Khi thể hiện một hành động nào đó, chúng ta phải rất cẩn trọng, xem xét kỹ càng và cân nhắc về thời điểm, hoàn cảnh bởi vì một hành động đối với bản thân ta cho là bình thường, nhưng đối với dân tộc khác đó có thể là một sự xúc phạm văn hoá.

LTS: Sự kiện ban nhạc F Band dùng khăn Piêu đóng khố đã gây ra những tranh cãi lớn về cách thực hành văn hóa và thái độ với văn hóa. Để tôn trọng tính đa chiều thông tin, chúng tôi tiếp tục đăng ý kiến của tác giả Trần Thông và những khác biệt và xung đột trong thực hành văn hóa.

Những ngày vừa qua, dư luận ồn ào về một chương trình truyền hình thực tế trong đó,  nhóm nhạc dự thi dùng khăn Piêu - vốn là một biểu tượng văn hoá linh thiêng của người dân tộc Thái làm chiếc khố.

Đáng nói là chương trình được phát sóng trực tiếp trên cả nước vào khung giờ vàng (21h) nên chi tiết này vấp phải nhiều phản ứng.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hoá, việc dùng khăn Piêu làm khố là một biểu hiện cho thấy sự kém cỏi về kiến thức văn hoá nếu không muốn nói là phản văn hoá.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam: "Không thể lai căng bằng cách dùng chiếc khăn đội đầu của dân tộc này biến thể thành chiếc khố của dân tộc khác. Tôi không hiểu họ nghĩ gì khi kết hợp như vậy? Câu chuyện quanh chiếc khăn Piêu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là thước đo đánh giá người phụ nữ tài hoa siêng năng hay vụng dại, lười nhác, mà chiếc khăn Piêu còn là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai người dân tộc Thái."

Linh Nga Niê K'Đăm, nhạc sĩ người Ê đê chuyên nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên cho rằng: "Chiếc khố này chính là khăn Piêu. Tôi thấy chúng còn nguyên cả những nút thắt bằng vải ở đầu khăn. Ở góc độ người thiểu số, tôi thật sự sốc khi thấy khăn Piêu, một trong những hiện vật của văn hóa Thái, bỗng bị biến thành chiếc khố. Tuy vậy, với tư cách là khán giả, tôi có thể thông cảm cho sự liều lĩnh này bởi các bạn trẻ ấy có hiểu gì về giá trị văn hóa của người dân tộc thiểu số miền núi đâu."

Qua sự cố của F Band cho ta thấy rằng, việc trau đồi kiến thức văn hoá các dân tộc đóng vai trò quan trọng với mỗi người. Khi thể hiện một hành động nào đó, phải rất cẩn trọng, xem xét kỹ càng và cân nhắc về thời điểm, hoàn cảnh bởi một hành động mà ta cho là bình thường, nhưng với dân tộc khác có thể là một sự xúc phạm văn hoá.

Có thể đưa ra một số dẫn chứng thực tế nhằm chứng minh cho điều này.

Với người Ấn Độ, bò là một con vật rất được tôn trọng trong văn hoá nước này.  Việc ăn thịt bò  với các dân tộc khác được cho là bình thường nhưng đối với người Ấn thì đó là một sự xúc phạm, sự phỉ báng văn hoá nếu điều đó diễn ra ngay trên đất nước họ.

Đối với ngư dân ở các vùng biển, cá Ông (hay còn gọi là cá voi) là con vật có ý nghĩa văn hoá và tâm linh rất lớn, nên vì vậy mà người ta cấm ăn thịt cá Ông. Nếu việc làm thịt cá voi được diễn ra trên chương trình truyền hình quốc gia hay tại nơi có các ngư dân vùng biển sinh sống thì đó chắc chắn là một sự xúc phạm văn hoá đối với họ.

Trở lại với sự cố của nhóm F Band. Đồng tình với nhạc sĩ Linh Nga Niê K'Đăm, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho nhóm vì họ còn trẻ nên chưa thể hiểu biết hết văn hoá các dân tộc khác. Họ cũng chỉ là những thí sinh dự thi nhờ BTC lựa chọn trang phục cho mình. Hơn nữa, ngay sau khi phát hiện phản ứng tiêu cực của dư luận, nhóm đã chủ động đưa ra lời xin lỗi và xin chấp nhận một phần trách nhiệm trên Fanpage của nhóm.

Chung quy rằng, sự cố trên xảy ra lỗi lớn nhất thuộc về BTC. Lẽ nào trong việc chọn trang phục cho thí sinh, người ta lại không phát hiện ra chiếc khăn Piêu? Hơn nữa "Chiếc khăn Piêu" còn là một sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Doãn Nho và từng được đoạt giải Bài hát yêu thích năm 2012.

Một khía cạnh khác cần nhận diện, đó là  những người làm công tác truyền thông đóng vai trò không nhỏ trong việc truyền bá, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Nói cách khác, họ cũng là những người làm văn hoá. Công việc của họ là đưa những sản phẩm văn hoá đến với công chúng bằng hình thức truyền thông. Vì vậy mà việc trau dồi kiến thức văn hoá với họ lại càng trở nên quan trọng. Đáng lẽ, chương trình lên sóng quốc gia đòi hỏi sự kiểm duyệt từng khâu rất chặt chẽ.

Hơn lúc nào hết, ban tổ chức chương trình Nhân tố bí ẩn cần phải nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi đến cộng đồng người dân tộc Thái về sự việc rất đáng tiếc này. Và ban tổ chức chương trình cũng cần phải xem xét lại các khâu kiểm duyệt cũng như trình độ của đội ngũ làm công tác truyền thông của mình.

Sự cố xảy ra trong chương trình Nhân tố bí ẩn, cũng là bài học kinh nghiệm cho các chương trình truyền hình khác.

Cần phải có sự xem xét, kiểm duyệt thật kỹ càng từ các khâu đối với bất kỳ chương trình, tiết mục nào nhất là những chương trình, tiết mục được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia. Ngoài ra cũng cần phải coi trọng việc bồi dưỡng, trau đồi kiến thức về văn hoá vùng miền, các dân tộc cho đội ngũ làm công tác truyền thông, vì họ đóng vai trò không nhỏ trong việc đưa những sản phẩm văn hoá đến với công chúng.

Hy vọng rằng sau sự cố phản văn hoá trong chương trình Nhân tố bí ẩn, khán giả sẽ không còn phải chứng kiến những hình ảnh phản cảm, xúc phạm văn hoá nào nữa xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia nữa.

Tham khảo:

"Lấy khăn Piêu đóng khố lên truyền hình: Người Thái cần lời xin lỗi" http://vtc.vn/lay-khan-pieu-dong-kho-len-truyen-hinh-nguoi-thai-can-loi-xin-loi.13.511440.htm

2. "Lấy khăn Piêu đóng khố: Cần xin lỗi trên truyền hình" http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/202071/lay-khan-pieu-dong-kho-can-xin-loi-cong-khai-tren-truyen-hinh.html

3. "Tiết mục X-Factor phản cảm vì biến tấu khăn Piêu thành khố" http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/truyen-hinh/tiet-muc-x-factor-phan-cam-vi-bien-tau-khan-pieu-thanh-kho-3093482.html
Trần Thông

Trần Thông