Thái Lan và Myanmar đang có những chuyển động quan trọng, nhưng theo chiều trái ngược. Thực sự thì điều gì đang diễn với hai láng giềng gần?

Sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới chính quyền quân sự, Myanmar đã khôi phục lại chế độ dân chủ, và hiện có một chính phủ dân sự được dẫn dắt bởi Aung San Suu Kyi và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.

Trái lại, trong thập niên vừa qua, Thái Lan đã hai lần chuyển hướng từ chế độ dân chủ sang chế độ quân sự do các cuộc đảo chính xảy ra vào năm 2006 và năm 2014.

Điều gì đã khiến cho hai quốc gia này đảo ngược định hướng chính trị của mình?

Chuyện ở Myanmar

Myanmar bắt đầu chuyển hướng sang chế độ dân chủ vào năm 2003 khi chế độ quân sự đưa ra một lộ trình bảy bước. Ban đầu, người ta nhạo báng rằng kế hoạch này lại là một lời hứa sáo rỗng từ chính quyền quân sự của nước này. Và thực sự là các tướng lĩnh đã tống giam, bắn súng vào những người thuộc Đảng NLD hay ủng hộ Đảng NLD và quản thúc tại gia bà Suu Kyi cùng các đồng chí của bà trong sáu năm sau đó.

Tuy nhiên, rõ ràng là các nhà cầm quyền đã đọc được các thông điệp. Họ không thể tiếp tục duy trì quyền lực của mình thông qua bạo lực vì nếu làm như vậy họ sẽ bị sức ép từ sự trừng phạt và cô lập của quốc tế. Điều họ không lường được chính là tốc độ phát triển của sự tự do hoá chính trị và kinh tế. Ngay khi những cải cách kinh tế và chính trị thực sự được thực hiện vào năm 2011, quân đội Myanmar sẽ phải trả một cái giá cao quá mức tưởng tượng nếu đảo chiều những nỗ lực này.

{keywords}
Một góc Yangon. Ảnh yagon-myanmar.info

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đảng NLD đã giành thắng lợi áp đảo. Bà Suu Kyi giữ vai trò là “cố vấn quốc gia” (state counselor)  để giám sát các vấn đề của chính phủ. Tổng thống Htin Kyaw là cố vấn thân thiết của bà Suu Kyi.

Quân đội vẫn giữ 25% số ghế trong cơ quan lập pháp theo sự đảm bảo của hiến pháp (trong khi để thay đổi hiến pháp cần đạt đa số 75% chấp thuận) và nắm quyền kiểm soát bộ nội vụ, bộ quốc phòng và bộ biên phòng.

Trọng trách đặt lên bà Suu Kyi hiện nay là thực hiện những công việc cần thiết để đảm quân đội chỉ đóng vai trò bên trong ranh giới các doanh trại. Điều này có nghĩa là những bước đi của bà cần phải cẩn thận trong khi bà cố gắng tìm kiếm ít nhiều công lý cho những vi phạm của quân đội trong quá khứ và giải quyết vấn nạn tham nhũng. Nếu bà mạnh mẽ công kích các nhóm lợi ích, sự chung sống giữa phe quân đội và chính quyền dân sự có thể bị phá huỷ. Nói cách khác, bà Suu Kyi sẽ phải chấp nhận một bài học tương tự như các tướng lĩnh đã từng trải qua: Cách tốt nhất để duy trì quyền lực thường là thỏa hiệp.

Chuyện ở Thái Lan

Trong hơn một thập niên, chính phủ Thái Lan đã bị tê liệt bởi sự đối đầu giữa những người ủng hộ cựu Thủ tướng đang lưu vong Thaksin Shinawatra và các đối thủ bảo hoàng và bảo thủ. Bằng cách làm suy yếu trật tự chính trị lâu đời tập trung vào quân đội, chế độ quân chủ và bộ máy quan liêu, các lực lượng của ông Thaksin đã sử dụng quá trình dân chủ hóa để giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.

Tuy nhiên các hoạt động kinh doanh của ông Thaksin đã khiến ông bị cáo buộc về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vào tháng 9/2006, những phản đối ông Thaksin lên đến đỉnh điểm bằng một cuộc đảo chính quân sự. Các tướng lĩnh sau đó cố gắng hạn chế quyền lực bầu cử của ông Thaksin. Sau khi dự thảo một hiến pháp mới trong đó quy định một nửa số ghế tại thượng viện là được bổ nhiệm và chuyển giao nhiều quyền lực hơn cho nhánh tư pháp. Họ giải tán đảng của ông và cấm các nhà chính trị thuộc đảng đó hoạt động. Bản thân ông Thaksin bị buộc phải sống lưu vong khi những cáo buộc hình sự chống lại ông đã được đưa ra.

{keywords}
Thủ đô Bangkok. Ảnh: imgur

Nhưng em gái của ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra đã đắc cử vào năm 2011.

Ông Thaksin muốn có tất cả để rồi kết thúc trắng tay. Vào tháng 10/2013, chính phủ của bà Yingluck đưa ra một dự luật ân xá trong đó xóa tất cả những cáo buộc hình sự chống lại ông và lật ngược một án tù được tuyên trước đó, từ đó cho phép ông có cơ hội trở về nước. Nhiều cuộc phản lại diễn ra trên đường phố lần nữa, hệ quả là một cuộc đảo chính quân sự khác vào tháng 5 sau đó.

Nhưng các tướng lĩnh của Thái Lan, dưới sự dẫn dắt của đại tướng Prayut Chan-ocha, không dám có bước đi mạo hiểm nào và chỉ định một số ít các nhà kỹ trị tham gia bộ máy chính phủ. Hội đồng Quốc gia vì Hoà bình và Trật tự (NPCO), một hình thái khác của chế độ quân sự trước đây, đã dự thảo một bản hiến pháp lâm thời trong đó trao toàn quyền cho ông Prayut.

NCPO hiện giờ đang chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 8 về dự thảo hiến pháp mà nếu được chấp thuận thì các cuộc bầu cử sẽ được tiến hành vào năm 2017.

Tuy nhiên, dự thảo hiến pháp bao gồm quy định thượng viện gồm 250 ghế do quân đội bổ nhiệm và có nhiệm kỳ năm năm trong thời gian chuyển giao, và sẽ có quyền hạn đáng kể trong việc hạn chế hành động của các quan chức dân cử. Dự thảo hiến pháp cũng quy định rằng thủ tướng không cần phải là đại diện dân cử, chính vì thế người được bổ nhiệm bởi quân đội hoàn toàn có cơ hội ngồi vào vị trí này.

Tình hình này cho thấy, con đường phía trước của Thái Lan chắc chắn sẽ không bằng phẳng.

Những gì Thái Lan cần là một sự thỏa hiệp và chung sống lẫn nhau giống như tại Myanmar. Chỉ khi tất cả các bên công nhận rằng không ai có thể giành được tất cả, thì thoả thuận và đàm phán mới thay thế được cho sự phân hoá và khủng hoảng chính trị. Chính quyền quân sự tại Myanmar đã mất gần năm thập kỷ để đạt được điều đó. Người ta hy vọng rằng Thái Lan sẽ mất ít thời gian hơn để đạt được điều này.

Thitinan Pongsudhirak là Giáo sư và Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh, Đại học Chulalongkorn.

Thitinan Pongsudhirak, Project Syndicate

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org).
Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.