Xin tưởng nhớ những nhà báo đã bị ném đá, bị chặt đầu, bị bôi nhọ, bị hành hình… trên con đường đi tìm sự thật và đem sự thật đến cho con người trên thế gian này.

Mỗi năm, đến ngày 21/6 người làm báo trong cả nước lại hân hoan trước những lời chúc của cộng đồng, của gia đình nhân ngày Báo chí Việt Nam. Báo chí được xã hội từ chính quyền đến người dân, từ thành phố đến hải đảo, cao nguyên xa xôi chờ đón mỗi ngày. Người làm báo được ưu ái, quan tâm, nhà báo được xã hội và người thân nể trọng.

Báo chí là món ăn tinh thần, giống như thức ăn nước uống không thể thiếu cho cơ thể. Tuy nhiên, gần đây, không phải không có những người muốn lánh xa nhà báo. Thấy nhà báo đến là ngại, là dè chừng, là: “Đến để vui thì được chứ tác nghiệp thì không”, là: “Chớ dây với bọn nhà báo, hở ra là chết với chúng, không mất tiền thì cũng cạn tình, mệt lắm”.

Phải làm gì để xứng danh?

Đối với nhiều quốc gia, báo chí được coi là quyền lực thứ 04. Nếu 03 quyền lực kia có chỗ nào đó lạm quyền gây ra những bất công thì người dân đã có nhà báo để chia sẻ, an ủi và giúp đỡ tìm lại công bằng cho họ. Ở Việt Nam theo Luật, thì nhà báo cũng được làm báo theo tinh thần đó, nghĩa là phản ánh sự thật khách quan, đấu tranh với sự bất công, phát hiện, ngăn ngừa những hành vi không đứng đắn của bất kỳ ai, đem lại niềm vui về sự công bằng và những niềm vui tinh thần khác cho người dân dù họ ở bất kỳ nấc thang nào trong xã hội…

Trên cơ sở lý tưởng mà mình theo đuổi, người làm báo không chỉ là một người có kiến thức và tính chuyên nghiệp cao, mà còn phải là người có quan niệm rõ ràng về đạo đức xã hội, trách nhiệm lương tâm và lòng tự trọng. Tóm lại, nhà báo là người thức tỉnh đầu tiên nên đồng thời họ là người biết xấu hổ nhất trong xã hội.

Nếu có kiến thức, nhà báo sẽ đem đến cho cộng đồng những thông tin bổ ích. Nếu có tính chuyên nghiệp cao, nhà báo sẽ đem đến cho cộng đồng một nhận thức tích cực về sự cải thiện thế giới. Nếu biết xấu hổ, nhà báo không thể bị mua chuộc, dù đồng tiền to hay nhỏ đã chìa ra cho một thông tin được xuất hiện dưới ngòi bút của mình, mà thông tin đó sẽ làm hại/ lợi không chính đáng cho cộng đồng, một đơn vị, một hay một cá nhân nào đó.

Người dân, hay nói cách khác người đọc hiện nay không còn ở cái thời thiếu thông tin mà có thể còn đang... bội thực. Còn gì mất niềm tin cho bằng khi người ta nhận được những thông tin giả hoặc loại thông tin lặp đi lặp lại quá nhiều nhằm để PR (đánh bóng) cho một vấn đề nào đó. Thiếu thông tin, hậu quả ai cũng rõ, nhưng thừa thông tin thì hậu quả cũng tương tự.  

Xã hội bỗng thừa kẻ bắt chước, thiếu kẻ sáng tạo. Và, chưa kể, việc thừa thông tin về đâm, cướp, giết, hiếp, bán dâm, cởi, chuyển giới… sẽ khiến cho không ít người quan ngại rằng xã hội mất an toàn và mất đạo đức. Xin các tòa soạn đừng đặt tiêu chí: Có nhiều lượt like để đánh giá bài báo/nhà báo đó thành công. Nói theo cách dân dã, đó chỉ là: “Dân nhậu thích món nhắm”, và món nhắm cho dân nhậu không phải lúc nào cũng ở nấc thang của giá trị dinh dưỡng.

{keywords}

Nhà báo James Foley, người Mỹ đã bị ISIS hành quyết khi dấn thân đến Syria

Cơ chế nào để tài năng nhà báo được thể hiện?

