Trên Facebook, người dùng luôn thấy người khác được hưởng thụ nhiều hơn mình và dễ sinh cảm giác đố kị hay chán nản với bản thân.

LTS: Xung quanh câu chuyện có nên bỏ Facebook đã có rất nhiều quan điểm khác nhau. Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Mỹ Hạnh để độc giả cùng tranh luận.

Tháng 7 vừa rồi, bài viết “Vì sao tôi bỏ Facebook” của tác giả Chris Chan trên trang Linkedin đã khiến Facebook bồn chồn lo lắng. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ ủng hộ quan điểm của Chris Chan và để lại những bình luận “rủ” nhau bỏ Facebook. Và dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu facebook có đang bị người dùng tẩy chay?

Lí do của việc quay lưng bỏ đi…

Không phải tự dưng người dùng lại “dứt áo ra đi” với một công như Facebook. Người dùng đã ngày càng mệt mỏi với những gì diễn ra trên mạng xã hội này. Thay vì giải trí, họ lại dễ bị trầm cảm, xì-trét vì hàng loạt trào lưu “đánh bóng bản thân” trên Facebook. Những thông tin được cập nhật trên bảng tin của Facebook không chỉ khiến người dùng lãng phí thời gian bổ ích, giảm chất lượng làm việc mà còn gây nên những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống.

Thật dễ hiểu khi người ta muốn chia sẻ những hình ảnh hạnh phúc của mình trên mạng xã hội. Nhưng dần dần, việc chia sẻ này đã bị biến tướng đi thành các cuộc chạy đua khoe khoang của cải. Nhiều đàn ông thường tự đánh bóng bản thân bằng cách kể những thành tích mà họ đạt được trong công việc, sắm nhà cửa, xe hơi, có bạn gái đẹp... Trong khi phụ nữ thì lại thích khoe họ xinh đẹp, được tặng những món quà xa xỉ, đi ăn ở nhà hàng sang trọng, ngồi trên những chiếc xe đắt tiền…

Trên Facebook, người dùng luôn thấy người khác được hưởng thụ nhiều hơn mình và dễ sinh cảm giác đố kị hay chán nản với bản thân. Nhưng bên trong, họ chẳng bao giờ hiểu được góc khuất của bạn bè mình là như thế nào. Đó chính là lí do khiến Facebook đưa mọi người đến với nhau, nhưng lại không được gần nhau.

 Để rồi sau đó, lối sống “ảo” xuất hiện và như một con virus, dễ dàng lây lan từ người này sang người khác mà bản thân người dùng không ý thức được. Có những người còn tìm cách “mượn” hình ảnh của người khác xây dựng một cuộc sống giả cho bản thân, tạo nên một bức tranh hào nhoáng và đắm chìm trong ảo giác đó.

Cứ cách ít lâu lại có một vụ “tố nhau” của cư dân Facebook như: cô gái tố bạn thân bỏ thuốc mê vào nước cam, bạn trai bị tố xin tiền ăn bám, chị vợ tố em đánh vợ con, bạn gái tố bạn trai chia tay đòi quà.... Dường như việc “vạch áo cho người xem lưng” trên Facebook đã ngày càng thường xuyên, không còn xa lạ.

Thêm vào đó là các trào lưu chế ảnh, tung hô các khẩu hiệu, lạm dụng từ ngữ hay các dòng trạng thái tràn ngập tiếng chửi mắng, nói bậy, gây sốc...  Điều đáng nói là nhiều người dùng lại không nhận ra được những tác hại của nó mà tiếp tục chạy theo, cổ súy cho những hành động đó.

{keywords}
Ảnh minh họa

Không những vậy, Facebook đã thực sự biến thành một thị trường và trở thành một công cụ kiếm tiền nhiều hơn là để giải trí. Giờ đây, trên bảng tin, người dùng không còn dễ dàng cập nhật những thông tin hữu ích nữa mà thay vào đó là hàng trăm tin rác và các hình ảnh quảng cáo.

Theo thời gian, Facebook đã để lại hàng loạt những hệ lụy cho người sử dụng, khiến họ lãng phí thời gian, mất đi sự quan tâm của mọi người, dễ bị bi quan hơn, các mối quan hệ dễ đi theo chiều hướng xấu, bị làm phiền bởi hàng tấn quảng cáo… Dĩ nhiên, nhiều người trong số họ đã phải từ bỏ Facebook.

