"Như vậy đó hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long hiện lên trước mắt ta ngồn ngộn sức sống".

LTS: Hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015), Nhà xuất bản Lao động vừa tái bản cuốn Đồng bằng sông Cửu Long của Phan Quang, tác phẩm từng được người đọc nồng ấm đón nhận một thời và tái bản nhiều lần.

Đồng bằng sông Cửu Long của Phan Quang in lần đầu năm 1981 vừa tái bản lần thứ 5 (NXB Lao Động, Hà Nội - 2014) không hẳn là một tập khảo luận chuyên đề về địa lý - kinh tế - xã hội học. Đó là một tập bút ký thực hiện theo quan niệm của Maxim Gorki: kết hợp miêu tả với khảo cứu, kèm những hứng cảm và nhận xét thể hiện tình yêu và suy ngẫm của người viết trước con người và cảnh quan Nam Bộ. Tác giả khiêm tốn ghi là ký, thậm chí có loạt bài viết tại chỗ theo cùng một chủ đề (như những bài về đổi thay tại tỉnh Bến Tre mấy năm đầu giải phóng), ông gọi là "ghi nhanh tại chỗ". Ngay từ khi mới phát hành cuốn sách đã được dư luận nồng ấm đón chào và sau đó tái bản nhiều lần tại mấy nhà xuất bản.

Trên thực tế, không phải đợi đến ngày ra sách mà ngay từ những loạt bài đầu tiên của nhà báo Phan Quang viết về miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long vừa giải phóng tháng 5 năm 1975 rồi liên tục trong mấy năm liền sau đó, đăng trên các báo Nhân dân, Văn nghệ, Đại đoàn kết, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới, Dân (tỉnh Bình Trị Thiên)..., phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, bằng đôi mắt ngỡ ngàng cùng tấm lòng quý trọng của một cây bút lần đầu tiếp cận vùng châu thổ Sông Mẹ, đã được đông đảo độc giả cả nước ân cần chờ đón. Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh qua tác giả Huy Khanh (số ra ngày 6-11-1980) nhận xét:

"Ký ngày nay là một thể loại rất thông dụng. Ta thường đọc ký văn học của Nguyễn Tuân, Xuân Diệu..., ký chính luận của Thép Mới, ký mang tính triết học của Chế Lan Viên, v.v... Trong khoảng mấy năm gần đây đã xuất hiện thêm một loại ký khá đặc biệt: loại ký viết về các chủ đề kinh tế. Người viết: Phan Quang (...).

Ký kinh tế của Phan Quang vẫn giữ cái cốt lõi của phóng sự điều tra, tức là bảo đảm tính logic trong cách phối hợp tư liệu và các nguồn tin, cũng như ở phong cách lập luận, chú trọng bám sát thời sự khi chọn đề tài, nêu vấn đề.

{keywords}
Bìa cuốn sách của Phan Quang

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ không có gì đặc biệt lắm. Phan Quang đã đưa thể loại phóng sự điều tra và bút ký kinh tế đi xa hơn, vượt ranh giới của một thể văn báo chí thông thường, bắt đầu từ cách vận dụng nhuần nhị hai yếu tố cơ bản của thể văn này là điều tra và tư liệu. Phan Quang thường nhấn mạnh yêu cầu đi và sống đối người viết báo, phải đến tận nơi, thấy tận mắt khung cảnh, gặp gỡ nhân sự xoay quanh chủ đề đã chọn. Từ đó sử dụng kinh nghiệm linh động như một nhà văn. Tác giả không ngại thuật lại những câu chuyện gặp gỡ, tiếp xúc, chuyện trò, mô tả văn cảnh, nhân vật, coi như nguồn tư liệu sống. Nếu nguồn tư liệu sử dụng là tư liệu "lý thuyết", tư liệu "trên giấy tờ", thì ngoài phần thuộc lĩnh vực kinh tế, các mặt lịch sử và địa dư đặc biệt được Phan Quang chú trọng khai thác. Cách nhìn vấn đề như vậy là biện chứng: vấn đề được đặt ra trong toàn bộ quá trình sinh thành và phát triển của nó.

