Cơ chế chính sách kinh tế của Việt Nam về cơ bản đã tạo lập môi trường cạnh tranh, chống độc quyền, chống bảo hộ mậu dịch theo cam kết quốc tế khi gia nhập WTO và các định chế kinh tế khu vực và quốc tế.

Độc quyền dù núp dưới chiêu bài nào, kể cả cái gọi là "độc quyền tự nhiên" của một vài mặt hàng do doanh nghiệp (DN) nhà nước kinh doanh đều gây tác động tiêu cực đối với trạng thái biến động của thị trường. Nếu kéo dài tình trạng đó sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.

Luật Cạnh tranh được ban hành tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh của các DN trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng độc quyền vẫn được bảo trợ bởi những quan điểm không đúng đắn, như tính đặc thù của ngành, chưa có điều kiện để chuyển sang thị trường cạnh tranh.

{keywords}

Do đó, DN không chịu áp lực đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức kinh doanh, hiệu quả kinh tế suy giảm, người tiêu dùng chịu thiệt do giá cả có xu hướng tăng trong khi chất lượng dịch vụ giảm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và vận hành hệ thống điện của đất nước. Nhưng chủ trương đúng đắn của Chính phủ hình thành thị trường điện cạnh tranh vẫn bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần và phải đến 1/7/2012 mới bắt đầu vận hành. Sau hơn một năm chỉ có 40% xí nghiệp có công suất trên 30KW tham gia.

Hiện nay, về cơ bản, EVN vẫn độc quyền kinh doanh điện. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm lập quy hoạch phát triển ngành điện, EVN có thể tham gia trong quá trình xây dựng quy hoạch nhưng không thể là cơ quan chủ trì vì EVN là một DN có chức năng kinh doanh bình đẳng trước pháp luật như những DN khác trong ngành điện.

Giao cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước lập quy hoạch ngành là lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh của DN.

Ngày 3/9/1997, Chính phủ đã phê duyệt Tổng sơ đồ điện lực giai đoạn 1996-2000 có xét triển vọng đến 2010, với mục tiêu đến năm 2010, đất nước có tổng công suất 19.000 MW, công suất tăng thêm là 15.260 MW. Nhiều dự án chậm được triển khai nên năm 2008, EVN trả lại cho Chính phủ 13 dự án điện.

Kết thúc năm 2010 không thấy Chính phủ và Bộ Công Thương công bố văn bản đánh giá kết quả thực hiện Tổng sơ đồ này. EVN luôn tìm mọi cách tăng giá điện với lý do để có thêm vốn đầu tư, nhưng lập luận như vậy không có tính thuyết phục, bởi ngành điện còn khá nhiều dư địa để giảm giá thành.

Đất nước cần ổn định giá điện để không gây tác động dây chuyền đến giá cả các sản phẩm khác, hơn nữa EVN đang sử dụng một lượng vốn khá lớn để đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành thay vì tập trung vào các dự án điện.

Trong báo cáo cuối năm 2013, Thanh tra Chính phủ công bố EVN đã đầu tư ngoài ngành trên 121.790 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ EVN chỉ hơn 76.742 tỷ đồng, khoản lỗ từ việc đầu tư ngoài ngành tập trung tại 7 công ty 100% vốn của EVN trên 3.648 tỷ đồng.

EVN đã đưa nhiều chi phí vô lý để tính vào giá điện. Bài học đối với EVN là phá vỡ tình trạng độc quyền, đặt đúng vị thế của một DN kinh doanh không được quyền quyết định về việc phát triển nguồn điện cũng như thị trường tiêu thụ điện.

Một thực trạng ở nước ta là cơ quan quản lý giá trực thuộc Bộ Tài chính, trong khi quản lý thị trường về hàng hóa và dịch vụ là chức năng của Bộ Công Thương. Bao giờ những nghịch lý như vậy trong quản lý nhà nước được khắc phục?

Giá cả hàng hóa và dịch vụ có liên quan đến việc phân phối lợi ích giữa người mua và người bán, có tác động điều tiết cung - cầu trên thị trường. Trong khi việc hình thành giá cả phần lớn hàng hóa và dịch vụ đã theo quy luật thị trường, thì một số giá hàng hóa như điện, xăng dầu được hình thành theo cơ chế có sự tham gia của Cục Quản lý giá khi định giá và điều chỉnh giá.

Đã có nhiều bình luận của các chuyên gia kinh tế, chất vấn của các đại biểu Quốc hội, tiếng kêu của người tiêu dùng về giá xăng dầu, giá điện.

Người dân cũng đã chứng kiến cuộc đấu khẩu giữa Bộ trưởng Tài chính, có chức năng quản lý giá và Thứ trưởng Bộ Công Thương, cơ quan chủ quản của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - DN chiếm thị phần lớn nhất về xăng dầu) về việc công khai, chi phí lỗ lãi, quỹ bình ổn giá.

Kết cục, không ai biết sự thật kinh doanh xăng dầu lỗ lãi như thế nào, người dân vẫn phải chịu sự thiếu minh bạch, rốt cuộc xu hướng tăng giá liên tục vượt quá biến động tỷ giá hối đoái.

Thực tế, người dân không cần biết cách tính giá điện, nhưng quan tâm đến việc tăng giá điện, song như một sự mặc nhiên, đến khi trả tiền điện mới biết là mất bao nhiêu tiền, rất tù mù và không hi vọng được sự công bằng.

Các DN chịu lép vế với ngành điện, tăng giá nhưng giảm chất lượng, không đảm bảo cam kết bồi thường theo hợp đồng trong trường hợp mất điện đột ngột gây thiệt hại cho sản xuất và kinh doanh của DN.

Xác định và vận hành giá cả hàng hóa theo nguyên tắc thị trường đang đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng cơ chế thích hợp với từng loại giá cả bảo đảm lợi ích của cả ba đối tượng: nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng; công khai, minh bạch và niêm yết giá từng mặt hàng, dịch vụ để tránh tình trạng lợi dụng đầu cơ nâng giá.

GS.TS Nguyễn Mại/ Theo Doanh nhân Sài Gòn