Cử tri mong QH sẽ bổ sung quy định về các thủ tục hoạt động để mở đường cho ĐBQH đẩy chất vấn đi đến cùng được dễ dàng hơn. Mặt khác, cũng mong ĐB sử dụng nhiều hơn những công cụ sẵn có.

>> Nghị trường không có chỗ cho lời 'phản cảm'

>> Từ phát ngôn 'gây bão' của đại biểu Quốc hội

>> Điều thú vị về tòa nhà Quốc hội mới

>> Quốc hội và tách cà phê

Hơn hai ngày chất vấn trôi qua, nhiều câu chuyện cuộc sống được đặt lên bàn nghị sự, nhưng cũng nhiều vấn đề còn dang dở. Dĩ nhiên, cử tri muốn các ĐBQH theo đuổi đến khi các vấn đề được xử lý mới thôi. Nhưng, không dễ làm điều đó vì những nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thủ tục.

Theo dõi chất vấn lần này và từ trước tới nay, có thể nhận ra một vài điểm cần cải tiến để đẩy vấn đề đi xa hơn.

Trước hết, vẫn có những ý kiến thắc mắc về chương trình chất vấn, sao không chọn Bộ trưởng này, Bộ trưởng kia, dù trong lĩnh vực đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng, hoặc vừa xảy ra chuyện nóng? Sở dĩ như vậy vì quy trình chọn người trả lời và chọn "nhóm vấn đề" để tập trung chất vấn ở kỳ họp chưa cụ thể.

Cách làm hiện nay dẫn đến hệ quả là có thể không phản ảnh hết ý chí của ĐBQH, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của ĐBQH và cử tri, đặc biệt là những vấn đề bức xúc thực tiễn đặt ra.

Có thể tham khảo cách làm ở nhiều nước, đó là để các bộ trưởng thay nhau trả lời, làm sao cho không một bộ trưởng nào vắng mặt qua các phiên chất vấn của nhiệm kỳ. Đồng thời, vẫn cần xuất phát từ tình hình thực tế để chọn bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đang có nhiều vấn đề nóng. Hoặc như nhiều ĐB từng đề xuất, chỉ xoáy vào một vài vấn đề , "đẩy đến cùng xem là gì".

Thứ hai, chia sẻ với báo chí, ĐBQH nhận xét, có những bộ trưởng trả lời chưa đầy đủ, có những nội dung ĐB không thỏa mãn. Chỉ có điều, chúng ta biết được thái độ này qua báo chí, chứ không phải ngay tại hội trường.

Việc bà Nguyễn Thị Khá lập tức bấm nút hỏi tiếp tại phiên chất vấn chiều 17/11 là một trường hợp rất hiếm hoi trong lịch sử QH kể từ khi bắt đầu chất vấn. Câu trả lời "gây sốc" của Bộ trưởng làm người ta bỏ qua động tác bấm nút hỏi tiếp của đại biểu, quên mất một vấn đề quan trọng trong thủ tục tiến hành chất vấn: đặt câu hỏi phụ, tạo cơ hội làm rõ vấn đề.

Trải qua nhiều kỳ họp của các nhiệm kỳ QH, nhiều ĐBQH từng cho biết, "nếu có cơ hội, "nếu có điều kiện", "nếu có thêm thời gian", "sẽ chất vấn thêm", "hỏi lại", "tranh luận tiếp"... Thực ra, Luật cho phép, nếu ĐB không đồng ý với thì có quyền đề nghị QH tiếp thảo luận tại phiên họp đó hoặc phiên họp khác. Tiếc rằng, Luật không quy định cụ thể thủ tục thực hiện quyền này, và trên thực tế, chưa ĐBQH nào dùng quyền này.

