Cha mẹ trải chiếu cho con một chỗ trong biên chế, tốt nhất là thay chính họ, sẽ vô cùng thuận lợi.  Chuyện "mang tai mang tiếng" (của các sếp đặt con thay mình) bị chính sự thực dụng của thị trường đè bẹp.

>> Làm thế nào VN có 'những cú thay đổi ngoạn mục'?

>> Người Việt ưa nịnh, thích 'dìm': Tác hại đến đâu?

>> 'Học xong thế nào bố chẳng xin việc cho'

>> 'Hậu duệ, quan hệ' và những người 'không ở đâu' 

Trong kỳ thi quốc gia năm vừa rồi, người ta đã lấy một đoạn trong sách của tác giả trẻ John Trần Hùng  làm đề văn. Đề như sau: trong sách "John đi tìm Hùng", tác giả John Trần Hùng viết:

"Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn."

"Tính cách thụ động"

Rõ là theo cách nói của bạn trẻ John Trần Hùng, nếu gen ưa khám phá kiểu "mang gươm đi mở nước" ở người Việt không còn  trội nữa, thì dễ an phận chấp nhận "áp lực xã hội".

Tỷ như, cha mẹ trải chiếu cho con một chỗ trong biên chế, tốt nhất là thay chính họ, sẽ vô cùng thuận lợi.  Chuyện "mang tai mang tiếng" (của các sếp đặt con thay mình) và sự gượng ép (việc làm mới không đúng sở trường của con) bị chính sự thực dụng của thị trường đè bẹp.

Những người trẻ tuổi quyết xây đời theo ước vọng của mình, không chịu đặt đâu ngồi đấy, lại thường bị xa lánh, cho là có tính cách "nổi loạn", "dị giáo", không dễ thành đạt. Còn lại là sự yên phận, xoay xở trên mặt phẳng ngang: đời cua cua máy...

Tính cách thụ động của người Việt, theo kết quả kỳ thi PISA 2012 mà Bộ GD&ĐT công bố có thể tỏa sáng thành kết quả "tính kiên trì của học sinh Việt được xếp hạng 7/68 nước tham gia kỳ thi PISA". Còn mảng tối mênh mông của tính cách thụ động phải chăng là: "sự cởi mở, linh hoạt trong giải quyết vấn đề của học sinh Việt xếp hạng... 67/68".

{keywords}
Cha mẹ trải chiếu cho con một chỗ trong biên chế. Ảnh minh họa

Đường vẽ sẵn?

Lối mòn này vốn đã được định sẵn.

Có thể hình dung một con đường "vẽ sẵn" từ xưa.  Đầu đường có một ông cố Hồng (có vai vế trong tôn ti quân - thần - phụ - tử của Khổng giáo) chưa nghe ta trình bày về những "áp lực xã hội" đã bảo: "Biết rồi - khổ lắm - nói mãi". Trên đường đi có những ông Trí Ngủ phe phẩy quạt mo: "tại cái nước mình nó thế"...

Có ai đi thử...

Vậy các học giả phương Tây nhìn nhận bản tính thụ động này của người Việt thế nào?

Hai học giả Pháp,  McAlister và Paul Mus, trong "Người Việt và cuộc cách mạng của họ" (The Vietnamese and Their Revolution) xuất bản năm 1970 miêu tả rằng, người Việt trong quá khứ dè chừng vai trò tiên phong, họ đã hằn sâu những bài học lịch sử: "Bằng một trắc nghiệm về hợp đạo trời (legitimacy - chính danh, hợp pháp) những người Việt sẽ chờ đợi, không hề tin tưởng ngay vào khả năng của một người (cầm đầu) nổi dậy có thể lãnh đạo được, cho đến khi xuất hiện một sự công nhận rộng rãi về việc người thủ lĩnh này đã được trời ban cho thiên mệnh (mandate of Heaven)".

Những nghiên cứu sâu hơn của phương Tây về người Việt trong lịch sử cho rằng "đặc tính nhường ấn tiên phong" của người Việt có thể là sự chờ đợi để bộc lộ rõ tài đức của một anh hùng xuất chúng, ứng với điềm trời về việc thiên ấn đã được trao cho một thế lực mới, thay triều đại cũ đã "thất đức" (bị trời tước thiên mệnh), đang trên đà sụp đổ.

McAlister và Paul Mus trong sách trên, cho hay trong quá trình "trắc nghiệm" như thế, người Việt quan sát kỹ lưỡng, với những đòi hỏi gắt gao, về năng lực của một lực lượng có thể vừa được trao thiên mệnh. Hai ông cho rằng thế lực mới ("đi thử, làm thử" - như cách nói của John Trần Hùng) muốn tỏ ra đã được trao thiên ấn, phải thể hiện được sự  dẫn dắt tài tình, phải đi từ thành công này đến thành công khác một cách trơn tru. Nếu không thì người khởi xướng trào lưu mới này khó mà được phong làm con trời (thiên tử), và trào lưu mới này không có chỗ đứng chân trong lòng dân. Theo cách nói của John Hùng, đây cũng là một kiểu "áp lực xã hội" đặt lên vai lực lượng "đi tiên phong".

