Câu chuyện về một chiến dịch đòi lại công lý sau cái chết sau một ca phẫu thuật của chàng trai trẻ Dương Châu Toàn đang gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng. Câu chuyện này là một điển hình cho mâu thuẫn đã tích lũy từ lâu trong mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân.

Công lý cho những người đã mất

Việc người nhà bệnh nhân phản ứng, thậm chí đe dọa, hành hung nhân viên bệnh viện không còn là chuyện hiếm. Chọn lựa cách đối thoại bằng vận động chữ ký như chiến dịch “Công lý cho Toàn” là điều hiếm hoi.

Những người khởi xướng chiến dịch đưa ra lời nhắn:“Tai nạn nghề nghiệp nghề nào cũng có, nghề y cũng không tránh khỏi. Nhưng quan trọng cần làm rõ sai ở đâu, ai chịu trách nhiệm để tránh những nạn nhân tiếp sau. Nguyên nhân tưởng rõ như ban ngày thì bệnh viện vẫn chưa xác định được. Nghe nói chẳng phải vì thuốc hỏng, chẳng phải bác sĩ vô tắc, vậy chẳng lẽ vì Toàn tự nhiên lại rơi vào hôn mê?”

Điều đáng nói là nếu không có hơn 9000 lượt ký tên và 3000 lý do ủng hộ chỉ sau 2 ngày phát động thì có lẽ “Công lý cho Toàn” mãi mãi chỉ là một trang ký tên bị chôn vùi giữa hàng ngàn tin tức khác.

Cảm xúc chung là những bức xúc dồn nén đối với dịch vụ y tế, là sự thiếu tin tưởng của một nhóm người dân với một nhóm nhân viên y tế nói chung và những trải nghiệm “mắt thấy tai nghe” tại Bệnh viện Thống Nhất nói riêng.

Như vậy, “Công lý cho Toàn” không còn là một chiến dịch cho của riêng Toàn. Nó thay lời của hàng nghìn người dân.

{keywords}
Dương Châu Toàn lúc còn sống

Công lý cho người thầy thuốc

Câu chuyện được chia sẻ về một Ngày thầy thuốc buồn của BS. Võ Xuân Sơn sau đó phần nào đã nói lên nỗi lòng của những người làm ngành y.

Trình độ của các bác sĩ ta được xếp loại cao so với chuẩn mực quốc tế trong khi thu nhập và đãi ngộ chưa tương xứng.

Trong khi áp lực công việc nặng nề, cách hành xử của người nhà bệnh nhân lại không phải lúc nào cũng bình tĩnh, văn minh, kết quả là là dường như ai cũng cảm thấy mình ở “thế yếu” trong mối quan hệ bác sĩ-bệnh nhân.

Từ trường hợp của Toàn, BS. Võ Xuân Sơn chia sẻ: “Tôi còn suy nghĩ đến việc tổ chức cuộc vận động cho ra đời một qui định bắt buộc giám định pháp y cho mọi trường hợp tử vong, hoặc chí ít là mọi trường hợp đột tử. Các thầy thuốc không thể cứ mãi vừa bị trói tay, lại vừa bị bắt phải tạo ra những tác phẩm tuyệt hảo.”

Công lý cho chúng ta

Chưa bao giờ có nhiều người lên tiếng và nhiều cuộc “đối thoại” đến như vậy trong xã hội. Việc mở một trang mạng kêu gọi sự vào cuộc của Bô Y tế và cho phép đối thoại là cách hành xử văn minh hơn các hành vi cực đoan từng diễn ra như mang quan tài đến cửa bệnh viện để gây áp lực, lao vào đập phá, thậm chí hành hung bác sĩ….

Nhìn lại toàn cảnh câu chuyện “Công lý cho Toàn”, chúng ta sẽ nhận thấy một phần quan trọng còn thiếu trong dịch vụ y tế: Bao nhiêu người dân biết được họ sẽ phải báo ai, đăng ký với ai khi người thân của họ ra đi đột ngột hay tai biến bất ngờ sau một quá trình điều trị mà không hề được dự báo trước? Ai có nghĩa vụ trả lời minh bạch về điều gì đã xảy ra với người nhà của bệnh nhân?

Giá như gia đình của Toàn được cung cấp một bản báo cáo nhanh và  đầy đủ về quy trình điều trị, cuộc họp thông báo có biên bản ký tên, gia đình có thể đăng ký một cuộc điều tra độc lập (dù phải trả tiền) nếu không hài lòng với kết quả do bệnh viện cung cấp… thì có lẽ những bức xúc sẽ không biến thành một cuộc vận động ký tên.

Khi chưa có một quy trình giải đáp, chúng ta khó có thể mong đợi một câu trả lời thỏa đáng.

Giải pháp nào cho tất cả

Đối thoại và minh bạch thông tin luôn là những nguyên tắc mà chúng ta cần theo đuổi.

Một xã hội văn minh hướng mọi tranh luận đi tới giải pháp chứ không phải là đổ lỗi cho nhau. Sẽ còn ý nghĩa hơn nếu chiến dịch này mở đường cho những cải cách trong chính sách y tế nhằm tìm ra và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Các bác sĩ không thể yêu cầu người dân ngừng chỉ trích đạo đức của ngành y khi những vụ việc như “rác thải y tế được bán tái chế”, “nhân bản kết quả xét nghiệm”… còn tồn tại.

Người dân cũng khó có thể bắt buộc các bác sĩ phải luôn có mặt khi tình trạng quá tải của các bệnh viện chưa được giải quyết hay chính sách đãi ngộ chưa được cải thiện.

Và một khi cải cách từ các nhà quản lý chưa đáp ứng được kỳ vọng, người dân có thể tự hành động thông qua các tổ chức xã hội công dân, những hiệp hội ngành nghề,  những nơi được thành lập vốn để lên tiếng vì quyền lợi của các cộng đồng. Hiển nhiên, những tổ chức này không thể thành lập nếu thiếu những người sẵn sàng tiên phong đứng ra vì lợi ích chung.

Thay cho lời cuối, tôi muốn trích dẫn câu nói của tác giả Bùi Phú Châu trên Tuần Việt Nam có tiêu đề “Vụ nữ tử tù có thai: Kinh ngạc vì cơn phẫn nộ”:

“Và cuối cùng, sức mạnh để một cộng đồng, một xã hội trở nên tốt đẹp hơn sẽ không đến từ những đám đông kích động, cuồng nộ, mà phải từ bản lĩnh giữ được vẹn nguyên giá trị con người cao đẹp trong bất cứ hoàn cảnh nào.”

Dương Châu Toàn, 28 tuổi, là tiếp viên hàng không. Ngày 6/1, Toàn bị ngã xe máy do tránh một người chở hàng, sau đó vào bệnh viện Thống Nhất khám với biểu hiện trầy chân và đau đầu gối. Toàn được bệnh viện hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng, cắt lọc sụn chêm khớp gối trái. Ca phẫu thuật được thực hiện vào chiều ngày 18/1. 4h45 sáng hôm sau Toàn xuất hiện biểu hiện co giật, chảy nước dãi, hạ huyết áp. Dù được cấp cứu sau đó, Toàn vẫn rơi vào hôn mê sâu và mất sau đó 1 tháng.

Không đồng tính với kết luận “không xác định được nguyên nhân” và cho rằng các thông tin do Bệnh viện Thống Nhất đưa ra là không nhất quán, bạn bè của Toàn đã phát động chiến dịch “Công lý cho Toàn” gửi tới Bộ trưởng bộ Y tế và thanh tra Y tế nhằm điều tra vụ việc. 

Hoàng Đức Minh