Để dung hòa được tính hiện đại và truyền thống, chúng ta không cần đao to búa lớn, hãy cứ để xã hội tự vận hành theo các quy luật dung nạp và đào thải.

Tháng tám có chiếu Vua ra

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng

(Ca dao)

Thông tin ĐH Cửu Long và một vài trường khác cấm cán bộ, giáo viên và SV mặc quần Jeans tới trường - hiện đang gây ra nhiều luồng ý kiến, thực chất không phải chuyện mới lạ ở Việt Nam. Chính xác ra thì đây cũng chỉ là một cái "cấm" trong muôn vàn những thứ bị "cấm"  từng có tiền lệ.

Trong nhiều cái cấm đó, tôi đặc biệt quan tâm đến việc cấm mặc quần Jeans, một thứ mà tôi cho rằng rất đẹp và ấn tượng, vốn được ưa chuộng bởi nhiều thế hệ thanh niên người Việt.

Từ 5x đến 8x ai chẳng biết thương hiệu Levi's. Thế mà bây giờ các em 9x phải ngậm ngùi nhìn những thứ đồ đẹp đẽ này được mặc bởi Ma-nơ-canh trong các cửa hiệu.

Nhớ lại quãng thời gian học ĐH, tôi bỗng dưng muốn được cảm ơn thêm một lần nữa những Lãnh đạo của ĐH Tổng Hợp hơn 20 năm về trước có lẽ vì quan tâm đến "nội dung" hơn là "hình thức" nên đến tận bây giờ hình ảnh về một cô bạn cùng lớp với những chiếc quần Jeans rất "phủi" vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của chúng tôi như là một kỷ niệm đẹp và tích cực.

{keywords}

Giá trị của nhà trường không phải được quyết định bởi cán bộ và sinh viên mặc cái gì.


Nếu bạn tra Google thì trong khoảng 0,24 giây, có đến 21.900.000 kết quả liên quan đến từ "cấm" - vượt xa gần chục lần khi so sánh với Đàm Vĩnh Hưng (3.290.0000), hay Ngọc Trinh (2.230.000), những người nổi tiếng và cũng chính là đối tượng thỉnh thoảng bị áp dụng chữ cấm này trong hoạt động nghệ thuật.

Chúng ta đã từng ngăn sông, cấm chợ và cấm tất cả những gì con người nghĩ trái hay làm trái. Có lẽ việc cấm dễ dàng hơn rất nhiều so với việc suy nghĩ, bàn bạc và tìm ra những giải pháp mang tính đồng thuận cho các vấn đề nảy sinh trong quá trình quản trị nhà nước và xã hội, cho nên để đảm bảo sự ổn định thì bất cứ chuyện gì ta không hiểu hoặc cảm thấy rủi ro và để khỏi phải chịu trách nhiệm sau này.

Cứ cấm hết là yên tâm nhất.

Lối tư duy vận hành xã hội chủ yếu bằng công cụ cấm đã hằn sâu, nên việc hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền, có vẻ đang gặp phải rất nhiều trở ngại không những bởi sự hiểu biết và tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân còn rất yếu mà còn bởi sự cẩu thả, ấu trĩ và tùy tiện của một số người làm quản lý, và ban hành chính sách.

Trở lại việc ĐH Cửu Long ban hành quy định "cấm" cán bộ, giáo viên, sinh viên không được mặc quần Jeans khi đến trường, tôi thấy thương cho các em sinh viên thì ít mà thấy bất bình hộ những cái quần Jeans kia thì nhiều.

Giá như chúng là sản phẩm của người Việt! Giá như chúng được sinh ra ở thời phong kiến và bị hy sinh như những chiếc váy của phụ nữ Bắc Hà vì mục đích thống nhất sắc phục trên cả nước của Vua Minh Mạng thì đã là một nhẽ. Đằng nay chúng được sinh ra ở thế giới văn minh, được phụ nữ trên cả thế giới ít nhiều ưa chuộng và theo quan điểm của tôi, chúng không hề phản cảm chút nào!

{keywords}
SV Đại học Cửu Long trước ngày cấm quần jeans, dép lê. Ảnh: Quốc Huy

Không có điều kiện tìm hiểu xem liệu trước khi ban hành các quy định này, Lãnh đạo ĐHCL có đảm bảo các nguyên tắc quản trị và đặc biệt là có nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan không, nhưng quả thực tôi rất thắc mắc về nguyên nhân cũng như động cơ của một hoặc vài người đã đưa việc cấm quần Jeans vào trong quy định? Phải chăng họ sợ cái đẹp và nếu vậy thì tại sao họ phải sợ? Còn nếu họ cho rằng quần Jean xấu quá (như cái váy thời Minh Mạng) hoặc phản cảm quá thì cá nhân tôi cho rằng mấy vị này chắc con mắt thẩm mỹ có vấn đề(!)

Ngày xưa, các trường học thường yêu cầu học sinh mặc đồng phục với mục đích chính là tạo ra sự bình đẳng trong môi trường học tập. Ngoài đời cho dù bạn là con nhà ai, giàu hay nghèo nhưng khi đã vào lớp học thì chúng ta bình đẳng như nhau (về mặt lý thuyết).