Rõ ràng phóng sự điều tra nơi Phan Quang đã chuyển qua một thể báo chí phong phú, uyển chuyển hơn, đậm tính văn học hơn (...). Khi viết, Phan Quang không ngại đưa tính chủ quan vào, không ngại dùng chữ "tôi" với mục đích tạo cho bài viết của mình bản sắc riêng. Tính văn học trong ký kinh tế của Phan Quang còn thể hiện qua cách suy nghĩ có gạn lọc. Đề tài được chọn sẵn, thế nhưng phạm vi suy nghĩ của người viết luôn mở rộng, hướng đến rất nhiều chi tiết nổi bật được chọn lựa từ mối tương quan với đề tài, (chẳng hạn) như những suy nghĩ về sinh hoạt, tâm lý, truyền thống, hoàn cảnh của người nông dân Nam Bộ khi bàn về sản xuất và thu mua lương thực tại vùng này, khi nhìn ngắm và mô tả bằng con mắt của nhà văn cây đước và quả mắm của Cà Mau, về rừng tràm và cây dừa nước Kiên Giang, về mùa nước nổi Châu Đốc, về hoa và người trồng hoa Đà Lạt, vv. Ký Phan Quang vì thế có nhiều màu sắc, đọc khá thú vị, bất ngờ, trong đó chúng ta được gặp cả những câu ca dao miệt vườn, văn của Lỗ Tấn và Trịnh Hoài Đức, thơ của Nguyễn Đình Chiểu và Tố Hữu...

Phan Quang gọi các bài ký của anh thuộc "thể loại trung gian" giữa báo chí và văn học... Anh chọn kinh tế làm "đối tượng" chính. Lao vào tìm hiểu và góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế ở vùng mới giải phóng thực sự là một thách đố đối với người viết. Công việc gay go mà không kém phần hứng khởi. Vì thế mà ngay sau ngày giải phóng miền Nam, anh đã lặn lội hàng tháng trời tại các vùng Cà Mau, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên... để tìm hiểu "kinh tế vườn" ở miền Nam (mà anh phân biệt với "kinh tế ruộng", một trong những yếu tố tạo nên tiềm năng kinh tế to lớn của Đồng bằng sông Cửu Long".

Gần hai mươi năm sau, Giáo sư Hà Minh Đức chắc hẳn do ngẫu nhiên mà vẫn có nhiều cảm nhận tương đồng. Ông viết:

"Ngòi bút của Phan Quang khao khát giới thiệu một vùng đất mới lạ của Tổ quốc: đồng bằng sông Cửu Long. Tập bút ký về vùng đồng bằng này được viết với sự kết hợp miêu tả với khảo cứu như quan niệm của Gorki về bút ký. Phải hiểu vùng đất này từ ngọn nguồn, trong chiều sâu và tính đặc thù của nó. Lúc này trên trang viết không phải chỉ là một Phan Quang nhà báo mà còn là một nhà khảo cứu về xã hội học, kinh tế học và ông thực sự đang bị thu hút với đồng bằng sông Cửu Long:

"Ôi dải đất mới, nơi khai thác muộn mằn nhất của đất nước ta, dải đất ẩn giấu bao nhiêu điều quyến rũ. Một con người học rộng nhìn xa, gót chân từng đặt đến Tây Âu khi cả dân tộc còn sống trong cảnh cửa đóng then cài như Nguyễn Trường Tộ còn phải thốt lên: "Nước ta tất sau này sẽ phát hiện được cái bí tàng của trời đất". Cái bí tàng ấy dần được hiểu ra bằng sức lao động sáng tạo của quần chúng trong nhiều thế kỷ qua. Phan Quang ngay từ bước đầu đã cảm nhận tính chất đa dạng của cảnh và người như xen lẫn nhau giữa cái mới và cũ: "Như vậy đó hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở, giàu có và khó nghèo chen lẫn, đồng bằng sông Cửu Long hiện lên trước mắt ta ngồn ngộn sức sống". Và theo ông, ấn tượng nổi nhất của đồng bằng là sự phì nhiêu và trù phú, miền đất thiên nhiên ưu đãi "hình như cây cỏ ở đây phát triển nhanh hơn, lớn hơn mọi miền khác của đất nước. Và con người thì bộc trực thẳng thắn, sống phóng khoáng tự do, lấy chữ nghĩa chữ tín làm trọng. Họ thích rượu đế, sành ăn thịt chuột đồng, kỳ đà, cá sấu và nhiều người cũng nghiện cà phê, thích uống la-de". Phan Quang đã đặt nhiều tên thích hợp cho các chương: Dải đất đa dạng ẩn giấu nhiều bí tàng của trời đất, Bước chân không mỏi, Cửu Long sông Mẹ và những tặng phẩm của thiên nhiên, Trong cảnh lúa đầy đồng, cá đầy ruộng, Nghĩ về tính cách con người. Đi qua từng chương viết, điều gây ấn tượng vẫn là hình ảnh con người. Phan Quang đã thâu tóm đôi nét vừa thực vừa vui về tính cách người nông dân Nam Bộ:

"Hãy nghe nông dân nói chuyện với nhau. Ngôn ngữ lúc nào cũng đượm vẻ hài hước, tinh tế. Người nông dân gọi túp lều xiêu vẹo đạp một cái đổ của mình là nhà đá, làm ruộng lĩnh canh nay đây mai đó để trấn nợ, trấn thuế là làm ruộng dạo, ngâm mình trong nước khi ngủ cho muỗi khỏi cắn là ngủ mùng nước... Cuộc sống của họ thật phóng khoáng:

Ra đi gặp vịt cũng lùa

Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu.