"Áp lực xã hội"

Vậy nhìn nhận áp lực xã hội tác động đến tính cách thụ động của người Việt thế nào?

Áp lực (sức ép) xã hội cũng có thể hiểu là sự im lặng đáng sợ của những âm thanh không lời đè nén hàng ngàn năm của lối nghĩ chấp nhận và ăn theo, như: chẳng thay đổi được gì đâu, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên...

Mọi phát kiến có vẻ mới, chẳng hạn như lệnh cấm ngủ trưa tại cơ quan nọ cũng đang được bình xét kỹ càng, thậm chí có thể bị ném đá khốc liệt.

Những người có ý tưởng mới thì ít khi kiên định, nhất là đối diện với làn sóng dư luận (chứ không phải do ý tưởng mới của họ kém cỏi).

Sức ép vô hình có thể tạo ra những giá trị thật giả lẫn lộn trong xã hội. Người nông dân vào bệnh viện với tất cả sự thật thà của người không am hiểu xã hội thành thị. Họ được chỉ định phải đến Hiệu thuốc X , nhất định phải đến đó, để mua thuốc điều trị. Bác sĩ thường lý giải, như người bệnh có thể mua phải thuốc giả, nhưng trong nhiều trường hợp là một màng lưới phân phối thuốc ngoại ngập trong ăn chia, đè sức nặng chết người về giá lên dân nghèo. Người viết bài này đã chứng kiến hãng thuốc ngoại giật mình, khi được đối tác nội (một Cty nhà nước) cho hay giá thuốc bán ra trên thị trường Việt sẽ gấp 7 lần so với đầu vào...

Cũng theo các học giả phương Tây, "mặt bằng" giá trị đạo đức có thể nâng cao nhanh chóng nhờ sự "làm gương" của người đứng đầu nhưng về toàn thể, đời sống đạo đức ở xã hội Khổng giáo không tiến hóa dần, dù chậm, theo chiều vươn lên (như phương Tây), mà thăng giáng đột ngột (moral life jumped, spasmodically, from crisis to crisis...). Vậy là khi không thịnh pháp trị, lại thiếu đức trị, thì đời sống đạo đức cũng nhanh "mất giá".

Áp lực xã hội này (của sự xuống cấp trong đời sống đạo đức) sẽ làm con người thêm "thụ động" trong vỏ ốc. Và trong điều kiện công nghệ mới và kinh tế tri thức, đợi đến khi có một trào lưu gương mẫu, đức độ thắng thế, thì nhìn ra xứ người, học đã bứt đi xa quá mất rồi?

Ai lo hộ?

Thử đi tìm một lối thoát cho nếp nghĩ thụ động...

Trong xã hội gia trưởng, người ta chẳng cần phải đóng vai trò tiên phong vẫn được ngồi chiếu trên, bét nhất vẫn có vợ, con, cháu hầu. Những trang quân tử, kể cả tư cách thực ra đáng ngờ, vẫn được hỗ trợ bởi quyền uy "tam tòng", vợ nhất nhất vâng theo, thậm chí cả mẹ cũng phải theo, một khi cha đã về chín suối.

May thay, có những huyền thoại gái giả trai đi học, đi đánh giặc trong sử Việt. Mới đây trên Tuần Việt Nam có bài về một John - đối tác Tây trong làm việc nhóm, viết cho nữ đồng nghiệp người Việt của mình:

"Giáo dục Việt Nam đã khác xưa nhiều lắm rồi, tôi thấy nhiều bà mẹ Việt Nam đã chủ động tìm kiếm những phương pháp giáo dục ở các nước tiên tiến..."

Phụ nữ (từng là phận "nữ nhân hạ tiện") đang đi đầu trong tìm đường thoát ra khỏi lối mòn của học nhồi nhét của xã hội Khổng, và khỏi gánh nặng "học thêm" thời đạo đức giả lên ngôi? Họ có sẵn sàng tiên phong trong những lĩnh vực khác?

Khi đức ông chồng thụ động trong lối nghĩ, thì rất nhiều người phụ nữ hôm nay lĩnh cả ấn tiên phong để thay đổi.

Ngay các tác giả như McAlister và Paul Mus, rồi Peter DeCaro, đều đề cập vai trò công cuộc giải phóng phụ nữ khởi động từ những năm 1940 qua "bình dân học vụ", và chính thức được phát động từ 1945.

Rõ là, ngày nay, nhiều phụ nữ Việt đã sớm vứt bỏ cái tính cách thụ động muôn thuở, chủ động tìm đường thoát khỏi lối mòn chỉ với tâm nguyện sao cho "con hơn cha"...

  • Lê Đỗ Huy