Trong bộn bề bao nhiêu việc phải làm, đã cần lắm phương thuốc đặc trị cho căn bệnh vô cảm.

Đề thi đại học môn văn năm nay đã đưa vào nội dung “bệnh vô cảm”, tạo ra một không gian mở để thí sinh thảo luận về một thực trạng. Đây có thể coi là một chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác ra đề thi theo hướng thiết thực và mang tính thời sự hơn.

Ở một chiều kích khác, điều này phản ánh vô cảm có nguy cơ trở nên ngày càng phổ biến trong xã hội. Bởi vậy, cùng với việc đề cao, thúc đẩy “sống tử tế”, sẽ là cần thiết để chúng ta đồng thời cảnh báo những biểu hiện của “bệnh vô cảm”, nhằm tìm được phương thuốc trị bệnh hữu hiệu.

Nhận diện vô cảm

Biểu hiện của vô cảm có thể nhận thấy dưới nhiều hình thức khác nhau: thờ ơ trước nỗi đau của người khác; vì lợi ích của cá nhân sẵn sàng xâm phạm lợi ích của người khác hay của tập thể; im lặng trước cái đúng, cổ súy cho cái sai vì mục đích tư lợi… Vô cảm vì thế là một dạng hành xử “có ý thức”, là kết quả của một quá trình trượt dài về nhân cách sống và ý thức công dân.

Nó thể hiện sự ích kỉ, nhỏ mọn và một tầm nhìn bị che phủ bởi những toan tính cho riêng mình, bất chấp quyền lợi của người khác. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng vô cảm và học vấn là hai khái niệm khác nhau nên không có gì đáng ngạc nhiên khi thái độ vô cảm có thể đến từ những người có bằng cấp, địa vị cao trong xã hội.

{keywords}

Biểu hiện của vô cảm có thể nhận thấy dưới nhiều hình thức khác nhau. Ảnh minh họa

Vô cảm chốn cửa công

Chính phủ đã hơn một lần lên tiếng cảnh báo thực trạng có bộ phận không nhỏ công chức đang ngày càng vô cảm với dân và thậm chí với cả chức phận của mình. Tỷ lệ công chức cắp ô, lĩnh lương đều đặn mà không có đóng góp gì đáng kể cho cơ quan mình là một ví dụ. Hoặc thái độ phục vụ người dân của họ đáng báo động đến mức khiến có vị Bộ trưởng phải quán triệt cán bộ của ngành mình phải biết “3 xin” - “xin lỗi”, “xin chào”, “xin phép” cũng là một ví dụ. Như vậy, họ đang vô cảm với tiền thuế của dân và sứ mệnh được cơ quan giao cho.

Cũng có bộ phận vô cảm đến mức bất chấp pháp luật, đạo lí, chỉ chăm chăm vun vén lợi ích cho bản thân hay gia đình, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ. Một số đại án được phanh phui trong thời gian qua là minh chứng rõ nét. Họ đã vô cảm đến mức làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân với cán bộ, với chính quyền.

Công chức, cán bộ lẽ thường phải là thành phần ưu tú, lấy pháp luật làm thượng tôn cho mọi hành xử. Với những người cứ quẩn quanh trong những toan tính cho mình, họ còn lo nổi cho ai?

Vô cảm chốn học đường

Chuyện mua bán bằng cấp, “bằng tiến sĩ ma” hay nạn chạy trường, tiếp tay cho gian lận trong thi cử… chính là những biểu hiện của bệnh vô cảm trong chốn học đường. Các cơ quan chức năng đã “điểm mặt”, báo chí đã “chỉ tên” một số vụ việc, còn dư luận thì bàn tán đã nhiều, đã lâu.

Đáng buồn hơn, sự vô cảm đó có thể bị “trao truyền” sang học trò. Những vụ bạo lực học đường gây phẫn nộ trong dư luận, trong đó một số vụ các em học sinh bình thản quay clip để đưa lên mạng phải chăng cũng là một hệ quả? Vết thương thể chất có thể lành, nhưng vết thương tinh thần liệu đến bao giờ?

