Nếu nghị sỹ lạm dụng nó để có những lời nói quá khích, vượt ra mọi khuôn khổ cho phép, nghị viện sẽ trừng phạt cá nhân nghị sỹ đó như trừ lương, không cho phát biểu, mời ra khỏi phiên họp.

Đã có thời, ĐBQH mỗi lần phát biểu đều phải viết ra giấy, duyệt rồi mới đọc. Tình trạng như vậy đến nay đã lùi sâu vào dĩ vãng. Nhưng lại xuất hiện những bài phát biểu do người khác viết sẵn đưa cho đọc.

Vẫn còn nhiều ĐB ngại nói, thậm chí có người cả kỳ họp không một lần lên tiếng. Lại có những ĐB khác thì phát biểu chung chung, dàn trải, vô thưởng vô phạt. Phát biểu như vậy làm không khí nghị trường trầm lắng, nhưng cũng thật ầm ĩ khi không ít đại biểu nói những lời “như đùa”, vô bổ, thiếu thận trọng, hoặc chưa thật hiểu những gì họ nói, thậm chí còn trái luật, xúc phạm, tổn thương người khác.

Vậy thì lời ăn, tiếng nói chốn nghị trường cần điều chỉnh thế nào cho xứng với trách nhiệm chính trị mà cử tri đã trao?

Tiếc nuối nhất là không được nói ở QH

Trước hàng loạt sự cố phát ngôn ở nghị trường tuần qua, người viết không khỏi không nghĩ đến câu "im lặng là vàng”. Im lặng để không làm lãng phí thời gian của mình, của đồng nghiệp, của Quốc hội và cử tri. Nhưng ở nghị trường, không hẳn lúc nào cũng nguyên tắc “im lặng” đó, mà ngược lại cần nói rất nhiều, nói vì cử tri, nói cho cử tri.

{keywords}
Ảnh: MInh Thăng

Phẩm chất đầu tiên của ĐB là gắn bó với cử tri để nói lên tiếng nói cử tri. Mỗi ĐBQH khi bước chân vào nghị trường đều biết, mình có mặt ở đây là do cử tri bầu ra, thay mặt cử tri bàn và quyết những chuyện quốc kế, dân sinh như đã từng hứa khi vận động bầu cử.

Như bà Phạm Thị Loan, ĐBQH khóa XII trả lời báo giới: “Trách nhiệm của mình là nói, để cùng tìm ra những bất cập, chưa thuận, cùng tìm giải pháp”.

Hoặc trong một khóa tập huấn, bà Dương Thu Hương, ĐBQH khóa XI đã chia sẻ với đồng nghiệp khóa mới: “Từ khi nghỉ, điều tôi tiếc nuối nhất là không còn được nói tại Quốc hội. Vì không ở đâu mà những điều tôi nói lại tác động mạnh đến công việc chung như vậy. Các anh chị có dịp thì cố gắng nói, đừng ngại, đừng bỏ phí cơ hội lớn như thế”. Với những vấn đề phức tạp không thể nói một lần, nhiều khi phải thuyết phục từ kỳ này qua kỳ khác.

Dám nói rồi, nhưng làm sao để nói được ở Quốc hội, nhất là với các ĐBQH trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Câu trả lời là học hỏi.

Một ĐBQH khóa XII cho biết: “Ngay từ bài phát biểu đầu tiên tôi không cho phép mình dễ dãi”. Cô nghiên cứu kỹ tài liệu, ý kiến cử tri, tham khảo từ các nguồn, nhờ chuyên gia tư vấn, nhờ người đi trước chỉ bảo từng cử chỉ, hành động khi phát biểu. Nói xong rồi, lại nhờ các đại biểu thân thiết khác nhận xét góp ý. Một ĐBQH trẻ khác thì lắng nghe, đọc lại những bài phát biểu, chất vấn của người khác để học hỏi.

Với ĐBQH, quan trọng là đừng bao giờ đứng trên vị thế cá nhân mà hãy suy nghĩ cho cử tri đang đại diện. Ở vị trí đó mới thể hiện được trách nhiệm của mình.

Từng làm ĐBQH và HĐND nhiều khóa, bà Phạm Phương Thảo kể: “Với những bức xúc và ý tưởng của dân, tôi thường nhập tâm và đọng lại được, chứ không để trớt trớt ra. Điều này thôi thúc tôi phải tìm hiểu xem người dân đang tâm tư vấn đề gì, có đơn đặt hàng nào với chính quyền hay không. Đâu là vấn đề nóng, có tính phổ biến... Cứ như vậy, chủ động bắt mạch cuộc sống”.

Tranh luận không đồng nghĩa với thóa mạ

Như nhiều ĐBQH đúc kết, ở Quốc hội nói có tinh thần xây dựng, đừng bao giờ đặt vấn đề thắng - thua. Dĩ nhiên nhiều ĐB muốn được như ông Nguyễn Minh Thuyết, “chất vấn gai góc, nhưng mà hiền” hay “nhiều khi trong suy nghĩ thì mình bất bình đấy, nhưng khi nói mình không được thể hiện thái độ quá”. Vấn đề có thể rất gai góc, nhưng phong thái vẫn giữ điềm đạm, bình tĩnh.

