Hiệu quả phòng bệnh cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chất lượng của các loại văcxin; tỉ lệ trẻ em thực hiện tiêm chủng; chất lượng của bộ máy quản lý cũng như chính sách về y tế của mỗi quốc gia. Chỉ cần một trong các yếu tố nêu trên có vấn đề, thì các loại dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát bất cứ khi nào.

Với hơn 400 ca mắc và 107 ca tử vong, bệnh do chủng vi-rút mới Mers-CoV gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông đang diễn biến phức tạp với diện lây lan ngày càng rộng. Hiện đã có 14 quốc gia trên toàn thế giới ghi nhận có ca nhiễm, tử vong do loại virus nguy hiểm này. Việt Nam cũng đang tăng cường các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa ngay từ cửa khẩu. Câu chuyện này, thêm một lần nữa dấy lên quan ngại của người dân về sự an toàn trong phòng bệnh, nhất là trong bối cảnh thời tiết diễn biến khó lường.

Miễn dịch ‘tự nhiên’ và cuộc đấu tranh sinh tồn

Khái niệm miễn dịch (immunitas) có nguồn gốc từ tiếng Latin có nghĩa là được miễn thuế, sau đó từ này được sử dụng trong lĩnh vực ngoại giao như quyền được xuất nhập cảnh (miễn thị thực). Về sau, trong lĩnh vực y học, người ta cũng có nhận xét  là ở một số người sau khi bị mắc bệnh và thoát chết qua một đợt “dịch” nào đó (bệnh tả, sởi, thương hàn, đậu mùa...) thì ít khi hoặc có khi không bao giờ mắc bệnh lại.

Vì vậy các nhà y học đã sử dụng từ miễn dịch hay được quyền miễn dịch để chỉ hiện tượng này

{keywords}

Bệnh do chủng vi-rút mới Mers-CoV gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông đang diễn biến phức tạp

Ngày nay miễn dịch học (immunology) đã là một chuyên ngành rộng trong y sinh học, nghiên cứu mọi phương diện của hệ miễn dịch của tất cả các sinh vật. Khái niệm miễn dịch cũng đã được hiểu một cách đầy đủ hơn. Đó là tập hợp tất cả các cơ chế sinh học giúp cho một cơ thể đa bào (trong đó có con người) giữ được sự toàn vẹn của cơ thể bằng cách loại bỏ tất cả những chất lạ.

Hiện tượng những người sau khi bị mắc bệnh, nhưng thoát chết qua một đợt “dịch” nào đó (bệnh tả, sởi, thương hàn, đậu mùa...) thì sau này ít khi bị mắc bệnh lại hoặc không bao giờ mắc/nhiễm bệnh đó; là do cơ thể của những người này đã ‘sản sinh’ ra kháng thể đặc hiệu đối với bệnh đó. Phân loại theo nguồn gốc, được gọi là miễn dịch chủ động ‘tự nhiên’, là miễn dịch đặc hiệu. ‘

Thời xa xưa, khi con người chưa có hiểu biết về miễn dịch cũng như các vi sinh vật gây nên các bệnh dịch, chưa biết đến các phương pháp phòng bệnh. Mỗi một người từ khi được sinh ra phải ‘đơn độc’ vượt qua sự tác động khắc nghiệt của bệnh dịch để trưởng thành, nhưng cũng vì vậy, hàng năm có hàng triệu người bị chết vì dịch bệnh.

Miễn dịch và “chung sống với lũ”

Từ quan sát, nhận xét về hiện tượng miễn dịch đặc hiệu ‘tự nhiên’ mà từ thời xa xưa, người ta đã biết ứng dụng nó để phòng bệnh, bằng cách chủ động cho cơ  thể tiếp xúc với mầm bệnh đã được làm giảm độc tính, qua đó tạo ra  miễn đặc hiệu ‘nhân tạo’.

Từ khoảng thế kỷ thứ 10, ở Trung Quốc các thầy lang Đạo giáo đã bí mật lấy vẩy sẹo của người bị bệnh (chứa mầm bệnh), cho vào một chiếc hộp kín, rồi giữ ở nhiệt độ nhất định trong một thời gian để giảm độc tính, sau đó nghiền nhỏ thổi vào mũi của người khỏe chưa từng mắc bệnh đậu mùa để ngừa bệnh. Năm 1796,  Edward Jenner, một bác sĩ người Anh đã thực hiện thành công thử nghiệm văcxin ngừa căn bệnh đậu mùa từ dịch chiết của các vết đậu bò.

Hơn 80 năm sau, giai đoạn 1879 – 1881, Louis Pasteur lần đầu tiên đã nghiên cứu và chế thành công 3 loại văcxin: Tụ huyết trùng gia cầm, nhiệt thán và dại. Roux và Yersina tạo được văcxin chống độc tố bạch hầu.

