sách này còn được duy trì, nhóm chủ thể hoạt động kém hiệu quả sẽ càng phung phí các nguồn lực, trong khi nhóm chủ thể có năng lực lại bị bóp nghẹt tiềm năng phát triển.

Sự công bằng thứ hai phải đạt được có thể được gọi nôm na là sự công bằng giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp, mà cụ thể là đối với các mặt hàng thiết yếu phần lớn thuộc về các doanh nghiệp độc quyền nhà nước. Theo Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên, hiện tại giá năng lượng (xăng, dầu, điện, than) nằm trong bốn loại giá quan trọng mà không ai dám "đụng" đến. Câu chuyện thị trường hóa nhóm giá này đã bắt đầu từ lâu nhưng đến nay chưa có nhiều tiến triển.

Vấn đề là ở chỗ Việt Nam hiện nay thị trường hóa giá cả không được thực hiện dựa trên nền tảng của tự do hóa thị trường, tức là việc có được một thị trường cạnh tranh đúng nghĩa. Nói cách khác, theo đuổi cơ chế thị trường phải được tiến hành ở cả cơ chế giá lẫn cấu trúc thị trường.

Cuối cùng, đó là sự công bằng về thể chế, hay đơn giản hơn là sự công bằng trong khả năng tác động đến chính sách giữa các nhóm chủ thể trước một vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn, nỗ lực thu hút FDI tại Việt Nam đôi khi đi quá xa, khiến cho các nhà đầu tư có nhiều khả năng trong tác động chính sách. Trong khi đó, khả năng tương tự của người dân còn hạn chế, khiến khi xảy ra sự cố tác động đến đời sống của họ, phần thua thiệt thường rơi vào người dân.

Gần đây, thông tin về khả năng xuất hiện của luật biểu tình, luật lập hội, luật trưng cầu dân ý, luật tiếp cận thông tin, luật bảo vệ dữ liệu cá nhân... là những dấu hiệu lạc quan đầu tiên của lộ trình thiết lập lại những nguyên tắc công bằng.

Trương Minh - Nhật Anh