- Việc bổ nhiệm cán bộ tại một số địa phương gây tranh cãi vừa qua được kết luận “đúng quy trình”. Nhưng việc này đã hợp lòng dân hay chưa?

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa quý vị và các bạn, việc bổ nhiệm cán bộ tại một số địa phương thời gian qua đã gây ra nhiều tranh cãi lớn. Có việc, cơ quan chức năng đã kiểm tra và kết luận là “đúng quy trình”. Góc nhìn thẳng mời ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để cùng trao đổi, làm rõ về câu chuyện này. 

Xin cảm ơn ông Vũ Quốc Hùng đã nhận lời tham gia chương trình.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, quan sát các trường hợp bổ nhiệm cán bộ thời gian qua ở một số địa phương, gây tranh cãi nhất là những trường hợp con cái cán bộ được bổ nhiệm. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết là có nhiều dư luận khác nhau xung quanh vấn đề bổ nhiệm này. Tôi thấy những ý kiến khác nhau cũng là điều tốt, tín hiệu tốt cho thấy xã hội ngày một phát huy dân chủ trên những vấn đề dư luận thấy cần đặt ra. Điều này, đòi hỏi công tác lãnh đạo quản lý nói chung và công tác nhân sự nói riêng phải thể hiện được dân chủ, công khai, minh bạch. Trong đề bạt phải đảm bảo được đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình và hợp lòng dân.

Hợp lòng dân ở đây không phải là cái gì chung chung mà là việc đảm bảo công bằng. Tôi không được tham dự, không được tiếp xúc những văn bản cụ thể xem quá trình xét duyệt ra sao, nhưng tôi thấy tinh thần bây giờ là phải dân chủ, công khai, minh bạch, rõ ràng.

Thế nên vừa rồi rộ lên ở chỗ này chỗ khác. Như vụ việc ở Quảng Nam, tôi cũng phát biểu ý kiến. Khi dư luận nổi lên sẽ đặt ra vấn đề cho lãnh đạo ở Quảng Nam, và các lãnh đạoTrung ương phải vào cuộc xem xét để rút kinh nghiệm. Còn bây giờ vấn đề đề bạt các anh em trẻ là ý muốn của Bác Hồ, là chủ trương của Đảng. Bác Hồ luôn nói rằng đào tạo thế hệ trẻ cho ngày mai là việc rất quan trọng.

Nhà báo Phạm Huyền: Thực ra việc con em cán bộ đương nhiệm được bổ nhiệm chức vụ cao không phải điều mới mẻ ở nước ta. Tuy nhiên, theo ông nguyên nhân gây ra những ồn ã vừa qua có phải do số lượng con em cán bộ đương nhiệm được bổ nhiệm quá nhiều hay do người dân chưa có lòng tin vào cơ chế bổ nhiệm và cho rằng những người đó chưa xứng đáng?

Ông Vũ Quốc Hùng: Qua dư luận, tôi cũng thấy dư luận ồn ào về con ông nọ, con bà kia. Đó là điều mà tôi thấy các tổ chức Đảng cần quan tâm. Tôi nghĩ vẫn là phải đảm bảo công bằng trong xã hội, con lãnh đạo ở các cấp với con người dân phải làm sao khi tuyển chọn phải công bằng.

{keywords}

Vậy công bằng là gì? Nghĩa là trong quá trình xem xét tuyển chọn, chúng ta có Đảng lãnh đạo, có quản lý của Nhà nước, có các cơ quan chuyên trách công tác cán bộ thì những người đó phải tìm hiểu, phát hiện, đào tạo, rèn luyện không kể người đó là con ai. Những người làm công tác tổ chức cán bộ phải công tâm, trong sáng, vô tư, nhưng phải có trình độ, bởi đánh giá một con người rất khó. Xem một sản phẩm sản xuất ra, làm OTK một sản phẩm đã khó. Giờ phát hiện hiền tài, chọn một con người để đào tạo trở thành người có ích cho nước cho dân thì càng khó.

Hiện nay, chúng ta thấy nhiều nơi tiến hành tuyển chọn cán bộ rất ồ ạt, sôi nổi nhưng không có gì, như Quảng Ninh, như Bộ GTVT…tổ chức thi. Tất cả đăng ký thi. Cho nên, tôi nghĩ những vấn đề tiêu chuẩn là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ là phải xem xét cả quá trình. Thứ đến là trong số nhiều người đủ tiêu chuẩn ấy thì tốt nhất là thi, và thi cũng phải công bằng. Nếu để tiêu cực trong thi nữa là không được. Và những tiêu cực trong thi cử cũng được báo chí phản ánh.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông vừa phân tích thì việc bổ nhiệm cán bộ vừa phải đúng quy trình, vừa phải hợp lòng dân. Nhưng ở một số vụ việc vừa diễn ra thì cơ quan chức năng kết luận là “đúng quy trình”, nhưng một số ý kiến trong dân chúng vẫn tỏ ra bất bình. Theo ông cần giải quyết điều này thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Dư luận thì thường nhiều chiều. Vấn đề quan trọng là phải xem lại việc đó đúng quy trình, đó là quy trình theo thể thức hành chính. Còn một quy trình nữa là quy trình "hợp lòng dân", muốn vậy phải công khai minh bạch, làm thế nào để người ta biết vào cái ghế ấy có bao nhiêu người được tuyển chọn và vì sao các cơ quan chức năng lại tuyển chọn người đó, thì công khai ra. Một hình thức tốt nhất là tổ chức thi như Bộ GTVT, như tỉnh Quảng Ninh. Một thời gian tôi thấy các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thi tuyển rất rầm rộ và sau đấy không thấy một lời phàn nàn nào cả.

Còn giả sử chưa tổ chức thi thì cũng phải công khai ra, thí dụ trong tỉnh, trong tổ chức ta có từng này ứng viên, sau khi xem xét, thấy rằng thế này, thế kia…Công khai những điều này cho ngay trong cơ quan ấy, tỉnh ấy, trong cả nước nữa. Khi đó, trong nội bộ họ thấy, à việc này là công tâm. Chứ còn bây giờ tự dưng mình đề bạt lên, không công khai, và nhiều khi vì không công khai, minh bạch mà làm tổn thương, gây nghi ngờ đến sự công tâm của tổ chức ấy và tổn thương chính người được đề bạt. Có thể họ là người chịu phấn đấu và có năng lực tốt, nhưng mà thế thành ra họ chịu búa rìu dư luận. Cho nên quay lại vẫn là việc gì cũng phải công khai, dân chủ, minh bạch và có những thiết chế để việc này được cụ thể chứ không phải là khẩu hiệu.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình. Xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình Góc nhìn thẳng tiếp theo.

VietNamNet