Lần đầu tiên đến với Sài Gòn, tôi bị hớp hồn ngay bởi những "gã trai" ấy. Chúng cũng như sự năng động của thành phố đầy sức trẻ này trong tâm trí mỗi người khi nghĩ về trái tim của đất phương Nam.

>> 4 vạn cây xanh phủ bóng chiến trường Điện Biên xưa

>> Hàng cổ thụ ven hồ Thủ Lệ trước ngày bị đốn hạ

Những ngày cuối tháng Bảy này, người ta lần lượt đốn hạ hàng chục cây dầu cổ thụ trước cửa nhà hát Thành phố để xây dựng nhà ga ngầm của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Từng thân cây cao vút, cành lá vươn ra như những cánh tay ôm lấy thành phố này, chào đón những người đã đến, đã đi nơi mảnh đất phương Nam...

Nếu như Hà Nội là của sấu, bàng, xà cừ, cơm nguội... thì Sài Gòn dường như là của me và dầu. Có những hàng me cổ thụ, khá lớn, như trên đường Nguyễn Văn Cừ - đoạn gần Trần Hưng Đạo. Còn dầu thì bạt ngàn, như bên đường 3/2 hầu như trước cửa nhà nào cũng có một cây. Những thân cây thẳng đuột, cao vút, gợi đến những "gã trai" hào hoa, trẻ trung, áo xanh quần nâu đóng thùng gọn gàng.

{keywords}
Những mùa hoa dầu

Lần đầu tiên đến với Sài Gòn, tôi bị hớp hồn ngay bởi những "gã trai" ấy. Chúng cũng như sự năng động của thành phố đầy sức trẻ này trong tâm trí mỗi người khi nghĩ về trái tim của đất phương Nam. Chúng hân hoan đón chào, và theo bước  chân tôi đi qua khắp bao con phố của Sài Gòn. Từ Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Nguyễn Du, Pasteur, Huyền Trân Công Chúa... đến đường 3/2, càng đi càng hân hoan dưới cả trăm con mắt xanh cao vút giữa mênh mông đang cúi nhìn mình trìu mến.

Tôi loay hoay tìm một quá nước nhỏ trên vỉa hè trên đường Cao Thắng, dưới những tán lá xòe rộng của loài cây chưa biết tên ấy, hỏi người xe ôm đang đỗ bên cạnh. Ông nói đó chính là chò nâu - một loại cây thuộc họ dầu, cho gỗ và nhựa dầu nên người ta còn gọi là cây dầu.  Người dân Sài Gòn đa phần thích gọi chúng bằng tên gọi cây dầu. Chúng đã có mặt, gắn bó với thành phố này cả mấy chục năm nay, thậm chí tới hàng trăm năm - như cây dầu cổ thụ gần 300 năm tuổi trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

{keywords}
Ảnh: Lương Đình Khoa

Tháng 4, tháng 5, hoa dầu bắt đầu vào mùa nở rộ, ửng đỏ, đung đưa trên những vòm cao. Lúc còn non, hoa có màu hồng pha màu cà phê sữa. Trên phần cuống hoa để lộ ra những hạt non màu xanh có khía tựa như hạt xí muội....

Sang tháng 6 và tháng 7, những trái dầu già bắt đầu khô lại, cánh hoa ngả dần sang màu cánh gián hoặc nâu đất  rồi bắt đầu thả mình rơi ngập trên phố. Hoa dầu có hai cánh lá thật dài, vút cong như hai hai chiếc cánh mỏng tước đôi của bọ ngựa, bám chặt trên một thân lục lăng. Cứ thế nhẹ nhàng buông mình, nhẹ nhàng nương gió. Như chong chóng xoay vòng. Như yêu thương từ đất trời đang phát tán. Rồi chúng rớt xuống hè đường, tựa gót chân xinh đang khiêu vũ nhẹ nhàng giữa nhịp ngày đang hối hả trôi ngang.

{keywords}
Ảnh: Lương Đình Khoa

Có lẽ vì vậy mà hoa dầu được những người trẻ trong thành phố gọi bằng thật nhiều cái tên: Mùa hoa xoay, hoa gió, hoa chong chóng, loài hoa khiêu vũ... Nữ sinh các trường  trung học hay lang thang gom nhặt những bông hoa dầu rồi về leo lên tầng cao thả xuống. Tốp khác thì đứng bên dưới ngước nhìn lên, ngóng hoa rơi, đưa tay, đưa nón, thậm chí vén hết cả vạt áo lên mà đón lấy.

Hóa ra Sài Gòn vẫn có những góc thật nhẹ nhàng, mộng mơ và mềm thơm lòng người như thế. Như hơi thở của mùa. Như vũ khúc của ngày. Như giai điệu diệu kỳ tạo hóa viết trên khuông nhạc của thành phố, để rồi ngân cùng trái tim, níu từng bước chân đã qua, đã đến, đã yêu, đã lặng lẽ ra đi mà còn bồi hồi đợi mong một ngày về lại.

Cô bạn thân  của tôi nhà ở gần ngay Nhà hát thành phố, trên đường Lê Lợi. Bạn nói Sài Gòn đẹp hơn, và những người có tâm hồn biết yêu Sài Gòn nhiều hơn nhờ có cây dầu, có những mùa hoa xoay rơi trên phố như thế. Những hàng cây ấy như lá phổi xanh vươn lên giữa hai mùa mưa nắng, che bóng đi về của cả triệu người dân, thức cùng trăm nẻo buồn vui qua biết bao thế hệ, đời người.

{keywords}
Ảnh: Lương Đình Khoa

Cửa sổ nhà bạn cũng có hai cây dầu lớn đổ bóng che rợp. Nóc của Nhà hát thành phố thấp thoáng ẩn hiện sau những đám mây xanh của lá. Hoa dầu thảnh thơi khiêu vũ giữa không gian, hồn nhiên bay lạc cả vào bên ô cửa sổ phòng bạn.

Bạn điện cho tôi vào một đêm cuối tháng Bảy, khóc tấm tức. Bạn nói từ khung cửa sổ nhà  mình nhìn xuống, giờ thấy trống huơ trống hoác một khoảng, như tấm áo xanh bị ai đó cào xé, rách toạch một mảng lem nhem. Cả gia đình bạn, cả trăm người dân sống ở khu phố ấy cùng buồn, nuối tiếc một khoảng xanh thanh sạch như chiếc áo choàng bình yên dịu dàng cho hơi thở và nhịp sống của họ, cho vẻ đẹp Nhà hát thành phố dang dần mất đi. Tiếng cưa máy xè xè, inh tai, những thân cây cứ đứt lìa từng khúc.

Tôi chỉ biết thở dài cùng bạn...Và dù chưa hẹn ngày trở lại Sài Gòn, tôi cứ mơ hồ sợ... Sợ một ngày trở lại căn nhà của bạn, ánh nhìn của mình sẽ hụt hẫng rơi tõm giữa khoảng không xuống những đám đông ồn ào của một nhà ga hiện đại, nườm nượp lại qua chẳng phút dừng chân những nhịp đời toan tính...

Lương Đình Khoa

Bài cùng tác giả:

Nếu một ngày, Hà Nội không còn cầu Long Biên

Nếu một ngày, HN không còn cầu Long Biên, thì nối hai bờ sông Hồng sẽ chỉ còn khoảng trống hụt hẫng, dù những cây cầu khác thay nhau mọc lên.

Món ăn mang tên 'vô cảm'

Bình minh của phố bị đánh cắp bởi những tiếng rao báo oang oang, rè khàn từ những chiếc xe đạp cà tàng rong qua khắp các ngóc ngách, vỉa hè.