Dù hợp đồng chỉ là 200 triệu USD hay thậm chí, chỉ có 20 triệu USD thì chúng ta vẫn cần suy nghĩ, chủ động tìm cách tháo gỡ cơ chế kịp thời.

>>DN Việt mất hợp đồng 2 tỷ USD quân trang cho quân đội Mỹ

Mới đây, người viết thực sự bất ngờ khi đọc trên VietNamNet câu chuyện ngành dệt may để vuột mất "cơ hội vàng" may quân phục cho quân đội Hoa Kỳ và cảnh phục cho cảnh sát của Australia. Được biết, chỉ riêng kế hoạch may gia công quân phục, cờ và giày, dép (như vậy có một phần giá trị hợp đồng thuộc ngành da, giày?) cho quân đội Hoa Kỳ cũng đã tới 2 tỷ USD.

Điều này thật khó hiểu khi đặt trong thực tế là việc tìm kiếm đơn hàng, phát triển thị trường của ngành dệt may Việt Nam không hề dễ dàng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà sản xuất dệt may lớn trên thế giới như Trung Quốc, Pakistan, Indonesia,...

Theo người viết tìm hiểu, hiệu quả của việc thực hiện hợp đồng này rất lớn với đơn hàng ổn định trong 5 năm, hỗ trợ và thúc đẩy hiệu quả của các dự án đầu tư dệt nhuộm, may. Quá trình đàm phán với đối tác diễn ra rất vất vả cả về giá cả lẫn mẫu mã, chất lượng vải. Kết quả đàm phán là khá tốt khi phía đối tác đồng ý để toàn bộ các khâu dệt vải – nhuộm và in hoàn thiện – may sản phẩm đều do các doanh nghiệp trong nước thực hiện (trong khi đó hiện nay đa phần các doanh nghiệp đều chỉ làm hàng gia công, giá trị thấp).

{keywords}

Cần có chính sach "gỡ rào" hiệu quả. Ảnh minh hoạ

Lý do chúng ta bị phía đối tác từ chối là do vào quý 4/2014, phía Hoa Kỳ gửi mẫu sang Việt Nam đặt sản xuất như đã thoả thuận trước đó, thì lúc này mới "sinh chuyện". Hải quan của ta không cho nhập đồ mẫu này bởi đây là mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu.

Chúng ta đã có Quyết định số 80/2006/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về việc công bố Danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/6/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 12 cũng đã hết hiệu lực và hiện được thay thế bằng Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 187. Vậy là hơn 1 năm rưỡi, vẫn chưa có đường thoát cho DN chỉ do thiếu quy định hướng dẫn.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu của các cơ quan hữu quan, để được cấp phép sản xuất – xuất khẩu mặt hàng này, DN cần cung cấp Hợp đồng ký giữa đối tác và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hoặc cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm, đảm bảo hậu cần cho quân đội Hoa Kỳ. Trong khi đây lại là vấn đề an ninh quốc phòng của Hoa Kỳ mà phía đối tác không được phép tiết lộ. Vậy là lại một lần nữa DN vướng vào “vòng luẩn quẩn”.

Điều đáng nói là DN Việt Nam nhận được khá nhiều đơn hàng tương tự từ Australia, Italia, Romania… Mỗi đơn hàng như vậy, theo quy định hiện hành, các DN lại phải gửi công văn tới Bộ Công thương, xin được sản xuất, xuất khẩu mặt hàng đó. Nhưng Bộ Công Thương cũng không có quyền quyết định mà chỉ ghi nhận ý kiến, sau đó phối hợp với Bộ Quốc phòng trả lời cho DN.

Cũng theo thông tin trên VietNamNet, ngay cả cơ quan Hải quan cũng đang lúng túng trong quá trình thực hiện quy định nói trên. Chẳng hạn, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi làm thủ tục cho lô hàng quần, áo, ba lô, mũ, túi,… xuất khẩu đi Australia, thấy nhiều mặt hàng may bằng vải màu loang lổ, rằn ri như trang phục của lực lượng vũ trang, cho rằng đây là mặt hàng nhạy cảm và đã tạm dừng thông quan.

