Những số liệu điều tra của UNESCO đã cho thấy, những thanh niên thất học đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc làm.

Theo quan sát của các chuyên gia chính sách công, thất học chính là con đường dẫn tới thất nghiệp và đói nghèo với hàng trăm triệu thanh niên, đặc biệt là những người tới tuổi đi làm ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Những khu vực có số người mù chữ cao nhất thế giới đáng quan ngại hiện nay là Trung Á, Trung-Đông Âu châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ thất học gia tăng là do rất nhiều trường hợp không có gia đình hoặc kinh tế gia đình quá khó khăn. Nhiều em tái mù chữ sau một thời gian bỏ học trong khi đa phần các em thất học đều thiếu những kiến thức tối thiểu về kỹ năng sống và nghề nghiệp.

{keywords}
Ảnh: Lê Anh Dũng

Cách nay mấy năm, dư luận đã bị sốc khi báo chí thông tin cho biết, riêng năm học 2013 – 2014, riêng tỉnh An Giang có gần 5.000 học sinh bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông bỏ học. Đó là thông tin trong bài “Một tỉnh có gần 5.000 học sinh bỏ học” trên báo báo Tuổi trẻ. Không chỉ tỉnh An Giang, nhiều địa phương khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tình trạng tương tự. Khắp các tỉnh thuộc “vùng trũng giáo dục” này, có đông đảo lực lượng bán vé số là trẻ em, trông rất tội nghiệp. Lâu nay, khu vực Đồng bằng Sông cửu Long được xem như “vùng trũng của giáo dục”. Tỷ lệ thất học cao ở vùng này đã làm dấy lên những lo ngại về việc làm và sâu xa hơn là nghèo đói trong tương lai.

Nhìn rộng ra, miền Trung, Tây Nguyên, và cả các tỉnh miền núi phía Bắc, số lượng học sinh bỏ học theo quan sát cũng không ít. Ước tính mỗi năm có vài trăm ngàn trẻ em thất học.

Theo ước tính, số trẻ em ngoài nhà trường ở ta gồm trẻ em chưa từng đi học hoặc bỏ học khoảng hơn 1,1 triệu em. Các em ở độ tuổi 5-14 tuổi. Cả nước có 2,67% trẻ em từ 5-17 tuổi chưa bao giờ đi học, chủ yếu ở một số nhóm dân tộc thiểu số. Đáng lưu ý, nghiên cứu này là sáng kiến toàn cầu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Viện thống kê UNESCO khởi xướng, thúc đẩy các nước nhanh chóng đạt mục tiêu tất cả trẻ em đều được đến trường.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận, số trẻ em ngoài nhà trường lâu nay chưa được nắm bắt đầy đủ, còn thiếu số liệu, thiếu sự thống nhất về cách định nghĩa, xếp loại, từ đó thiếu chính sách và biện pháp can thiệp cụ thể. Điều này khiến cho mục tiêu đảm bảo công bằng giáo dục cho mọi trẻ em còn xa vời, đặc biệt là quyền đi học của trẻ em ngoài nhà trường, trẻ em có nguy cơ bỏ học.

Với số lượng học sinh ngoài nhà trường cao như vậy, thì có lẽ chỉ cần một thập kỷ, Việt Nam có hàng triệu người lao động trẻ nhưng không có cái chữ trong tay và tất yếu sẽ làm ảnh hưởng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà chúng ta đã đặt ra.

Hẳn nhiều người còn nhớ, tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova từng nhấn mạnh, thế giới không thể thoát khỏi đói nghèo nếu không mở rộng nhanh chóng giáo dục trung học vì đây là nơi cung cấp cho thanh niên những tri thức và kỹ năng cần thiết để họ đảm bảo được cuộc sống trong một thế giới toàn cầu hoá ngày nay.

Box: Theo kế hoạch mà ngành giáo dục đặt ra cho “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” là “đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, THCS là 95%”.

Cụ thể, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi năm học 2014 – 2015 ở cấp tiểu học là 98,69%, cấp THCS là 90,89%. Ở bậc Tiểu học, số liệu này đã tiệm cận với kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển giáo dục, có thể đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020.

Các giải pháp khuyến nghị để đạt được mục tiêu 100% trẻ đến trường là:

Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, đặc biệt là cho các đối tượng thiệt thòi, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo... thông qua tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, đa đạng hóa các hình thức giáo dục và khuyến khích sự tham gia cung cấp dịch vụ giáo dục từ các thể chế ngoài nhà nước.

Đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó chú trọng đặc biệt tới đổi mới chương trình sao cho giáo dục phù hợp với nhu cầu thị trường và đẩy mạnh phân luồng và hướng nghiệp, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bô quản lý giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Gia Hưng - Thu Trang