Mọi con đường đều dẫn đến Roma”, mục tiêu không đổi, còn phương pháp thì tùy biến cho phù hợp. Áp đặt chỉ một phương pháp, thì khi xảy ra “sự tráo trở của phương pháp”, bị lên án là hoàn toàn đúng.

Mời xem lại kỳ 1: Trường như phù thủy, thày cô như zoombie

Phải vỗ bằng hai tay mới kêu. Hoàng Hường đã đúng khi cho rằng phụ huynh nên hỗ trợ các cháu phát triển khả năng thích nghi, nhưng lại phiến diện khi không đề cập đến khả năng thích nghi, chấp nhận sự đa dạng của nền giáo dục.

Phải thích nghi với thông tư 30, rồi thi trắc nghiệm, trong khi các quyết định ấy được đưa ra mà bỏ qua nguyên tắc dân chủ cơ bản nhất là tham vấn ý kiến của người hưởng lợi/chịu tác động. Tại sao không tham vấn phụ huynh, mà tốt hơn là cho các em tự lựa chọn giữa hai cách cho điểm và nhận xét. Có thể tháng này, kỳ này cháu thích cho điểm; tháng sau, kỳ sau thích được nhận xét, hoặc ngược lại… cũng chấp nhận. Hoặc em nào thích thi trắc nghiệm, em nào thích thi tự luận thì đăng ký và nộp tiền. Trắc nghiệm 100 nghìn, tự luận 200 nghìn một bài… chẳng hạn.

Và thật chủ quan khi mặc nhiên coi tất cả các phụ huynh đều có khả năng và điều kiện hỗ trợ các em phát triển khả năng thích nghi. Cháu đủ khả năng và có ước mơ vào Đại học. Nhưng mấy năm học để thi kiểu tự luận rồi, lỡ trượt thì sao? Không thể động viên cháu “cố gắng thích nghi với kiểu thi mới, trượt sang năm làm lại!”. Biết đâu sang năm ngành giáo dục lại thay đổi tiếp? Thời gian của các cháu, tiền bạc của mỗi gia đình đâu phải là vô tận!

{keywords}

Thay vì dạy con cách thích nghi, phụ huynh “la toáng lên”, chính là sự lên tiếng đòi hỏi một giá trị.

Ngành giáo dục không thích nghi được với yêu cầu đa dạng của học sinh, gia đình và xã hội, chỉ muốn “đồng bộ; chấm thi dễ dàng, chính xác; tiết kiệm về thời gian và tiền bạc cho việc chấm thi…”

“Mọi con đường đều dẫn đến Roma”, mục tiêu không đổi, còn phương pháp thì tùy biến cho phù hợp với từng em, từng gia đình. Áp đặt chỉ một phương pháp, thì khi xảy ra “sự tráo trở của phương pháp”, bị lên án là hoàn toàn đúng.

Đầm lầy và cá sấu, sa mạc và bọ cạp, rừng rậm và rắn rết… là những thứ không chịu thích nghi (chính xác hơn là chậm thích nghi) với sự thay đổi của thế giới. Bắt con người phải thích nghi với những thứ chậm thích nghi ấy, chỉ vài ngày trong chương trình truyền hình thực tế “Trò chơi sinh tử” thì được. Còn bắt thích nghi cả đời thì chắc ai cũng ngán ngẩm lắc đầu.

Tương tự như vậy, rèn luyện để có khả năng thích nghi cao với một xã hội đang thay đổi nhanh là điều không cần bàn cãi. Nhưng với một nền giáo dục không chịu thích nghi, bao năm rồi não trạng vẫn ám ảnh một sự thống nhất, đồng bộ, không chấp nhận sự đa dạng… thì việc thích nghi với nó có phần dư vị của việc “đi với ma mặc áo giấy”.

Có thể, việc nhận xét thay chấm điểm, việc thi trắc nghiệm… là tiến bộ thật, nhưng cái cách người ta mang lại sự tiến bộ ấy mới đáng nói. “Cái đẹp không ở miếng trầu mà ở tay bưng”, ném toẹt miếng trầu cánh phượng xuống trước mặt người khác thì không bị phản ứng mới lạ.

Bởi vậy, thay vì dạy con cách thích nghi, phụ huynh “la toáng lên”, chính là sự lên tiếng đòi hỏi một giá trị - Tại sao chúng tôi không có nhiều lựa chọn? Tại sao, chúng tôi – những người chịu tác động/có quyền lợi liên quan lại không được hỏi ý kiến về quyết định này?

Và nói thật, tôi rất ngại hai chữ “thích nghi”. Hoàng Hường không cần lo, nhiều phụ huynh rồi sẽ “thích nghi” - theo kiểu luồn lách, rất nhanh thôi; bởi những quy định đẻ ra vội vàng ấy có thiếu gì kẽ hở. Hậu quả với xã hội, với con em chúng ta thế nào không khó hình dung, vì kiểu “thích nghi” đó, hình như cũng là một “thế mạnh truyền thống” của người Việt mình. Bạn nhỉ?

Vũ Trung Hiếu