Chúng ta đã có Luật báo chí. Luật báo chí của chúng ta không khác mấy với Luật báo chí của nhiều quốc gia văn minh khác. Nhà báo cũng dựa trên các quy định của Luật pháp mà hành nghề. Tuy nhiên, dưới Luật còn nhiều văn bản quy định khác của Bộ, của địa phương, cho nên để tiếp cận một sự thật và phản ánh được khách quan, công bằng không ít mồ hôi nước mắt của nhà báo phải đổ ra.

Khi nhà báo phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức để ra được một sản phẩm báo chí, thậm chí có khi phải trả giá mà sản phẩm đó còn không được xuất bản, trong khi thu nhập của họ vốn đã không nhiều thì họ, dĩ nhiên sẽ tính con đường khác dễ hơn, cho dù lòng tự trọng có thể tổn thương. Nếu một bài báo viết về sự thật, mà phải tự mình điều tra, tự mình phải phân tích đối chiếu, tự mình phải đưa ra và chịu trách nhiệm về kết luận thì các bạn cứ hình dung đi: Nhà báo sẽ phải vượt bao nhiêu chặng đường để hoàn thành? Không chỉ khó khăn cần khắc phục, mà có khi còn phải trả giá bằng tính mạng, danh dự nữa đấy.

Vì thế xin bạn đọc hãy lượng thứ cho tất cả nhà báo nước mình, chúng ta còn đang trong một lộ trình gian nan đi đến tương lai. Chúng ta đang sống trong một môi trường còn nhiều rủi ro cho những người sống chết cho những chân lý, cho những sự thật, cho những cái đẹp... Chỉ khi nào nhà báo có thể viết những điều mình nghĩ trên cơ sở trình độ, tính chuyên nghiệp và đạo đức thì lúc đó nhà báo mới hoàn thành trách nhiệm và mới đạt tới sự trông đợi của mọi tầng lớp nhân dân. Tin hay không, đúng hay sai, người đọc sẽ tự so sánh, và thấy nhà báo đó có giá trị cho lần đọc sau hay không, chứ không phải là một trận "ném đá" tứ phía.

Nhân ngày nhà báo cách mạng Việt Nam, hiểu theo nghĩa tốt đẹp nhất của 2 từ CÁCH MẠNG, là đem cái mới cái văn minh phủ định/thay thế cái cũ cái lạc hậu,  xin tưởng nhớ những nhà báo đã bị ném đá, bị chặt đầu, bị bôi nhọ, bị hành hình… trên con đường đi tìm sự thật và đem sự thật đến cho con người trên thế gian này.

Đó là James Foley, người Mỹ, rất biết Syria là nơi nguy hiểm cho các nhà báo, nhưng anh vẫn đến đó để làm tròn sứ mệnh và trách nhiệm theo cách mà lương tâm anh định ra, giống như những người lính cứu hỏa lao vào đám cháy ở tòa tháp đôi New York. Đó là Kenji Goto, người Nhật, không phải là nhà báo chiến tranh nhưng ông muốn viết các câu chuyện về sự tổn thương, trẻ em và đói nghèo dù điểm đến là miền đông bắc Nhật Bản bị sóng thần tàn phá hay đất nước Sierra Leone đang có xung đột.

Đó là Evany José Matzkez, người Nam Phi, chuyên viết điều tra về tệ tham nhũng, bảo kê của cảnh sát và các chính trị gia. Và đó là 12 nhà báo Pháp của tạp chí Cherlie Heblo, những người coi hài hước, biếm họa là một phần của cuộc sống, có thể chỉ cần hài hước và biếm họa thì cái xấu sẽ ít đi, cái tốt sẽ nhiều lên mà không cần súng đạn.

Không chỉ có thế, phía trước còn rất nhiều tên tuổi khác, và tương lai cũng sẽ còn nhiều tên tuổi khác bởi vì cuộc sống luôn là như vậy, cái xấu khó mà tự tuyệt diệt, bên cạnh những hình thức và những chủ thể cho cuộc tranh đấu để cái xấu bớt đi thì luôn có các nhà báo, những người đi đầu… cần dấn thân và nhận về phía mình sự gian khổ.

Nhà báo, trong đó có tôi, chúng ta cùng nhau gắng lên, và cộng đồng hãy cùng chúng tôi đọc báo bằng một thiện chí, nếu có thể hãy góp ý (comment) chân thành. Nhà báo là ai- là tôi, là anh/chị là chúng ta. Xin chúc mừng ngày nhà báo Việt Nam.

Trần Thị Trường