Viết Đồng bằng sông Cửu Long, Phan Quang đã chú trọng đến yếu tố lịch sử. Miền đất được hình thành từ thời nào và những đổi thay với thời cuộc chính trị ra sao. Nhiều trang viết có cảm hứng lịch sử sâu sắc. Thứ đến, ông chú ý đến tiếng nói của những con số. Dòng sông Mê Kông dài đến 4.200km có lưu vực rộng 795.000km vuông. Hàng năm, với lưu lượng 500 tỷ mét khối nước, đã mang theo và bồi đắp cho đồng bằng 1.000 triệu tấn phù sa. Dường như ở đề tài nào cũng có những con số với tiếng nói khách quan giàu sức thuyết phục qua khảo sát, thống kê, tra cứu. Phan Quang biết dựa vào vốn kiến thức dân gian bù đắp vào kiến thức sách vở. Và cuối cùng là sự quan sát trực tiếp, tự mình đánh giá và rút ra những nhận xét. Tập bút ký Đồng bằng sông Cửu Long hội tụ nhiều yếu tố cơ bản trên và là tập bút ký có giá trị" (Cơ sở lý luận báo chí. Đặc tính chung và phong cách, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2000).

Nhà phê bình Ngô Thảo viết: "Nói đến tầm vóc một nhà báo không thể không căn cứ vào hệ thống đề tài, vấn đề mà người đó hằng theo đuổi. Về mặt này, điều có thể thấy là tác giả Phan Quang đã tập trung sự quan tâm đến các vấn đề lớn, sinh tử của nông thôn và nông nghiệp Việt Nam: Từ khảo sát địa chất, thủy nông, cây trồng đến mô hình tổ chức nông thôn qua các thời kỳ nhằm giúp cho nông nghiệp Việt Nam ổn định, vươn lên, phát huy được thế mạnh của từng vùng, miền. Tác giả cũng là người quan tâm rất sớm đến các vấn đề môi trường sinh thái, phát triển dân số thiếu kế hoạch, không chỉ như một người phản ánh mà còn có những kiến nghị cụ thể. Mấy mươi năm qua, chúng ta đã nói nhiều, viết nhiều, làm rất nhiều cho nông thôn và nông nghiệp, nhưng hình như vẫn còn rất nhiều việc phải viết, phải nói, phải làm ở đây". (Chân dung tự họa của một nhà báo, báo Nhân dân ngày 13-11-1999).

{keywords} 

Nguyên nhân thành công của Đồng bằng sông Cửu Long và cũng có thể nói của thể loại bút ký kinh tế của nhà báo Phan Quang là ở đâu? Có lẽ ít ai có nhiều thực tế để lý giải câu chuyện này bằng nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân, nơi Phan Quang là một tay "lính chiến" suốt 28 năm trời, từ ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội cho đến khi ông được cấp trên điều đi làm nhiệm vụ quản lý báo chí và công tác Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Hoàng Tùng cho biết:

"Trong thời gian làm việc ở báo Nhân dân, Phan Quang là một trong số mấy đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom Mỹ. Anh viết nhiều về nông thôn, nông dân, góp phần to lớn cùng Lê Điền, Hà Đăng, Hữu Thọ và nhiều đồng chí khác phát động các phong trào hợp tác hóa, thâm canh, cuộc vận động thâm canh lúa làm ra năm tấn thóc một hecta một năm, mở rộng nuôi trồng bèo hoa dâu, VAC (vườn rau - ao cá - chăn nuôi gia súc, gia cầm), khoán sản phẩm đến hộ và người lao động..., viết nhiều về các đơn vị điển hình, cuộc sống nông thôn trong ba mươi năm chống Pháp, chống Mỹ.

Ở miền Bắc, anh quen biết cuộc sống, con người gần như khắp các tỉnh. Và nhiều người lãnh đạo lẫn dân thường, nhất là bí thư đảng bộ, chủ tịch ủy ban, trưởng ban nông nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã đều quen thân Phan Quang. Anh còn là người bạn đồng hành của các nhà khoa học, kỹ thuật nông nghiệp như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp, Trịnh Văn Thịnh, Trần Thế Thông, Dương Hồng Hiên, Nguyễn Văn Trương... Người ta ví Phan Quang là một chuyên gia sành sỏi về nông nghiệp và nông thôn. Sự đánh giá ấy không sai chút nào.