Tuy nhiên, trách nhiệm chính trị trước cử tri đã bầu ra mình cũng đòi hỏi nhiều khi ĐB phải nói thẳng về những vấn đề của cuộc sống, cho dù có thể làm người khác mất lòng. ĐBQH khóa XII Phạm Thị Loan ví von: “Cứ lúc nào cũng hát ngọt cho nhau nghe thì dễ quá. Dám nói lên sự thật thì nhiều khi không êm tai, nhưng nếu không toát lên sự thật thì liệu bao giờ có sự điều chỉnh, thay đổi?”.

{keywords}
Câu chuyện tranh luận của ĐB Hoàng Hữu Phước và ĐB Trương Trọng Nghĩa cho thấy nhiều vấn đề trong văn hóa nghị trường.

Sự gay gắt có thể được chấp nhận nếu đằng sau đó là nỗi niềm chính đáng của cử tri và ẩn chứa sức mạnh của sự thật. Hơn nữa, kinh nghiệm chung của các ĐB thẳng thắn là chưa bao giờ đi đến mức căng thẳng, “không nhìn mặt nhau được nữa”.

Đặc thù của Quốc hội là tranh luận. Qua tranh luận chân lý sẽ dần sáng tỏ để có những quyết sách đúng đắn vì lợi ích chung. Tranh luận có thể diễn ra ôn hòa, có thể gay gắt. Tuy nhiên, sự gay gắt trong tranh luận, nhất là ở nghị trường không bao giờ đồng nghĩa với sự thóa mạ, hạ nhục tổn thương người khác.

Ngay cả khi tranh luận về quan điểm trên trang blog cá nhân, cử tri cũng khó chấp nhận những từ ngữ như: mông muội, ngu muội, một mớ hỗn độn và hỗn loạn, ngậm miệng lại – “những lời lẽ nặng nề phản cảm, chợ búa để phỉ báng nhau”. Hơn nữa, ĐBQH khi giữ gìn lời ăn tiếng nói cũng là giữ gìn tư cách đại biểu, danh dự Quốc hội.

Ở hầu hết các nước, nghị sỹ được hưởng đặc quyền không phải chịu trách nhiệm dân sự (không bị kiện) về những lời phát biểu chính thức của nghị viện về các vấn đề chính sách công. Đặc quyền này nhằm tạo điều kiện cho nghị sỹ tự do phát biểu ở nghị viện, không phải lo ngại sẽ bị kiện.

Theo lời một GS người Anh, nếu thiếu quyền này, nghị viện chỉ là “một CLB tranh luận lịch sự nhưng kém hiệu quả”. Toà án Tối cao Úc tuyên bố, đặc quyền này tồn tại không phải vì lợi ích của bản thân nghị sỹ, mà để bảo vệ quyền lợi chung của công chúng.

Mặc dù vậy, đặc quyền này không có nghĩa nói gì thì nói.

Để tránh sự lạm dụng, các quy tắc ứng xử trong hoạt động nghị trường được đặt ra, ví dụ như giới hạn của sự tranh luận, sự tôn trọng đối với đồng nghiệp và Chủ tọa, sự tuân thủ nội quy làm việc. Nếu nghị sỹ lạm dụng nó để có những lời nói quá khích, vượt ra mọi khuôn khổ cho phép, nghị viện sẽ trừng phạt cá nhân nghị sỹ đó như trừ lương, không cho phát biểu, mời ra khỏi phiên họp.

Sức ép lớn hơn đến từ báo chí, công luận, và nhất là cử tri sẽ thất vọng với lời ăn tiếng nói, sẽ không bầu cho nghị sỹ lần sau. Đồng thời, mỗi nghị sỹ cũng tự đặt ra cho mình những giới hạn. Trách nhiệm chính trị trên cương vị một người do dân bầu làm cho nghị sỹ ăn nói cẩn trọng hơn, cả ở trong và ngoài nghị trường.  

Như vậy, ở Quốc hội, nói là vàng. Bởi lẽ Quốc hội là một diễn đàn lớn nhất của đất nước, mỗi phút đều rất quý. Quý bởi chi phí bỏ ra để tổ chức kỳ họp và những hoạt động khác của Quốc hội lấy từ tiền người dân đóng thuế để có ngân sách quốc gia. Nhưng quý hơn ở chỗ, nghị trường là nơi bàn và quyết những vấn đề lớn của đất nước. Cử tri bầu ra ĐB để nghe được những lời vàng, ý ngọc, thúc đẩy giải quyết những vấn đề đó.

  • Nguyên Lâm

Xem thêm bài cùng tác giả:

Làm chiếu lệ sẽ đẩy dân xa chính quyền

Nếu chính quyền mời công dân đến nói những gì họ nghĩ, thì đừng ngạc nhiên, thất vọng hay giận dữ khi nghe phải những lời không xuôi tai lắm.

“Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”

Tài liệu công bố tới dân thường dài,  “đọc hoài không hiểu” thì có cũng vô ích, lại tốn kém lãng phí, người dân không thể góp ý.