Với vai trò đầu tàu châu Âu của Đức và vai trò thủ lĩnh của bà Merkel, Đức đã làm được một việc hết sức lớn lao là giang tay đón những người tỵ nạn từ các cuộc xung đột và nội chiến ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Tuy nhiên cũng chính quyết định này đang đẩy bà Merkel vào thế kẹt.

Khủng hoảng tỵ nạn là hậu quả từ chính sách sai lầm của các cường quốc khi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực trong suốt nhiều thập kỷ qua. Và nay châu Âu đang phải đối mặt với vấn đề đó ngay tại sân nhà. Nước Đức và châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc.

Nước Đức chào đón người tị nạn

Sự việc bắt đầu bằng dòng người tỵ nạn từ Syria tràn ngập nhà ga trung tâm thủ đô Budapest của Hungari cuối tháng 8 năm 2015 đòi được đi tiếp sang Đức và Áo. Ban đầu chính quyền Budapest còn ngăn cản, cố giữ trật tự trong chừng mực có thể, nhưng rồi họ cũng “đầu hàng” trước sức ép của dòng người di cư lớn chưa từng có.

Trong bối cảnh đó Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận những người này, chính thức kích hoạt cho dòng di cư từ các nước Bắc Phi và Trung Đông, đặc biệt là từ Syria, tràn vào Đức và châu Âu. Cho đến cuối năm 2015 đã có 1,1 triệu người tỵ nạn đến Đức, chưa kể số người không đăng ký, vượt xa số 800 ngàn mà chính quyền dự đoán trước đó.

Ban đầu đại đa số người dân hoan nghênh quyết định này của bà Merkel. Họ chào đón người tỵ nạn ở biên giới, nhà ga, sân bay với hoa, gấu bông và đồ chơi cho trẻ em, áo quần cho người lớn. Nhiều tổ chức nhân đạo, nhiều cá nhân sẵn sàng dành diện tích văn phòng, thậm chí nhà ở, để bố trí cho người tỵ nạn. Nhà tập thể thao ở các trường học, các khu nhà bỏ trống, trại lính, khu nhà làm thủ tục sân bay Tempelhof ở Berlin đã ngừng hoạt động nhiều năm nay được bố trí làm chỗ ở tạm thời cho người tỵ nạn.

Các cơ quan công quyền làm hết công suất, huy động cả người tình nguyện giúp đỡ nhưng cũng không giải quyết kịp thời hàng núi đơn và hồ sơ của người tỵ nạn, khiến cho hàng ngàn người tỵ nạn phải xếp hàng từ 4, 5 giờ sáng thậm chí cả đêm để chờ được giải quyết thủ tục. Các trường học của Đức phải bố trí thêm hàng ngàn giáo viên dạy tiếng Đức cho trẻ em tỵ nạn. Cả xã hội phải gồng mình lên. Con số tiền mà ngân sách nhà nước phải bỏ ra cứ tăng dần từng tỷ euro sau mỗi tháng.

{keywords}
Châu Âu đang bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nhập cư. Ảnh: Reuters
Cuối năm ngoái, những tiếng nói từ cơ sở đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự quá tải. Lác đác đã có những ý kiến nghi ngờ hay đặt câu hỏi về tính pháp lý và thực tiễn của quyết định mở của biên giới đón người tỵ nạn của Chính phủ.

Phản ứng của các nước EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, đã không được lắng nghe ở Đức. Ngược lại, có nhiều người cho rằng các nước này ích kỷ, không cộng đồng trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ của họ với tư cách là thành viên EU…Mặc dầu vậy Thủ tướng Merkel vẫn bảo vệ quyết định của mình với lập luận một nước như nước Đức không thể không có trách nhiệm trước những khổ đau của người tỵ nạn và Đức hoàn toàn có khả năng làm được việc này (“wir schaffen das” có nghĩa là “chúng ta làm được”).

Hai sự kiện bước ngoặt

Bước ngoặt đầu tiên tác động tiêu cực lên chính sách tỵ nạn của Thủ tướng Merkel là hoạt động khủng bố của nhà nước hồi giáo tự xưng IS tại Paris khiến hơn 200 người thiệt mạng. Báo động khủng bố ở Paris, Brussels càng củng cố thêm lo ngại của nhiều người là IS có thể cài “chiến binh cảm tử” vào dòng người tỵ nạn, gây ra những hoạt động khủng bố giống ở Paris.