Rất tiếc là tinh thần cao quý đó ngày nay đã bị biến tướng đi nhiều. Thay vì vai trò tạo ra sự bình đẳng, các bộ đồng phục thời nay mang nặng tính thương mại - đó chính là nhận diện thương hiệu của mỗi ngôi trường. Có lẽ cũng vì tính nhận diện thương hiệu này mà một số trường ĐH - nơi không thể bắt các sinh viên mặc đồng phục, muốn xây dựng một loại hình nhận diện thương hiệu khác bằng cách cấm một số thứ trong đó có việc mặc quần Jeans chăng?

Để bảo vệ thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa của mình, chúng ta cần có những biện pháp tổng thể, đồng bộ và dài hạn để các giá trị đó mạnh lên, thậm chí quay lại gây ảnh hưởng lên các nền văn hóa khác - giống như những gì người Hàn Quốc đang làm. Bảo vệ mình bằng biện pháp cấm, chưa bao giờ thành công và được cho là sáng suốt.

Trong thế giới hiện đại, nơi mà tiến trình Toàn cầu hóa và CNTT đang làm cho phẳng hơn bao giờ hết, cuộc sống của chúng ta đang càng ngày phụ thuộc lẫn nhau. Khi các khác biệt về không gian, địa lý đang càng ngày được thu hẹp, thì sự giao lưu và ảnh hưởng của các luồng văn hóa trong đó có các xu thế thời trang là điều tất yếu.

Để bảo vệ thuần phong, mỹ tục và các giá trị văn hóa của mình, chúng ta cần có những biện pháp tổng thể, đồng bộ và dài hạn để các giá trị đó mạnh lên, thậm chí quay lại gây ảnh hưởng lên các nền văn hóa khác - giống như những gì người Hàn Quốc đang làm. Bảo vệ mình bằng biện pháp cấm, chưa bao giờ thành công và được cho là sáng suốt.

Sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành thời trang thế giới phản ánh rất rõ nhu cầu rất lớn của con người trong việc làm đẹp và được mặc đẹp.

Đồng ý rằng "nhập gia tùy tục" cho nên việc ăn mặc còn phải phù hợp với văn hóa và bối cảnh, môi trường cụ thể. Chuyện các GS ở Úc mặc quần short lên giảng đường có thể rất bình thường ở nước họ, nhưng lại không hợp lý lắm ở nước ta, vì vậy nếu chúng ta cố tình áp đặt các tiêu chí chuẩn cho ăn mặc là phi lý và nực cười. Tính sáng tạo của nhân loại có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu như ai cũng mặc Sơ mi và quần ống đứng.

Để dung hòa được tính hiện đại và truyền thống, chúng ta không cần đao to búa lớn, hãy cứ để xã hội tự vận hành theo các quy luật dung nạp và đào thải.

Nếu một cô gái hay một nhóm các cô gái trẻ thích một dòng thời trang nào đó được xem là nổi loạn thì cứ để họ thử. Nếu xã hội đủ sức dung nạp nó thì tự khắc nó sẽ tồn tại, còn một khi xã hội không chấp nhận thì không ai dại gì cứ tiếp tục mặc một thứ mà hầu hết mọi người xung quanh cho là kệch kỡm, kì dị.

Nếu lỡ phải cấm - lại là cấm, dù ở cấp độ nào, thì trước khi cấm, những người có quyền ban hành những quy định cấm này, xin tuân thủ các nguyên tắc trong quản trị để đảm bảo tính đồng thuận và minh bạch. Lòng trắc ẩn, sự tử tế hay những thứ đại loại như thế không nên có chỗ đứng trong quá trình ra quyết định để rồi được mang ra giải thích một khi gặp vấn đề trong quá trình triển khai thực hiện.

Mong rằng, những chiếc quần Jean sẽ nhanh chóng xuất hiện lại trong khuôn viên đại học, không phải chỉ vì nó đẹp và còn để chứng minh cho tinh thần cầu thị của Lãnh đạo nhà trường. Để sinh viên của trường cảm thấy tự hào vì mình đang được học tập và nghiên cứu trong một môi trường giáo dục khai phóng và không bị hạn chế về không gian sáng tạo.

Bởi vì giá trị của nhà trường không phải được quyết định bởi cán bộ và sinh viên mặc cái gì, xin hãy trả lại sự tự do cho những chiếc quần Jeans!

  • Trần Văn Tuấn

Xem bài cùng tác giả:

Người Việt định kiến?

Ngoài sàn chứng khoán Nairobi Stock Exchange (NSE). Nairobi là một thành phố năng động, xếp thứ 12 tại Châu Phi về độ lớn với diện tích khoảng 630 km2 và dân số gần 4 triệu người.

Vì sao TQ được coi là 'Người bạn lớn'?

Làm ăn với TQ, các lãnh đạo châu Phi không cảm thấy mình bị quản lý/ kiếm soát ngặt nghèo giống như khi làm ăn với Phương Tây.