Anh viết nhiều thể loại, xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, bút ký. Phong cách làm việc và viết của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học. Sau khi miền Nam giải phóng, anh lại vào miền Nam, đi từ quê anh đất Quảng Trị anh hùng và đau thương đến tận mũi Cà Mau "rẻo đất tột cùng của Tổ quốc" (bài đăng báo Nhân dân ngày 5 và 6/1975). Lại điều tra thâm nhập cuộc sống, tìm hiểu con người, phát hiện nhiều vấn đề. Mỗi chuyến đi là một loạt bài". (Tạp chí Người làm báo, số tháng 1 năm 2000).

Đồng bằng sông Cửu Long không phải là cuốn sách tập hợp một số bài đã đăng trên các báo. Sau hơn bốn năm lặn lội hầu khắp các vùng miền Nam vừa giải phóng, đặc biệt châu thổ sông Mê Kông mà ông vô cùng yêu mến cảnh quan và quyến luyến con người, theo "đặt hàng" của Nhà xuất bản Văn hóa, Phan Quang đã bỏ ra nhiều tháng đọc lại các bài đã đăng, từ những thiên phóng sự in feuilleton suốt 7-8 kỳ trên báo Nhân dân (như Qua những cách đồng thẳng cánh cò bay, Rẻo đất tột cùng của Tổ quốc, Mỏ Cày nôi đồng khởi...) đến những cảm nhận ngắn 1500-2000 từ (Mỗi bước đi càng hiểu thêm đất nước, Vẽ lại bản đồ quê hương1, Phú Quốc đảo giàu, Nam Bộ thừa hay thiếu thóc?...), lật đi dở lại mấy chục cuốn sổ tay ghi chép trên đường và sao trích những điều tâm đắc khi lục tìm tư liệu từ các công trình biên khảo và báo cũ, bao gồm cả một số luận văn cao học chưa được in thành sách lưu chiểu tại Thư viện Tổng hợp đường Lý Tự Trọng - thành phố Hồ Chí Minh, cùng với mấy thùng sách xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 mà ông đã kịp mua gom tại các vỉa hè Sài Gòn và những hiệu sách cũ sau giải phóng chẳng còn được mấy ai ngó ngàng tại những thị trấn xa xôi trên các nẻo đường công tác, từ đó biên soạn thành cuốn Đồng bằng sông Cửu Long với cấu trúc hoàn chỉnh như ta có hiện nay, với một chương kết thúc tạm coi như tổng luận: Nghĩ về tính cách con người2.

Được biết lần tái bản này, do điều kiện thời gian không quá bộn bề như những lần in trước, đành giao phó hoàn toàn cho biên tập viên xuất bản, lần này tác giả đã đích thân đọc soát lại, điều chỉnh một số chi tiết kỹ thuật, và đặc biệt khôi phục các tên riêng nước ngoài cho đúng tên gốc chứ không phiên âm ra tiếng Việt như cách làm thông dụng bốn mươi năm về trước. Một việc tưởng đơn giản hóa ra tốn cũng kỳ công. Các chính khách, tướng lĩnh, học giả, nhà văn nước ngoài đã đi vào lịch sử thì bấm vào bất kỳ cuốn từ điển bách khoa não cũng có thể gặp nhưng các cây bút tuy nổi danh một thời mà nay chẳng mấy ai còn nhớ đến (như trường hợp một số nhà báo nước ngoài viện dẫn trong sách) lại chẳng dễ chút nào. Chỉ còn cách lật lại những trang ghi chép nay giấy đã ố vàng và có tờ bắt đầu mủn để tìm lại tên riêng, nguồn gốc, xuất xứ.

Gần bốn mươi năm đã qua kể từ ngày đất nước hoà bình, thống nhất. Đồng bằng sông Cửu Long cũng như đất nước Việt Nam ta đã có nhiều đổi thay ngoạn mục, đồng thời đứng trước vô vàn thách thức, đặc biệt trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và khi những ai đó thực hiện ý đồ chặn lưu lượng nước sông Cửu Long bằng những con đập lớn ở thượng nguồn. Nhiều thông tin và cảm nhận của tác giả ba, bốn mươi năm trước nay vẫn mang tính thời sự và là một nguồn tư liệu đáng tin cậy, không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu sâu vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long./

Lê Bân


1 Bàn về quy hoạch thủy lợi đồng bằng Nam Bộ.

2 Chương này viết xong đã được đăng luôn bốn kỳ trên báo Nhân dân tháng 7 năm 1979, trước khi đưa vào sách.