- 50 năm sau ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1967-2017), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân vừa ra mắt bộ sách về ông, gồm 3 cuốn: Nguyễn Chí Thanh – Những góc nhìn từ hậu thế, Những cánh thư ra Bắc vào Nam và sách ảnh Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng nông dân.

Bộ sách quy tụ những cây viết thuộc nhiều thế hệ khác nhau, nhiều lĩnh vực khác nhau với sự “bày binh bố trận” đặc biệt về thi pháp. Trong khi cuốn Nguyễn Chí Thanh – Những góc nhìn từ hậu thế như một tàng thư ngồn ngộn tư liệu về lịch sử, quân sự, văn hóa, nông nghiệp, con người…; cuốn Những cánh thư ra Bắc vào Nam là chuỗi tự sự về tình yêu, về hạnh phúc gia đình thời chiến thì cuốn sách ảnh Nguyễn Chí Thanh – Đại tướng nông dân lại là bức phù điêu toàn cảnh về một thời kỳ của dân tộc mà tướng Thanh là một trong những người cùng khắc họa.

Góc nhìn mới về những câu chuyện cũ

{keywords}

50 năm sau ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1967-2017), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân vừa ra mắt bộ sách về ông, gồm 3 cuốn.

Một trong những tác giả đặc biệt của cuốn sách, ông Lê Kiên Thành – con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn – thẳng thắn: Ngày nay, khi đã hòa bình, rất nhiều người trong và ngoài nước vẫn muốn đặt câu hỏi, liệu cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đó có phải là con đường duy nhất hay không? Bằng cách nào mà quốc gia nhỏ bé như Việt Nam có thể chiến thắng cường quốc Mỹ? Là người có nhiều điều kiện tiếp xúc với những chứng nhân lịch sử, có lẽ sự góp sức của ông Kiên Thành vào cuốn sách này như một cách để giúp chính ông và những độc giả nhiều thế hệ làm sáng tỏ thêm ơn nghĩa hy sinh của dân tộc.

Bằng cách lật lại những hồ sơ mật từ CIA, bằng phương pháp ghi lại lịch sử truyền miệng (oral history), thông qua những chuyến thực địa về Huế (quê hương của Đại tướng), về Đại Phong (Quảng Bình), về Tòng Bạt (ngoại thành Hà Nội) – những địa danh gắn liền với phong trào nông nghiệp mà Đại tướng gây dựng thập niên 1960, bằng các cuộc phỏng vấn tướng lĩnh, nhà sử học, quân sự học Mỹ, Nga…, chân dung không chỉ của một người, mà của nhiều người, nhiều gia đình, nhiều ngôi làng, rộng hơn là của dân tộc cứ thế hiện ra trong con mắt đầy tò mò, háo hức của những người viết sách thời hậu chiến.

Khác biệt với cách nhìn rằng tướng lĩnh chỉ có chuyện chiến chinh quân sự, những ký ức, những dữ kiện lịch sử được đào xới trong cuốn sách này đã khơi ra nhiều góc nhìn khác lạ. Là cây viết trẻ thuộc thế hệ 8X, nhà báo Phan Đăng khẳng định: anh muốn suy tư về cuộc chiến theo cách của thế hệ mình, bao gồm cả những hoài nghi về nhiều sự kiện đã qua trong lịch sử. Với anh, lịch sử Việt Nam thế kỷ XX là lịch sử của những người nông dân vùng dậy. Có người vùng dậy để đấu tranh mà trở thành nhà quân sự, có người vùng dậy để học hỏi mà trở thành trí thức, có người vùng dậy để lan tỏa và tiếp thu truyền thống văn hóa các vùng miền mà trở thành người truyền cảm hứng và tạo nên cốt cách văn hóa. Trong mắt Phan Đăng, tướng Thanh là chàng trai nông dân chân lấm tay bùn đã tự mình vùng dậy, để trở thành không chỉ một vị tướng quân đội với “binh pháp” rất riêng mà còn là một bản lĩnh văn hóa đặc sắc. Văn hóa Huế ẩn trong tính cách cởi mở mà khiêm nhường, sôi nổi mà sâu lắng - ngay khi làm đại tướng rồi mà ông vẫn chịu đi học một thầy giáo kém tuổi, sẵn sàng cõng một anh lính qua suối - khiến tướng Thanh thu phục nhân tâm rộng lớn. Hiếm có người nào mà từ CIA cho tới lão nông ở Quảng Bình, từ giới nghiên cứu lịch sử Nga cho tới những văn nghệ sĩ như Trần Dần, Hoàng Cầm đều dành cho ông những lời thật trân trọng: Người ký lệnh bắt tôi đã cứu sống tôi như thế nào, Nhớ đêm văn nghệ bão táp, Có anh lính được cưỡi trên lưng ông tướng…