{keywords}
Đại biểu Nguyễn Thị Khá. Ảnh: Minh Thăng

Bên cạnh đó, có những ĐBQH từng đề xuất, Chủ tọa phiên chất vấn thấy câu trả lời chưa thoả mãn ý người hỏi thì cho hỏi lại. Thế nhưng, qua các thời kỳ, đã có những trường hợp, có lẽ vì thời gian,  khi thấy đại biểu chưa hài lòng với câu trả lời, chủ tọa đề nghị đại biểu có thể gặp riêng bộ trưởng để trao đổi thêm. Trao đổi thêm giữa ĐB với bộ trưởng cũng là việc cần thiết, có thể làm rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên, chất vấn và trả lời chất vấn không phải là việc của hai người với nhau, mà là một công cụ giám sát của QH với chính phủ, có mục tiêu làm rõ trách nhiệm điều hành của chính phủ.

Vì vậy, tốt hơn hết, cần tạo điều kiện để việc "trao đổi" đó diễn ra ngay tại phiên chất vấn để toàn thể Quốc hội cùng làm rõ hơn vấn đề và cử tri cả nước được biết.

Nhìn ra ngoài, nhiều nước cho phép nghị sỹ đã nêu câu hỏi hoặc cả các nghị sỹ khác đặt câu hỏi phụ sau khi bộ trưởng trả lời câu hỏi chính ban đầu, tạo điều kiện làm rõ những điểm mà bộ trưởng vô tình hay cố ý trả lời chung chung, chưa rõ, thiếu hoặc "quên". Phiên hỏi - đáp ở các nước luôn diễn ra với tốc độ cao, dồn dập, mỗi lần nêu câu hỏi và trả lời đều ngắn, chỉ được trong vài phút, đứng lên, ngồi xuống liên tục, "chóng cả mặt". Hơn thế, theo kiến nghị của nghị sỹ, toàn thể nghị viện có thể tranh luận về vấn đề nêu trong chất vấn.

Chẳng hạn ở nghị viện Estonia, sau khi bộ trưởng trả lời, người nêu chất vấn bắt đầu cuộc tranh luận, các nghị sỹ khác tiếp lời, đại diện các nhóm đảng và các ủy ban phát biểu về vấn đề được nêu.

Thứ ba, Luật Hoạt động giám sát của QH đã trao cho ĐBQH quyền "kiến nghị QH xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. QH ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn khi xét thấy cần thiết".

Vấn đề là ở chữ "cần thiết" này: "khi cần thiết" có phải là chỉ khi có "vấn đề về trách nhiệm của người bị chất vấn" hay không, trách nhiệm của người trả lời chất vấn là loại trách nhiệm gì, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có mối quan hệ gì với việc bỏ phiếu tín nhiệm... Do đó, khi QH ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp thứ 6, QH khóa XII, còn có nhiều ý kiến khác nhau. Luật cũng không quy định thủ tục cụ thể, ai sẽ quyết định ra nghị quyết: QH hay UBTVQH, hay Chủ toạ; ĐB muốn kiến nghị ra nghị quyết thì làm theo trình tự nào; nghị quyết sẽ ra vào thời điểm nào: sau khi từng Bộ trưởng trả lời, hay sau ba ngày chất vấn.

Ở các nước có chất vấn, trong nhiều trường hợp có thể diễn ra biểu quyết sau khi chất vấn, thậm chí dẫn đến kiến nghị về bất tín nhiệm chính phủ. Các vấn đề có thể biểu quyết là:

Ở các nước có chất vấn, trong nhiều trường hợp có thể diễn ra biểu quyết sau khi chất vấn, thậm chí dẫn đến kiến nghị về bất tín nhiệm chính phủ.

Biểu quyết về kiến nghị khiển trách đối với các chính sách của bộ được nêu trong chất vấn hoặc về toàn bộ hoạt động của bộ. Thứ hai, nghị viện có thể biểu quyết về kiến nghị ra nghị quyết thể hiện thái độ về vấn đề được nêu hoặc về phản hồi của chính phủ, nhưng không đề cập đến vấn đề trách nhiệm của chính phủ.

Đây là những cách làm có thể học hỏi để áp dụng, có thể cân nhắc thay việc chủ tọa cuối mỗi phiên chất vấn nhận xét, "chấm điểm" người trả lời. Bởi chất vấn là công cụ giám sát của toàn thể QH, vì vậy, việc tỏ thái độ với người trả lời chất vấn tại hội trường là quyền và chức năng của QH qua một nghị quyết.