Chính phủ làm yên lòng người dân bằng chiến dịch giải thích không phải ai trong số người tỵ nạn đến Đức cũng là khủng bố, càng không được đánh đồng người tỵ nạn với khủng bố hay nghi ngờ toàn bộ người tỵ nạn…Ngược lại, sự việc xảy ra ở Paris còn khiến các đảng phái chính trị thống nhất khá nhanh quyết định gửi quân tham chiến trực tiếp tại Syria (trước đây Đức chỉ tham gia tập huấn cho người Kurd và bán vũ khí).

Bước ngoặt thứ hai chấn động nước Đức là vụ việc xẩy ra ở các thành phố lớn của Đức đêm giao thừa sang năm mới 2016, trong đó nghiêm trọng nhất là ở Köln (Cologne), khi hàng ngàn thanh niên gốc Bắc Phi, Ả-rập chen lấn, xô đẩy, trêu ghẹo, sàm sỡ, cướp giật phụ nữ Đức.

Hiện đã có gần một ngàn đơn tố cáo, trong đó có 2 vụ tố bị hiếp dâm. Đây là vụ xâm phạm tình dục quy mô lớn chưa từng có ở Đức do người nước ngoài gây ra. Cả chính giới và xã hội Đức bàng hoàng trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, buộc họ phải suy nghĩ lại về chính sách mở cửa biên giới đón người tỵ nạn của Chính phủ.

Lý giải nguồn gốc chính sách của Đức

Từ góc độ chính trị việc này được nhìn nhận như thế nào?

Nếu không hiểu về lịch sử và xã hội Đức, về cá nhân bà Thủ tướng Merkel chúng ta cũng sẽ không hiểu hết cội nguồn của sự việc để từ đó có cái nhìn khách quan về những quyết định của Chính phủ Đức.

Nước Đức đã gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu trong thế kỷ 20 mà hậu quả của nó không phải chỉ là lãnh thổ bị thu hẹp lại đáng kể so với trước năm 1913, mà còn là một thời gian dài Đức bị khống chế bởi quy chế nước bại trận. Cũng vì chính sách phi nhân tính của quốc xã Đức mà hàng triệu người Do Thái bị thiêu trong các lò thiêu người, chết dần chết mòn trong các trại tập trung ở Auschwitz hay Buchenwald. Người Do Thái hay những người tham gia phong trào chống phát-xít đều phải rời bỏ quê hương chạy sang các nước khác, đặc biệt là sang Mỹ.

Chúng ta cũng chứng kiến những năm cuối cùng của Cộng hòa Dân chủ Đức khi hàng triệu người dân Đông Đức chạy sang Tiệp Khắc, Hungari để nhờ cưu mang và mở đường cho họ chạy sang Tây Đức trước khi bức tường Berlin sụp đổ cuối năm 1989. Chính vì lịch sử như vậy nên người dân Đức cảm thông sâu sắc trước nỗi khổ của người dân Syria, Afghanistan, hay Iraq phải rời bỏ quê hương chạy trốn chiến tranh, chết chóc.

Những bức ảnh về dòng người tỵ nạn chạy bộ trên vành đai Ban-căng hay vượt biển trên những con thuyền ọp ẹp ở Địa Trung hải rất dễ khiến người dân Đức liên tưởng đến chính bản thân họ cách đây gần một phần tư thế kỷ. Bà Thủ tướng Merkel tuy không chạy trốn khỏi CHDC Đức vào thời điểm đó nhưng cũng chứng kiến đầy đủ những đau khổ do chia cắt gây ra.

Henry Kissinger (92 tuổi), vốn là người Do Thái gốc Đức, năm 1938 khi đó 15 tuổi cũng đã phải cùng cha mẹ chạy trốn khỏi Đức. Trong một bài phỏng vấn của tờ Thương mại (Handelsblatt) số ra ngày 30/12/15-04/01/16 nói ông cảm thông sâu sắc và chia sẻ với những gì mà bà Merkel đã và đang làm. Với lịch sử nước Đức như vậy và với quan điểm nhân đạo của mình bà Merkel không thể nào từ chối những người đang cần sự giúp đỡ.

Kissinger cũng chia sẻ với  bà Merkel về việc phải cân nhắc thận trọng giữa thái độ cảm thông với những đau khổ của người tỵ nạn với hậu quả lâu dài của quyết định này đối với nhân dân mình. Vào thời điểm đó câu hỏi then chốt là: “Với tư cách là một người Đức người ta có thể một mình tự chịu trách nhiệm về việc đóng cửa biên giới hay không?” và do vậy ông ngả mũ kính phục quyết định của bà Merkel vừa qua.

