ASEAN sẽ là công cụ hữu hiệu, cần khai thác tối đa để các quốc gia đấu tranh bảo vệ lợi ích biển đảo trước chiến lược bành trướng của Bắc Kinh.

>> Nếu xé lẻ, ASEAN không thể đương đầu Trung Quốc

>> Biển Đông: ASEAN cần phản ứng thống nhất

Chùm hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các đối tác năm 2014 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 11 tại Myanamar. Một lần nữa, đây lại là dịp giới phân tích nhìn lại vai trò, tính hiệu quả của cơ chế ASEAN trong quản lý xung đột trên vùng biển Đông.

Những lý do nghi ngại là có thực

Nhược điểm lớn nhất của ASEAN trong vấn đề Biển Đông từ trước đến nay là các nước thành viên chưa thống nhất được với nhau về lập trường và cách thức phản ứng tương đối toàn diện trước những yêu sách và hành vi bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Những nguyên nhân được chỉ ra là:

Thứ nhất, chỉ 5 trên 10 nước ASEAN có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh, trong đó Việt Nam, Philippines tranh chấp cả về biển, đảo và các thực thể địa chất ở mức độ, phạm vi lớn nhất; tranh chấp của Maylaysia ít nghiêm trọng hơn; trong khi Brunei và Indonesia chỉ có một phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa không lớn bị "đường lưỡi bò" ngoạm vào.

Thứ hai, các thành viên của khối chỉ liên kết với nhau theo thể thức hiệp hội từ khi thành lập năm 1967 đến nay; sợi dây ràng buộc tương đối lỏng lẻo; biểu quyết theo nguyên tắc đồng thuận mà không phải đa số..., nên thật khó để cả Khối "đồng thanh tương ứng" về một vấn đề mà lợi ích của các nước rất khác biệt nhau.

Thứ ba, TQ luôn tìm cách triệt để khai thác hai nguyên nhân trên bằng tiền của, bằng ảnh hưởng chính trị nhằm chia rẽ, phân hóa quan điểm, lập trường giữa các nước ASEAN để phục vụ mục đích của mình.

Chẳng hạn, vì lý do trên, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 vào tháng 7/2012 (AMM 45), nước Chủ tịch ASEAN năm 2012 từ chối đưa vấn đề Biển Đông vào dự thảo văn kiện Hội nghị, để rồi lần đầu tiên trong vòng 45 năm Hội nghị kết thúc mà không ra được Thông cáo chung.

{keywords}
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2014 diễn ra tại Myanmar. Ảnh: AP

Nhưng có nhiều lý do hơn để hy vọng

Sẽ là thiếu khôn ngoan khi các nước Đông Nam Á không chắt chiu sử dụng tối đa ảnh hưởng của Khối để dẫn dắt chiều hướng vấn đề theo hướng tích cực.

Thứ nhất, chúng ta cần nhớ cho đến nay, văn kiện duy nhất làm cơ sở để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông chính là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 sau đằng đẵng 10 năm thuyết phục Bắc Kinh.

Mặc dù không có tính ràng buộc pháp lý và liên tục bị vi phạm, DOC vẫn có giá trị như một trong không nhiều biểu hiện cho sự nhất trí về nguyên tắc quản lý xung đột trên biển của ASEAN. Và quan trọng hơn, nó là một trong những trở lực cho ý đồ TQ luôn thúc đẩy là giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách song phương với từng nước. Trong khi chưa có Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý (COC), nhất thiết phải phát huy hết tác dụng của DOC.

Thứ hai, những cơ chế như hội nghị thượng đỉnh ASEAN +, EAS, ARF... đã và đang là những khuôn khổ khá hữu hiệu, nếu không nói là tốt nhất và thường xuyên nhất, để các cường quốc như Mỹ, Nhật, EU, Nga... bày tỏ quan điểm, lập trường có lợi cho hòa bình, an ninh trên các vùng biển châu Á. Ở một mức độ không nhỏ, đây còn là nơi để các nước ASEAN có tranh chấp cùng nhau phối hợp, triển khai những giải pháp, bước đi cùng chia sẻ với các nước lớn để quản lý xung đột trên biển, hạn chế sự hung hăng của Trung Quốc.