Những phát minh này mở ra một thời kỳ mới về nghiên cứu, và chế tạo các loại văcxin để tiêm chủng, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Cho tới nay, các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh thành “dịch” đều đã được tiêm chủng. Trong đó, quan trọng nhất là chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) dành cho đối tượng trẻ em, được triển khai rộng khắp ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Lịch tiêm chủng từng loại bệnh, dựa trên những nghiên cứu về hệ miễn dịch của con người, cũng như dịch tễ của từng loại bệnh truyền nhiễm cần phải tiêm phòng ở mỗi quốc gia, bảo đảm cho các trẻ em- là đối tượng của chương trình này, có đủ miễn dịch đặc hiệu với các bệnh truyền nhiễm của chương trình TCMR ngay từ những tháng năm đầu đời, giúp cho trẻ em không bị mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Chính vì vậy, chương trình TCMR đã trở thành ‘lá bùa hộ mệnh’ cho trẻ em, trong cuộc đấu tranh sinh tồn với các bệnh dịch nguy hiểm. Nếu cần phải diễn đạt bằng cách khác thì vẫn khẳng định, TCMR là sự an toàn, là tình thương yêu của thế hệ đi trước dành cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên hiệu quả của chương trình còn phụ thuộc vào chất lượng của văcxin cũng như chất lượng của bộ máy quản lý y tế (quan trí) ở mỗi quốc gia.

Cho tới nay, đối với các bệnh truyền nhiễm trên người WHO chứng nhận đã tiêu diệt được bệnh đậu mùa vào năm 1979. Trước đó 02 năm (1977) Ali Maow Maalin, người Somalia, được xem là bệnh nhân cuối cùng mắc căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này trong môi trường sống bình thường. Tuy nhiên hai khối virus đậu mùa vẫn còn được cất trữ ở Trung tâm phòng chống bệnh tật của Mỹ ở Atlanta và Trung tâm nghiên cứu virus và công nghệ sinh học ở Koltsovo của Nga để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học. WHO vẫn còn dự trữ 32,6 triệu liều văcxin bệnh đậu mùa ở Thụy Điển đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Như vậy, cũng cho tới nay ‘đội hình’ các loại vi sinh vật (vi khuẩn, virus) gây bệnh truyền nhiễm ở người vẫn còn nguyên vẹn. Việc chủ động tiêm chủng nhằm giúp cho trẻ em có miễn dịch bệnh đặc hiệu với các bệnh này, chỉ giúp cho các bé được an toàn “chung sống với lũ”- là các nguồn lây nhiễm trong tự nhiên, mà không bị mắc bệnh mà thôi.

Làm sao để có văcxin tốt nhất an toàn tuyệt đối, chứ không phải những loại ‘đời đầu’ nhiều tai biến. Làm sao để có ngành y… trong sạch có trách nhiệm, chứ không phải ngành y đầy tai tiếng. Từ ăn bớt văcxin khi tiêm, đến tiêm văcxin hết hạn sử dụng, rồi đến nghi án tiêm nhầm và không biết... không rõ ... không liên quan, nhưng vẫn có tai biến sau tiêm chủng dẫn tới tử vong thì trẻ em cũng không thể an toàn “chung sống với lũ” được.

Phản ánh chân thực chất lượng bộ máy y tế

Việt Nam là nước đứng thứ 02 trên thế giới ký Công ước về Quyền trẻ em và sau đó sớm hoà nhập vào chiến lược chung của cộng đồng quốc tế, đưa công tác TCMR trở thành chương trình quốc gia ưu tiên, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế: “Đến năm 2000 Việt nam sẽ thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế bệnh sởi”.

Tuy nhiên hiệu quả phòng bệnh cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chất lượng của các loại văcxin; tỉ lệ trẻ em thực hiện tiêm chủng; chất lượng của bộ máy quản lý cũng như chính sách về y tế của mỗi quốc gia. Chỉ cần một trong các yếu tố nêu trên có vấn đề, thì các loại dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát bất cứ khi nào.

Đấu  tranh sinh  tồn  là một  trong các quy  luật  tự nhiên trong cộng đồng. Với tư cách là một thành viên trong cộng đồng, mỗi một con người cũng phải chấp nhận quy luật tự nhiên khắc nghiệt.

Nguyễn Văn Soạn

Xem bài cùng tác giả

Sau dịch sởi sẽ đến bệnh nào?

Dịch sởi năm nay là do tính chất chu kỳ xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, vấn đề biến đổi gen, thay đổi độc lực… của vi rút sởi thì cũng chưa có gì bất thường.