Theo các DN, quy định cấm xuất nhập khẩu mặt hàng quân trang, quân dụng không còn hợp lý, gây rào cản cho công việc xuất khẩu của ngành dệt, may trong nước và đang có nguy cơ tự trói chính mình, rất cần được tháo gỡ sớm.

Phải chăng chúng ta nên xem xét một cơ chế thông thoáng, phù hợp hơn cho việc sản xuất – xuất khẩu các mặt hàng may mặc cho quân đội của các nước. Khi quân đội các nước có nhu cầu đặt hàng, nếu ta thắng thầu thì sẽ được quyền sản xuất và cung ứng mặt hàng đó, cũng như quyền đặt các đối tác trên thế giới để sản xuất. Nói như một chuyên gia trong lĩnh vực này thì trong khi chính họ không lo ngại thì vì sao ta lại ngại?

Khi đặt sản xuất, họ đều có các cam kết về quyền được quân đội nước nhập khẩu cho phép, nếu mỗi lần gia công lại xin phép như thế này thì DN chúng ta mất rất nhiều thời gian, thậm chí sẽ bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Hơn nữa, nếu muốn ngăn ngừa nguy cơ hàng lọt ra ngoài, khi thực hiện xong hợp đồng, lực lượng hải quan có thể tới tận nhà máy kiểm tra và niêm phong, kẹp chì lô hàng đưa thẳng ra cảng.

Theo tìm hiểu của người viết, về việc cho phép Tập đoàn Dệt may thực hiện hợp đồng gia công xuất khẩu quân trang quân phục, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã cho ý kiến và đồng ý về chủ trương từ tháng 11/2014. Tiếc rằng câu chuyện vẫn chưa được xử lý rốt ráo, nên cơ hội bị bỏ lỡ vì chậm trễ, vì những lý do nêu trên.

Nếu như vẫn không tìm ra một cơ chế rõ ràng, một chủ trương thông thoáng hơn thì tới đây, hẳn DN chúng ta còn để vuột nhiều hợp đồng kinh tế nữa chứ không chỉ dừng ở sự tiếc nuối hợp đồng những 2 tỷ USD kia.

Tôi cho rằng, đừng nói 2 tỷ USD, dù hợp đồng chỉ là 200 triệu USD hay thậm chí, chỉ có 20 triệu USD thì chúng ta vẫn cần suy nghĩ, chủ động tìm cách tháo gỡ cơ chế kịp thời. Cho dù rất nhiều cơ hội đã trôi qua, cũng như có thể mấy tháng hay cả năm nữa vẫn chưa có đối tác nào quay lại đàm phán những đơn hàng kiểu này, ta vẫn nên chủ động làm trước để sẵn sàng khi có đối tác đến.

Kinh tế đất nước hiện nay còn vô vàn khó khăn. Đời sống, công ăn việc làm của người lao động, trong đó có ngành dệt, may còn rất gian nan mới tìm nổi việc làm, ấy là chưa kể, thu nhập của họ cũng chưa thật cao. Để ổn định sản xuất, liệu có nên xem nhẹ và bỏ lỡ những hợp đồng kinh tế giá trị như vậy? Nên nhớ, tổng giá trị sản lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, tuy có những cố gắng vượt bậc, cũng mới đạt gần 21 tỷ USD năm 2014.

Và cũng nên nhớ, bài học hồi cuối năm 2014, không chờ được Tập đoàn Dệt may Việt Nam xử lý xem có được nhập lô hàng quân trang mẫu kia vào không, phía Hoa Kỳ đã đành "chào nhé" để sang nước khác trong sự tiếc nuối của ngành. Điều này, thật đáng để các cấp, các bộ, ngành phải suy nghĩ để gỡ bỏ những rào cản một khi nước ta đã tham gia hội nhập kinh tế thế giới.

Quốc Phong