Thực tế này thể hiện rõ từ sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn ARF tháng 7/2010 ở Hà Nội. Sau bước ngoặt này, các khuôn khổ ASEAN mở rộng được biết đến như là nơi mà Bắc Kinh thường xuyên phải sẵn sàng chịu sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế về ứng xử và hoạt động của mình trên những vùng biển châu Á.

Thứ ba, bản thân các cường quốc cũng muốn "vay mượn" các khuôn khổ của ASEAN để triển khai chính sách đối với hàng loạt vấn đề an ninh khu vực như tự do hàng hải, an ninh bán đảo Triều Tiên, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống tội phạm có tổ chức... Mỹ, Nhật, Nga, Hàn Quốc có lẽ là những quốc gia thúc đẩy khá thực chất vai trò của ASEAN theo hướng này.

Thứ tư, sau khi Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng văn hóa - xã hội chính thức ra đời từ năm 2015 tới, sẽ xuất hiện xung lực mới để có một tập thể gắn kết hơn, bản lĩnh hơn trong giải quyết các vấn đề liên quan uy tín, thực lực của Cộng đồng, mà vấn đề Biển Đông đang được xác định là thách thức lớn nhất.

Việc các nhà lãnh đạo ASEAN (2007) điều chỉnh hạn chót hoàn thiện xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 thay vì năm 2020 như kế hoạch ban đầu cho thấy quyết tâm chính trị rất cao trong việc xây dựng một tập thể thống nhất hơn.

Cộng đồng ASEAN ra đời cũng có nghĩa là dư địa để cho Khối thích ứng nhanh, linh hoạt với những biến chuyển an ninh trên thực tế sẽ lớn hơn. Lịch sử cho thấy khi Trung Quốc có hành động "chướng tai gai mắt", đe dọa nghiêm trọng lợi ích biển đảo của các nước thành viên, thì ASEAN mặc dù chưa có sự thống nhất cao, cũng kịp thời có phản ứng ít nhiều phù hợp.

Đó là từ chỗ coi tranh chấp biển đảo là chuyện song phương giữa các thành viên riêng lẻ với Trung Quốc, vào năm 1992, ASEAN lần đầu tiên ra Tuyên bố về Biển Đông (Tuyên bố Manila) để phản đối Trung Quốc thông qua Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của CHND Trung Hoa, đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn và mâu thuẫn với các tuyên bố của 4/6 thành viên ASEAN vào thời điểm đó là Brunei, Philippines, Malaysia và Indonesia. Đó là Tuyên bố năm 1995 bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về diễn biến trên Biển Đông sau khi Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn.

Và gần đây nhất, lần thứ ba trong lịch sử, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra một tuyên bố riêng về Biển Đông vào ngày 10/5/2014 để thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh biển sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...

Thứ năm, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đang có sự gia tăng đáng kể sự cảnh giác từ những nước tranh chấp thuộc "tuyến hai" đối với Trung Quốc.

Mới đây, tạp chí quốc phòng IHS Jane's dẫn một thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết nước này sẽ lập một căn cứ hải quân và cho ra đời một đơn vị hải quân tác chiến cả trên biển và trên cạn ở gần khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông.

Đối với Indonesia, vào tháng 3/2014, lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận Indonesia vẫn có thể trở thành nạn nhân của chiến dịch thâu tóm trên biển của Trung Quốc bất chấp việc Jakarta đã nỗ lực tránh dính líu trực tiếp. Trong cuộc diễu binh thường niên ngày 7/10 vừa qua, Indonesia trình làng nhiều vũ khí mới, động thái được giới phân tích nhình nhận là là câu trả lời trước những căng thẳng trên Biển Đông.

Mặc dù những khiếm khuyết và khó khăn là một thực tế, kể cả sau khi Cộng đồng ASEAN ra đời, nhưng với vai trò trung tâm được các cường quốc thừa nhận trong một cấu trúc khu vực đang định hình, ASEAN sẽ là công cụ hữu hiệu, cần khai thác tối đa để các quốc gia đấu tranh bảo vệ lợi ích biển đảo trước chiến lược bành trướng của Bắc Kinh. Điều này rất có ý nghĩa đối với các quốc gia như Việt Nam trong tính toán lâu dài và trong từng bước đi chính sách cụ thể./.

Hải Anh