Từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, không triều đại nào của Trung Quốc lại không đưa quân sang xâm lược nước ta.Về lý thuyết, khả năng chúng ta bị bóp nát là quá rõ nhưng về thực tiễn, sớm muộn tuy có khác nhau nhưng rốt cuộc, Trung Quốc luôn bị đại bại thảm hại.

Biển Đông: Việt Nam chỉ có một con đường

LTS: Mấy ngày qua, tình hình biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng bởi hành vi ngang ngược của Trung Quốc. Sự kiện này đã đầy cao căng thẳng cho cả khu vực. Một lần nữa, bản chất của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán có từ hàng ngàn năm qua lại trỗi dậy.

Trước vấn đề thời sự đặc biệt nóng hổi này, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao với TS.Nguyễn Khắc Thuần, nguyên Viện Trưởng Viện Châu Á và hiện đang là Trưởng khoa Du Lịch và Việt Nam Học của trường đại học Nguyễn Tất Thành mong có cái nhìn bao quát lý giải cho sự kiện.

{keywords}
Người dân TP. HCM tuần hành yêu nước

Chưa có triều đại nào của TQ không xâm lược VN

Trong lịch sử, nước ta đã rất nhiều lần bị phong kiến phương Bắc xâm lược. So với ta, Trung Quốc luôn là gã khổng lồ và hung hăng. Song điều kỳ diệu là dù chúng mạnh tới đâu, kết cục cũng bị thua. Tài liệu lịch sử trong và ngoài nước đều ghi rõ ràng như vậy. Theo ông, cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc ta ở đâu?

Từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, không triều đại nào của Trung Quốc lại không đưa quân sang xâm lược nước ta. Họ đã dốc toàn lực để đánh, thậm chí còn kích động các lân bang đem lực lương phối hợp với họ để đánh.

Về lý thuyết, khả năng chúng ta bị bóp nát là quá rõ nhưng về thực tiễn, sớm muộn tuy có khác nhau nhưng rốt cuộc, Trung Quốc luôn bị đại bại thảm hại. Trung Quốc không chỉ đem binh hùng tướng mạnh, lương thực đầy đủ, vũ khí dồi dào và thuốc men chữa trị rất chu tất, hơn thế nữa, họ còn huy động trí tuệ của các nhà thông thái vào hàng bậc nhất của Trung Quốc để bày mưu tính kế đánh ta.

Về lý thuyết, khả năng chúng ta bị diệt vong rất khó tránh khỏi nhưng về thực tiễn, nói theo cách của Quang Trung Nguyễn Huệ thì "ta đã đánh cho muôn đời biết rõ rằng nước Nam anh hùng là có chủ", "không phải hễ ai muốn vào cứ vào, ai muốn ra cứ ra".

Cội nguồn sức mạnh của chúng ta kết tinh ở ý thức đoàn kết keo sơn vì nghĩa cả thiêng liêng là đánh giặc giữ nước. Giặc đến, Hoàng Đế và hoàng tộc ra trận, triều đình và văn võ bá quan ra trận, tất cả lực lượng vũ trang từ chính quy đến dân binh ra trận, người già ra trận, phụ nữ ra trận, trẻ em cũng ra trận...

Kẻ thù không phải chỉ đối đầu với các binh chủng chính quy bừng bừng khí thế mà thực sự chúng phải đối đầu với cả một dân tộc được tổ chức và động viên đến cao độ. Nhìn ở góc độ đó, chưa từng có lực lượng vũ trang nào trên hành tinh này lại hùng hậu như Việt Nam.

Trước thử thách lớn này, có lẽ tất cả chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh : "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

{keywords}

TS.Nguyễn Khắc Thuần. Ảnh: Duy Chiến

To chưa chắc lúc nào cũng mạnh

Tương quan lực lượng đôi bên xưa và nay có khác nhau không? Có tài liệu nói thời Mãn Thanh, GDP Trung Quốc chiếm 45% GDP của thế giới nhưng Mãn Thanh vẫn đại bại thảm hại khi xâm lược nước ta. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?

Xét riêng về diện tích lãnh thổ, Việt Nam chỉ mới nhỉnh hơn nửa số lẻ của Trung Quốc một chút. Xét riêng về dân số, Việt Nam cũng chỉ mới nhỉnh hơn một phần tư số lẻ của Trung Quốc một chút. Dùng những con số đại như thế để so sánh, kẻ yếu bóng vía rất dễ bị choáng ngợp, rất dễ bị mất chí khí và không đủ tự tin đứng dậy chứ đừng nói đến hiên ngang cầm vũ khí ra trận!

Trung Quốc thời nào cũng có tiềm lực kinh tế mạnh hơn ta. Mãn Thanh tuy rất mạnh nhưng trong lịch sử, Trung Quốc mạnh nhất chính là thời nhà Nguyên. Bấy giờ, nhà Nguyên phủ kín từ Hắc hải đến Thái Bình Dương, còn Đại Việt ta chỉ mới có lãnh thổ nay đại để tương ứng với khu vực kéo dài từ Gio Linh của Quảng Trị ra đến hết miền Đông Bắc và dân số khoảng ba triệu người.