Chính sự tò mò xen lẫn hoài nghi: làm sao một vị tướng 50 tuổi vẫn còn thắng vật tay những thanh niên tuổi bẻ gãy sừng trâu ở Tòng Bạt, tại sao một vùng quê đầu sóng ngọn gió nghèo nàn như Đại Phong (Quảng Bình) trở thành biểu tượng về nông nghiệp trong những năm chống Mỹ… là những câu hỏi vừa thực tế vừa lành mạnh, khơi nguồn cho những người hậu thế để họ tò mò mà tìm hiểu, cẩn trọng mà nghiên cứu, hứng khởi mà viết nên những chuyện cũ bằng con mắt chất vấn đầy màu báo chí.

Sống lại tinh thần một thời chiến đấu và sản xuất

{keywords}

Nhóm tác giả và gia đình Đại Tướng trong ngày ra mắt sách.

Nhà báo Lương Bích Ngọc – Tổng biên tập Tạp chí Khám phá, người chấp bút viết chương “Ăn no đánh thắng” – chia sẻ: May mắn của chị là được sinh ra và lớn lên ở Quảnh Bình, được sống trong không khí của những làng Đại Phong từ thuở ấu thơ nên chị có nhiều trải nghiệm và cảm xúc cá nhân để chấp bút.

“Người Quảng Bình thế hệ tôi biết ơn Đại tướng, Nhiều người bạn cùng lứa với ba tôi sau này còn chọn học nông nghiệp vì họ biết đến Đại Phong, yêu quý Đại tướng và muốn xây dựng quê hương thoát nghèo bằng nông nghiệp. Khi tôi trở về để tìm tư liệu viết bài, có 1 nhà giáo già đã khóc khi nhớ về kỷ niệm hơn 50 năm đã qua. Nhiều năm rồi người ta không nói về Đại Phong, nhưng tôi hiểu tinh thần của một thời chống Mỹ vẫn còn nguyên vẹn”.

Áp lực viết sách của thế hệ sau chiến tranh

Viết về một con người mà danh từ Đại tướng đã gắn liền bao lâu nay, bản thân một vài tác giả lại ít gắn với quân đội, nên nhóm tác giả có sự bài binh bố trận khá thú vị: phần viết về nông nghiệp Đại Phong được trao cho một nhà báo đến từ Quảng Bình; chân dung văn hóa của Đại tướng được trao cho nhà văn trẻ luôn trăn trở về con người, về cuộc sống; những vấn đề lịch sử-quân sự được giao cho các giảng viên đại học, cùng cách khai thác nhiều nguồn tin kiểu báo chí từ tiếng Anh, tiếng Nga, từ trong và ngoài quân đội… Việc khai thác đào xới tư liệu cho một cuốn sách theo kiểu làm nghiên cứu khoa học của tiến sĩ – nhà báo Vũ Công Lập, nhà báo – nhà giáo Bùi Chí Trung, Phó giáo sư sử học Trần Viết Nghĩa cùng nhiều cộng sự khác cũng là điểm mới mẻ của cuốn sách này.

Tuy nhiên, có lẽ tư liệu ngồn ngộn mà thời gian làm sách hữu hạn nên nhiều tài liệu quý lần đầu được khai thác vẫn chưa được bóc tách đến tận cùng. Những tài liệu mới giải mật của CIA, dù chỉ 1 đoạn rất ngắn như trong bản báo cáo tối mật ngày 11.7.1967 với tiêu đề “Các vấn đề đặt ra đối với Bắc Việt sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh qua đời”, có thể sẽ thực sự khiêu khích những ai muốn tìm hiểu tiếp những điều chưa được ghi vào sách sử.

Nhà báo Bùi Chí Trung, chủ biên của cuốn sách Nguyễn Chí Thanh – Những góc nhìn từ hậu thế và đồng tác giả của cuốn Những cánh thư ra Bắc vào Nam, thận trọng: Bộ sách thành công hay không còn phải chờ vào sự phản hồi của độc giả. Nhưng với khát khao được khám phá một con người, qua đó hiểu sâu hơn về một dân tộc nên chúng tôi quyết tâm làm cuốn sách này thật cẩn trọng và chu đáo như một cách để chúng tôi để tự học, trước tiên cho chính bản thân mình, và sau đó để tri ân những thế hệ đã làm nên lịch sử của Việt Nam thế kỷ XX.

Việt Hà