{keywords}

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng

Thứ tư, về quy trình hậu chất vấn, "trong trường hợp vấn đề chất vấn cần được điều tra" (hiểu theo nghĩa cần làm rõ hơn), có ba khả năng có thể được áp dụng là "trả lời trước Uỷ ban thường vụ QH" hoặc "tại kỳ họp sau" hoặc "trả lời bằng văn bản". Nhưng pháp luật hiện hành còn chưa nêu rõ thế nào là "vấn đề chất vấn cần được điều tra" và trong trường hợp cụ thể nào thì áp dụng các khả năng nói trên.

Trên thực tế, QH cũng chưa quyết định một trường hợp vấn đề chất vấn cụ thể nào cần phải điều tra để áp dụng khả năng trên. Có người đề xuất cần quy định cụ thể về tiêu chí của "những vấn đề chất vấn cần được điều tra" để chọn các khả năng áp dụng phù hợp. Đề xuất này có vẻ hợp lý, nhưng trên thực tế, khó có thể nêu ra tiêu chí rõ ràng về những vấn đề khó định danh.

Vì vậy, hợp lý hơn khi trao cho ĐBQH quyền nêu kiến nghị để toàn thể QH biểu quyết về những vấn đề trọng tâm của phiên chất vấn cần tiếp tục làm rõ, cần trả lời tiếp theo một trong ba trường hợp nêu trên.

Được biết, năm 2015, dự kiến QH sẽ chất vấn lại về những vấn đề đã nêu năm cũ. Đây có thể là ý tưởng hay, nhưng có thể đến thời điểm đó, các vấn đề đã được giải quyết. Do đó, tùy tình hình, một lần nữa hãy để cho cá nhân ĐBQH kiến nghị và toàn thể Quốc hội quyết định có cần chất vấn lại hay không.

Cũng trong quy trình hậu chất vấn, người trả lời phải có "trách nhiệm báo cáo với ĐBQH bằng văn bản về việc thực hiện lời hứa". Quy định trách nhiệm như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy vấn đề đi đến cùng, đáp ứng mục tiêu chất vấn là làm rõ trách nhiệm.

Tuy vậy, báo cáo "khi trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp theo" là không phù hợp, vì người trả lời chất vấn tại kỳ họp trước có khi không được đưa vào chương trình chất vấn lần tiếp. Vì vậy, cần quy định rõ về một thời hạn nhất định, ví dụ 6 tháng hoặc 1 năm người trả lời chất vấn có trách nhiệm báo cáo với ĐBQH bằng văn bản về việc thực hiện lời hứa.

Để đẩy vấn đề đi đến cùng, ĐBQH đóng vai trò hàng đầu. Nhưng vai trò đó chỉ có thể phát huy hết khi có các yếu tố khác, trong đó không thể thiếu quy trình, thủ tục đầy đủ, hợp lý. ĐBQH cần được có tiếng nói nhiều hơn trong quy trình tiến hành chất vấn, từ việc chọn người, các vấn đề nêu ra, cơ hội hỏi lại, hỏi thêm, tranh luận, cho đến việc tỏ thái độ bằng nghị quyết, làm rõ các vấn đề sau chất vấn. Đến lượt mình, thủ tục nhiều khi xuất phát từ thực tiễn hoạt động của đại biểu, của Quốc hội. Bởi vậy, một khi đã được trao quyền, tại sao đại biểu không sử dụng quyền đó?

Bởi thế, một mặt, cử tri mong QH sẽ bổ sung các quy định về các thủ tục hoạt động để mở đường cho ĐBQH đẩy chất vấn đi đến cùng được dễ dàng hơn; mặt khác, cũng mong ĐB sử dụng nhiều hơn những công cụ sẵn có, chủ động đưa chất vấn đi đến cùng.

  • Nguyễn Đức Lam

Bài cùng tác giả

 

Điều thú vị về tòa nhà Quốc hội mới

Thật thú vị khi tòa nhà Quốc hội nằm trên đường Độc Lập, cửa chính vào từ đường Độc Lập. Không gian nghị trường rất cần đến tính độc lập trong hoạt động của QH.