Bản chất của vấn đề

Tuy nhiên, bản chất vấn đề ở đây không phải do Facebook mà xuất phát từ cách sử dụng Facebook của người dùng. Chính việc lạm dụng Facebook đã khiến bộ mặt xã hội xấu đi và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dùng. Mọi người dành quá nhiều thời gian để vào Facebook mỗi ngày, đăng tải bất cứ điều gì họ nghĩ trong đầu, chụp ảnh ở khắp mọi nơi, trả lời tin nhắn ở chỗ này, chỗ kia và tạo thành một vòng quay bất tận: kiểm tra tin nhắn, chờ đợi, trả lời, lên Facebook dù không có bất cứ điều gì mới.

Do đó, nhận thức của người dùng là thứ duy nhất cứu họ khỏi các hệ lụy khi dùng trang xã hội toàn cầu này. Họ phải kiểm soát lại hành động của mình và nghĩ kĩ trước khi làm.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Facebook đã trở thành một thế giới mà con người đã và đang sống trong đó. Bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia, kết quả khảo sát của Pew tại Mỹ cho thấy số lượng người truy cập Facebook ngày càng tăng. Facebook cũng từng công bố số liệu cho thấy có đến 1,6 tỉ người dùng Facebook trên thế giới đăng nhập vào trang mạng xã hội này ít nhất 1 lần/tháng, bao gồm cả hàng triệu tài khoản giả mạo và có trên 150 triệu người ở Mỹ dùng Facebook. Với từng đó con số ấn tượng, có vẻ Facebook khó mà suy tàn.

Ngày nay, rất nhiều người dùng trao đổi thông tin và làm việc trên Facebook. Họ lập các nhóm riêng tư để bàn bạc công việc, lưu trữ dữ liệu, tán gẫu, dạy nhau học, kinh doanh và thông báo cho nhau những tin quan trọng. Facebook không đơn thuần là nơi để kết bạn, chia sẻ cuộc sống cá nhân nữa, mà đã trở thành “văn phòng làm việc” của mọi người.

Facebook vẫn là thế giới ảo, nhưng nó cũng chứa rất nhiều những thông tin hữu ích cần chúng ta chắt lọc. Một người dùng khôn ngoan sẽ thấy được mặt mạnh của nó ở đâu để sử dụng nó một cách văn hóa. Mọi sự vật đều có hai mặt nên ta phải dùng nhận thức để tạo ra sự hiệu quả.

Mỹ Hạnh

Điều gì đang xảy đến với đế chế của Mark Zuckerberg?

Việc từ bỏ Facebook không còn là chuyện hiếm hoi. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tình trạng này đang diễn ra ở hầu hết mọi nơi. Ngay sau khi trở thành tiêu điểm của dư luận, ngày 16/7, Chris Chan tiếp tục đăng tải một bức thư gửi tới CEO Mark Zuckerberg. Ông chia sẻ rằng: “Sẽ không bao giờ tôi có suy nghĩ bài viết của tôi lại thu thập được gần nửa triệu lượt xem trong một tuần, với hơn 10.000 lượt chia sẻ trên LinkedIn và hàng ngàn người theo dõi. Thật thú vị và cũng trớ trêu thay, hơn 5.000 người dùng Facebook lại thích bài viết đó. Tôi biết những gì tôi nói đang rất được quan tâm”.

Trong một cuộc điều tra của phóng viên trên internet, ít nhất 57% người dùng cho biết họ muốn từ bỏ Facebook và đã từng thử làm điều này. Theo đó, những người không phụ thuộc nhiều vào Facebook, có số lượng bạn bè khiêm tốn, ít chia sẻ thông tin cá nhân của mình hay ít tham gia vào các cuộc bình luận, thường dễ dàng dứt khỏi Facebook hơn. Tuy nhiên, đây lại là số lượng nhỏ và chỉ chiếm khoảng 14%.

Số lượng người dùng muốn từ bỏ Facebook còn lại thì không hành động dễ dàng như vậy. Họ thường thử khóa tài khoản Facebook tạm thời. Nhưng lại “tái nghiện” và quay trở lại dùng trong một thời gian ngắn. Có nhiều người khôn ngoan hơn, đã tìm cách hạn chế việc truy cập Facebook của mình như: tìm cách chặn Facebook trong máy tính, hạn chế thời gian vào Facebook mỗi ngày, hạn chế bình luận, chia sẻ thông tin cá nhân hay tham gia vào  mạng xã hội khác.