"Của bền tại người" là câu thành ngữ từ ngàn đời nay. Các cụ đúc kết thật chính xác!

Câu chuyện dùng đá thiên nhiên "tuổi thọ 70 năm" lát vỉa hè ở Hà Nội, vừa lát xong đã vỡ, hỏng lại một lần nữa làm nóng dư luận.

Năm ngoái, khi viết bài "người ở lỗ- cổ đeo hoa " về việc quận 1 thành phố Hồ Chí Minh lát đá Granite vỉa hè, tôi đã quan sát thấy thực tế, những vỉa hè trước cửa nhà dân vừa lát xong đều được họ che chắn bảo quản, giữ gìn, không cho ai dẫm lên. Còn khu vực bị hư hỏng thường là những nơi công cộng. Lát xong, chưa kịp khô, người đi bộ và xe máy cứ thế phi lên "không bong tróc... mới lạ"! 

Từ thực tế này, tôi xin góp bàn vài giải pháp:

Thứ nhất, hãy sâu sát và tiên lượng, dự báo dự đoán, cho quá trình thiết kế và thi công công trình. Nếu chủ đầu tư coi những sản phẩm này như những công trình của gia đình mình thì họ tất phải biết cần nâng niu, che chắn thế nào để gia tăng độ bền và tuổi thọ của công trình. Đừng quên những công trình đó gắn với tên tuổi của các chủ đầu tư.

Thứ hai, với các công trình công cộng, có thể chọn thi công vào ban đêm. Như vậy sẽ giảm thiểu được lượng người tham gia giao thông làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình.

Thứ ba, có chế tài nghiêm khắc với những đối tượng làm hư hại các công trình chung.

Hàng năm, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thưởng bỏ ra một khoản ngân sách cho việc chỉnh trang đô thị. Chắc hẳn rằng khoản chi này không hề nhỏ. Nếu mọi người đều có trách nhiệm giữ gìn không gian công cộng thì đô thị sẽ ngày càng văn minh, lịch sự. Ngược lại, ai cũng chỉ nghĩ đến sự tiện lợi cho mình, nghĩ rằng, "cha chung không ai khóc" thì đô thị sẽ ngày càng xấu xí. Khi đó, ngân sách đổ ra bao nhiêu cũng không thể đủ!

Luật gia Trần Thúc Hoàng