Rồi ngay kì thi đại học vừa qua, báo chỉ đã phơi bày thực cảnh “phao” được rải trắng trường sau những buổi thi. Ấy vậy mà có vị giáo viên còn loanh quanh bào chữa, ngụy biện. Chỉ đến khi phóng viên đưa ra bằng chứng xác thực, vị này mới im lặng trong… vô cảm.

Sự vô cảm chốn học đường có thể tổn hại tương lai đất nước. Làm sao có thể kì vọng vào một thế hệ cán bộ, bác sĩ, nhà khoa học… ưu tú, có nhân cách, có đủ năng lực đưa đất nước hóa rồng nếu thời kì đi học họ phải chịu ảnh hưởng của tiền, quan hệ, phao,…?

Vô cảm trên thương trường

Chúng ta từng lo về cái ăn cách đây vài thập kỉ. Ấy là lo sao cho có đủ lương thực, thực phẩm. Đáng buồn thay, hiện nay chúng ta lại phải lo nên lựa chọn ăn gì cho an toàn giữa bao nhiêu lựa chọn. Sự vô cảm khiến người ta không ngại ngần nhập những thực phẩm đáng lẽ đã phải được tiêu hủy ở xứ người về bán cho đồng loại.

Người ta còn nhẫn tâm sử dụng các hóa chất cấm sử dụng để “đánh bóng”, “làm tươi”, “tráo mác” hàng hóa, đánh lừa người tiêu dùng. Cám cảnh thay khi giờ đây trồng rau, nuôi gia cầm trên sân thượng, lan can, cạnh đường cao tốc. Cứ đà này, biết đâu một ngày nào đó, Hà Nội trở thành một… “nông trại trên không”?

Cứ thỉnh thoảng chúng ta lại nghe thông tin cơ quan chức năng phát giác các vụ nhập khẩu, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng độc hại. Sẽ không có gì là quá khi kết luận sự vô cảm của một bộ phận tư thương đang đầu độc giống nòi. Người Việt đến bao giờ nâng cao được “tầm vóc” khi hàng ngày cứ phải tuồn vào trong cơ thể mình biết bao nhiêu là độc chất?

Vô cảm trong lễ hội

Cứ mỗi mùa lễ hội, các cơ quan chức năng lại phải đau đầu tìm cách tiết chế đám đông, xử lí những trái tim vô cảm hành hương đến với lễ hội với mưu cầu cá nhân thay vì niềm tin tín ngưỡng hay nhu cầu chia sẻ. Cả biển người chen lấn, giẫm đạp lên nhau chỉ vì một vuông giấy nhỏ, một cành hoa, để được giúi tờ bạc lẻ vào tay tượng hay cắm cho xong một nén nhang.

Cứ sau mỗi ngày lễ hội, những người lao công lại oằn lưng dọn dẹp “chiến tích” mà số đông để lại, vương vãi dưới nước, trên đất, trên cây. Sự vô cảm đến xót xa của số đông trong trường hợp này tạo điều kiện cho việc nảy nở, ngày càng phổ biến của sự vô cảm khác, đến từ những kẻ “buôn bán thánh thần” nơi lễ hội.

Nhân thế phải tự hỏi rằng, những người mà đến thánh thần còn không sợ, còn mua bán thì còn thứ gì trên đời khiến họ sợ, không thể bán mua?

Cần lắm một “phương thuốc”

Để đất nước chuyển mình mạnh mẽ, xứng với tiềm năng, chúng ta còn cả chặng đường cần đi. Nhưng trong lúc chăm lo về kinh tế, xã hội, thì chăm lo cho phần hồn càng không thể lơ là. Trong bộn bề bao nhiêu việc phải làm, đã cần lắm phương thuốc đặc trị cho căn bệnh vô cảm. Bằng không, chúng ta sẽ chỉ có thể “hóa rồng” trong trí tưởng tượng của chính bản thân mình.

Nguyễn Công Thảo