Châu Âu hoảng sợ, phần lớn châu Á bị tan hoang bởi vó ngựa hung hãn của đế quốc Mông Nguyên. Nhưng ba lần tràn sang, cả ba lần quân Mông Nguyên đều bị thất bại nặng nề; diễn đạt theo cách của cây bút Trương Hán Siêu thì "Đến nay nước sông vẫn chảy hoài, mà nhục quân thù không rửa hết"!

Tất nhiên Đại Việt may mắn có danh tướng Trần Hưng Đạo nhưng quan trọng hơn, giữ vai trò quyết định hơn chính vì Đại Việt là Đại Việt, một đất nước có truyền thống ngoan cường và bất khuất, đoàn kết trên dưới một dạ, đúng như lời Trần Hưng Đạo "Vua tôi đồng lòng, cả nước ra sức". Một khi sức mạnh tinh thần chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, không phương tiện khoa học kỳ diệu nào có thể cân đong đo đếm và dự báo chính xác được đâu.

Từ lịch sử, Việt Nam có thể rút ra kết luận hay quy luật gì trước mối họa từ phương Bắc mà cha ông ta bao đời đã chống trả thành công?

Ngay từ thời Tần Thủy Hoàng, những tư tưởng lớn của chiến lược bành trướng đã hoàn chỉnh, tất cả các triều đại sau đó của Trung Quốc gần như chỉ kế thừa và ứng dụng vào hoàn cảnh mới.

Ba tư tưởng lớn của chiến lược bành trướng tồn tại xuyên lịch sử Trung Quốc là : Viễn giao cận công (Xa thì giao hảo còn gần thì đánh), Tiền Nam hậu Bắc (Giải quyết các vấn đề ở phương Nam trước, giải quyết các vấn đề ở phương Bắc sau) và Tằm thực (Làm theo lối tằm ăn dâu. Bé nhỏ là con tằm mà ăn hết cả vườn dâu lúc nào không hay cũng chính là con tằm).

Cần chú ý rằng,  không phải Trung Quốc ráo riết thực hiện chiến lược bành trướng khi Trung Quốc mạnh nhất, ngược lại, có khi vì Trung Quốc đang gặp những bế tắc trong nội bộ. Bởi lẽ này họ thường khéo léo tìm cách dồn mâu thuẫn từ bên trong ra bên ngoài, gây hấn ở bên ngoài để cố gắng tập trung chú ý của dư luận bên trong.

Ngoài ra, hễ tình hình thế giới có những biểu hiện bất ổn, lập tức Trung Quốc sẽ lợi dụng để thị uy sức mạnh, nhằm tạo lợi thế cho mình. Cuối cùng, xin tóm lược di huấn của Trần Hưng Đạo là giặc ồ ạt đưa quân sang không đáng lo bằng việc chúng âm thầm thực hiện các mưu đồ về kinh tế và dân sự.

Thưa ông, trong thời đại hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay thì mối họa xâm lăng có thể biến tướng, biến hình ra sao và chúng ta cần nhận diện và chuẩn bị những gì để bảo vệ được Tổ quốc?

Sự biến tướng và biến hình của đại họa xâm lăng là một hiện tượng có thật, nhưng riêng với Trung Quốc, tất cả chẳng có gì mới mẻ bởi họ đã áp dụng từ hàng ngàn năm nay.

Xâm lược và thống trị, nô dịch và đồng hóa, thẳng tay trấn áp đẫm máu và dùng chiêu bài chính trị giả hiệu để lừa bịp...tất cả đều đã được Trung Quốc áp dụng nhưng điều đáng nói là cuối cùng chúng đều bị thất bại.

Nhân danh một dân tộc ngoan cường, có lẽ chúng ta nên nhắc các thế lực cầm quyền đầy tham vọng của Trung Quốc, rằng không có chính nghĩa, đừng mong giành được chút gì có giá trị.

Duy Chiến (thực hiện)

Xem các bài cùng chủ đề

Kiện TQ, cơ hội thắng của Việt Nam đến đâu?

-  Dù chính quyền Bắc Kinh không chịu ra trước tòa, Việt Nam vẫn có thể trình bày tất cả các bằng chứng trên trước tòa án và trước dư luận thế giới.

Trung Quốc muốn “nắn gân” lại Việt Nam

 Khi Việt Nam đang dường như tăng cường mối quan hệ với Hoa Kỳ, vì thế Trung Quốc muốn “nắn gân” trở lại đối với Việt Nam.

Biển Đông: Việt Nam chỉ có một con đường

 Có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường…

Giàn khoan: TQ mưu toan một mũi tên trúng đích nào?

Hai cái đích quan trọng của TQ mưu toan là thử thái độ của Việt Nam và thử chính sách khu vực của Hoa Kỳ.

'Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế'

"Việt Nam cũng nên đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc".

Biển Đông: ASEAN cần phản ứng thống nhất

 Trước những hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam và các nước láng giềng cần có một phản ứng thống nhất.

Quan chức Mỹ: TQ hành động 'nguy hiểm, đe dọa hòa bình'

"Việc TQ đưa giàn khoan nước sâu vào và tầu hộ vệ vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của VN là hành động mang tính khiêu khích, đe doạ tới an ninh ở khu vực".