Tạm chí Time của Mỹ đã chọn bà Merkel là “Người của năm” và là người phụ nữ đầu tiên sau 29 năm và người Đức thứ tư nhận được sự vinh danh này. Đánh giá về bà Merkel, Time viết “bất cứ khi nào châu Âu đối mặt với khủng hoảng (từ khủng hoảng ở Hy Lạp, Người tỵ nạn, IS) đều có sự can thiệp của Merkel. Bà thể hiện những giá trị như nhân văn, lương thiện, cảm thông và qua đó cho thấy sức mạnh lớn lao của nước Đức là xây dựng chứ không phải phá hoại. Bà thực sự là thủ lĩnh của cả châu lục”.

Báo New York Times dịp đó cũng ca ngợi bà Merkel như là một tấm gương vì trong năm nay châu Âu đã nâng số người di dân từ một lên ba triệu và mở đường cho việc di dân hợp pháp nhằm kiểm soát tốt hơn việc nhập cư và ngăn chặn hoạt động của các tổ chức buôn người bất hợp pháp. Chỉ có điều sau sự việc xẩy ra ở Köln, chính tờ báo này lại quay ngoắt 180 độ khi lên tiếng đầu tiên yêu cầu bà Merkel từ chức vì đã bất lực trong xử lý khủng hoảng tỵ nạn.

Theo đó, New York Times số ngày 10/1/16 có bài “Germany on the Brink” với yêu cầu “Merkel phải ra đi để Đức khỏi phải trả cái giá quá đắt cho sự ngu dốt của mình”.

George Soros (85 tuổi) cũng là một người Do Thái như Henry Kissinger buộc phải di cư từ châu Âu (Hungari) sang Mỹ, trong trả lời phỏng vấn Tuần báo kinh tế Đức (WirtschaftsWoche) ngày 04/1/16 đã nói “từ lâu đã coi bà Merkel là thủ lĩnh không thể chối cãi của châu Âu và do đó của cả thế giới tự do… và trong khủng hoảng tỵ nạn lần này bà cũng đã sớm nhận ra khả năng EU có thể bị chia rẽ, trước hết là nguy cơ việc tự do đi lại trong Schengen có thể ảnh hưởng và sau đó là ảnh hưởng đến thị trường nội địa  tự do… Nhưng cũng chính vì sự quyết liệt có phần hoang dã đó mà tôi đánh giá cao và rất ấn tượng về hành động của bà”.

George Soros lý giải thêm “cá nhân tôi cũng là người tỵ nạn chạy trốn phát xít Đức, đã tài trợ một tỷ đô la nhằm góp phần biến châu Âu thành một xã hội cởi mở và hội nhập hơn nữa. Bà Merkel hiện cũng làm như thế, có thể bà bị chi phối bởi những trải nghiệm cá nhân từ thửa nhỏ với tư cách là con gái một mục sư”.

Với vai trò đầu tàu châu Âu của Đức và vai trò thủ lĩnh của bà Merkel, Đức đã làm được một việc hết sức lớn lao là giang tay đón những người tỵ nạn từ các cuộc xung đột và nội chiến ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Không ai có thể phủ nhận được là nếu nước Đức không ra tay thì không một nước nào có thể làm được, kể cả Mỹ (năm 2015 Mỹ nhận có 80 ngàn người tỵ nạn, trong đó có 10 ngàn người Syria; năm 2016 có thể lên đến 100 ngàn so với 1,1 triệu vào Đức).

Theo lý giải của Soros thì chỉ có người Đức mới có thể cứu châu Âu khỏi sụp đổ dù đó là do khủng khoảng như ở Hy Lạp hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác vì trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà Merkel người Đức đã lấy lại được vị trí độc tôn của mình, họ được lợi nhiều nhất từ Liên minh tiền tệ nhưng đến nay chưa phải trả giá lần nào.

Mặt khác vị trí độc tôn cũng có nghĩa là không chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà còn phải quan tâm đến lợi ích của những người khác đã tin tưởng mình. Nước Đức có nhận lấy trách nhiệm này như Mỹ đã nhận sau năm 1945 hay không là tùy thuộc vào quyết định của họ.

Còn tiếp….

Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng tốt nghiệp cử nhân Luật tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin (1982), Thạc sĩ luật tại Đại học Tổng hợp Ruprecht- Karls, Heidelberg, CHLB Đức (1990), nguyên là Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao (2011-15) và Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (2007-11).

  • Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)
    Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại.