Nghỉ hè là dịp lý tưởng để họ tập hợp lại, tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm công bố các “thực tiễn giáo dục” của bản thân đã thực hiện trong năm và thảo luận cùng đồng nghiệp.
Ở Nhật, ngoài kì nghỉ đông, nghỉ xuân, các trường học cũng có kì nghỉ hè giống như Việt Nam. Do hệ thống hành chính giáo dục của Nhật ở một mức độ nhất định thừa nhận và bảo hộ tính tự trị ở địa phương, cũng như do sự khác biệt về các điều kiện tự nhiên-xã hội ở từng khu vực, thời điểm nghỉ hè và thời gian của kì nghỉ sẽ thay đổi theo từng địa phương. Nhưng nhìn chung kì nghỉ hè thường bắt đầu từ giữa tháng 7 cho đến hết tháng 8, kéo dài từ 25 – 40 ngày theo từng tỉnh/ thành.
Không được “dạy thêm” mà vẫn bận rộn
Kì nghỉ hè, giáo viên Nhật sẽ được nghỉ ngơi và dành cho việc riêng? Về lý thuyết có vẻ như vậy nhưng trên thực tế, thời gian nghỉ thật sự, tách hoàn toàn khỏi công việc của giáo viên Nhật trong hè rất ngắn, nhiều cũng chỉ khoảng 10 ngày.
Ở Nhật thông thường các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên kí hợp đồng dài hạn vẫn phải đi đến trường làm việc ngay cả khi không có tiết dạy như người làm việc ở các công sở khác. Họ đến trường để nghiên cứu, đọc sách, chuẩn bị cho bài giảng, tham gia các sinh hoạt học thuật của trường học và cố vấn cho các hoạt động, các câu lạc bộ (CLB) học sinh.
Lương giáo viên Nhật đủ để chi dùng cho cuộc sống ở mức trung bình và luật cấm họ làm việc ở các trung tâm luyện thi hay tham gia giảng dạy ở trường khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: h-nittai.sakura.ne.jp |
Ở Nhật, hầu như các giáo viên đều tham gia làm cố vấn cho các câu lạc bộ tự trị của học sinh. Trong chương trình giáo dục ở trường phổ thông Nhật Bản, hoạt động tự trị của học sinh đóng một vai trò quan trọng ngang nội dung giáo dục thông qua các môn giáo khoa. Các câu lạc bộ được hình thành từ tiểu học và sẽ được “chuyên nghiệp hóa” ở bậc học THCS.
Sự tham gia của học sinh vào các CLB ở cấp học này được hiểu như là bắt buộc. Các CLB rất đa dạng bao phủ nhiều lĩnh vực như thể thao, học thuật, nghệ thuật, đời sống, hoạt động xã hội…, nhằm gắn kết tạo ra cộng đồng và giúp học sinh “xã hội hóa” nhận thức, hành vi, mài sắc cá tính, năng khiếu của bản thân, rèn luyện kĩ năng tổ chức và lãnh đạo cũng như những phẩm chất cơ bản để trở thành người công dân dân chủ.
Kì nghỉ hè là khoảng thời gian thuận lợi nhất để giáo viên tập trung vào hoạt động của các CLB của học sinh nói trên. Những giáo viên kiêm cố vấn CLB sẽ rất bận rộn trong dịp hè.
Ngoài ra, trong kì nghỉ hè, giáo viên sẽ phải tham gia các chương trình “đào tạo bồi dưỡng chuyên môn”. Đó có thể là chương trình do Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ, Ủy ban giáo dục địa phương tổ chức, hoặc cũng có thể là chương trình riêng của nhà trường.
Đặc biệt, đáng chú ý nhất là sự tham gia tích cực của giáo viên vào các câu lạc bộ học thuật, các tổ chức học thuật-nghề nghiệp của chính họ. Đây là các tổ chức, diễn đàn hoàn toàn do giáo viên sáng lập, tổ chức và sinh hoạt tự nguyện.
Hiện có hàng trăm, hàng ngàn tổ chức như thế tại Nhật. Nghỉ hè là dịp lý tưởng để họ tập hợp lại, tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm công bố các “thực tiễn giáo dục” của bản thân đã thực hiện trong năm và thảo luận cùng đồng nghiệp.
Ở Nhật, quan niệm giáo viên là nhà giáo dục, nhà thực tiễn giáo dục rất mạnh. Những giáo viên được cấp trên, đồng nghiệp, xã hội đánh giá cao là những người sáng tạo ra các thực tiễn giáo dục của riêng mình. Giáo viên tồi là những người nhất nhất dạy theo SGK.
Trong gần 10 năm học ở Nhật, tôi may mắn có cơ hội giao lưu, tham dự rất nhiều các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên môn của các tổ chức đó. Nhờ vậy, tôi được gặp gỡ, lắng nghe học hỏi kinh nghiệm từ chính các giáo viên đang giảng dạy ở trường phổ thông Nhật Bản.
Ví dụ, tôi từng nhiều lần tham dự các buổi hội thảo, sinh hoạt học thuật của Hội các nhà giáo dục lịch sử Nhật Bản. Đây là một tổ chức nghề nghiệp thành lập năm 1949, tập hợp các giáo viên dạy các môn Xã hội, Lịch sử, địa lý… trên toàn Nhật Bản và các nhà nghiên cứu, các giáo sư đại học có liên quan, với mạng lưới chi hội rộng khắp.
Mỗi năm Hội sẽ tổ chức Đại hội một lần với một chủ đề nhất định. Đây cũng là dịp các giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông gặp gỡ các nhà nghiên cứu, các giáo sư đại học để trao đổi. Họ cũng sẽ có không gian để công bố các thực tiễn giáo dục, các thử nghiệm mà họ đang thực hiện ở trường học. Hội cũng có tạp chí phát hành định kì hàng tháng đăng tải các bài báo về giáo dục lịch sử và công bố các “thực tiễn giáo dục” của giáo viên.
Hoạt động của giáo viên Nhật Bản trong kì nghỉ hè sẽ là một tham khảo hữu ích cho giáo viên Việt Nam. Để thúc đẩy cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng giáo viên, Việt Nam cần can đảm loại bỏ các phong trào thi đua hình thức, thay vào đó là hoạt động nghiên cứu học thuật với vai trò tự chủ, tự trị của giáo viên trong trường học.
Nguyễn Quốc Vương