Đã đến lúc phải đốt ngọn lửa nông thôn mới lên thành phong trào của chính người dân, của sức mạnh cộng đồng, của tinh thần dân tộc.

LTS- Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp kỳ 2 cuộc trò chuyện với TS. Đặng Kim Sơn về kết quả phong trào xây dựng Nông thôn mới và khoản nợ 15 ngàn tỉ đồng.

Trong bối cảnh nhiều bất cập vừa được rút ra như vậy, nếu cứ tiếp tục áp dụng tiêu chí chung như vậy thì kết quả sẽ sẽ như thế nào thưa ông?

Trong một cuộc đua không cân sức, các đối thủ sẽ chia làm 2: khối chạy theo thành tích và khối thất vọng bỏ cuộc.

Những xã thuận lợi (ven đô thị, có nhiều doanh nghiệp và công nghiệp phát triển…) sẽ thấy khá dễ dàng để bắt kịp 19 tiêu chí. Rất có thể để về đích sớm và nhắm đến những thành tích cao như xây dựng cả huyện nông thôn mới, các giải pháp đi tắt có thể sẽ được áp dụng, như xin cấp trên cho “vay mượn” các tiêu chí (ví dụ với các tiêu chí như xây dựng hợp tác xã sẽ hình thành một số tổ chức tương đối giống rồi gọi tên là hợp tác xã), buộc nông dân tăng cao hơn hơn mức đóng góp, yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư trước công trình để lại nợ đọng...

Đối với những xã nghèo, vùng sâu vùng xa, họ họ biết dù cố gắng đến mấy cũng không đạt được đủ số tiêu chí. Làm sao ở miền núi hẻo lánh xây dựng được đường giao thông, kết nối được với thị trường, tạo được quĩ đất để thu hút được nhiều doanh nghiệp về cho đủ tiêu chí? Làm sao không có vốn, không có tài nguyên để duy trì sinh kế ổn định, lại có thể đạt nổi tiêu chí thu nhập của dân, hay là tỉ lệ lao động phi nông nghiệp? Vậy thì thà từ bỏ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, để giữ lấy vị trí xã nghèo để tiếp tục nhận trợ cấp của nhà nước sẽ khả thi hơn.

Vậy phải làm thế nào?

Muốn đặt ra tiêu chí để mọi vùng nông thôn đều hăng hái tham gia thi đua tham gia phong trào thì phải đo từ điểm xuất phát. Cách đặt tiêu chí ngược lại, qui về cho mọi địa phương có điều kiện khác nhau phải đạt đến cùng một đích đến là không công bằng, triệt tiêu động lực thi đua. Một xã miền núi, cho dù nó không đạt cái tiêu chí nào, nhưng nó cố gắng bằng mười xã đồng bằng, thì tinh thần, kết quả của nó chính là sức mạnh nông thôn mới.

Cả nước đã có bao nhiều xã được công nhận là nông thôn mới? Đâu là địa phương thành công nhất trong phong trào này?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hết tháng 5/2016 có 1965 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22% tổng số xã trên toàn quốc.

Tuy nhiên, cũng khó mà nói rằng khi đến một xã nông thôn mới, ta thấy điều gì là nổi bật, là sự khác biệt rõ rệt.

{keywords}
TS. Đặng Kim Sơn

Tại An Giang, khá phổ biến phong trào nông dân tự động góp tiền mua xe cứu thương dùng chung cho thôn ấp, người dân tự thu hái thuốc Nam, nấu cháo phát không tại các bệnh viện.

Tại Tuyên Quang, chuyện trở thành bình thường là dân bản xa xôi tự đóng góp đất, tự bỏ công sức cùng chính quyền xây dựng đường cho mọi người cùng đi. 

Còn ở Hà Nội không khó khăn để thấy những cây cầu đã được nhà nước xây, những con đường đã mở rộng, nhưng vẫn tắc nghẽn chỉ vì ngôi nhà, vài cửa hàng không chịu giải toả. Đó không chỉ sức ỳ cá nhân mà là yếu kém của cả cộng đồng và chính quyền.

Ngay từ đầu ông có góp ý về bộ tiêu chí không, hay sau này qua thực tế ông mới đúc kết, nhận xét rồi rút ra tiêu chí?

Tôi đã may mắn có dịp báo cáo với Bộ Chính trị với Trung ương khi ra Nghị quyết 26 về Tam nông năm 2008.

Nghị quyết khẳng định: “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.” Những nội dung đó vẫn còn nguyên giá trị.

Phong trào nông thôn mới phải trở về với cội nguồn của nó, như Đảng đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”.

Người ta nói thu nhập nông dân sau 5 năm của Chương trình Nông thôn mới tuy có tăng gần 2 lần, nhưng vẫn chưa vượt quá 100 đô la một năm là nghĩa làm sao?

Thứ nhất là thu nhập, và điều kiện sống của người dân nông thôn vẫn cách xa đô thị. Lao động nông nghiệp còn chiếm gần 50% tổng lao động toàn xã hội và 70% dân số cả nước đang sống ở nông thôn, thế nhưng nông nghiệp chỉ còn đóng góp 18% GDP, sức mua của nông thôn chắc cũng rất nhỏ trong xã hội. Nghĩa là nông thôn kéo tụt năng suất lao động, làm yếu sức cầu thị trường cả nước.

Bắt đầu đổi mới, người nông thôn cũng nghèo như người đô thị. Bây giờ tính khoảng cách tương đối thu nhập của người dân nông thôn vẫn bằng khoảng một nửa người dân đô thị, tức là vẫn giữ nguyên mức từ ngày mới đổi mới đến nay, nhưng con số tuyệt đối thì một trời một vực. Trước đây với bình quân thấp, khoảng cách chỉ là 20-30 đô la thôi, còn bây giờ thì khoảng cách đó là cả ngàn đô la rồi.

Người đô thị bây giờ nói chuyện ô tô, chuyện chung cư cao cấp và chuyện cho con đi học trường quốc tế, đi học nước ngoài, hay chí ít cũng là mẫu quần áo, kiểu điện thoại mới, còn người nông thôn vẫn chỉ là mơ ước một cái đơn giản là cái xe máy, cái ti vi, và khi ốm đau được đi chữa bệnh.

Ở đô thị, mỗi năm có hàng triệu người đô thị bước vào cái cuộc sống trung lưu, những chuyện toàn cầu hóa, chuyện hiện đại hóa là tương lai rõ ràng. Còn với người nông thôn thì chuyện đó xa vời, đối với họ toàn cầu hóa chỉ là chuyện bán nông sản đi qua biên giới, hay chuyện gửi con đi xuất khẩu lao động.

Hai câu chuyện nông thôn – thành thị khác hẳn nhau, nhưng cái chính là sự khác biệt điều kiện đó chưa có cách cải thiện, chưa tính được hướng ra. Sản xuất nông nghiệp giảm tăng trưởng, qui mô sản xuất quá nhỏ, thị trường nông sản đầy gian chuân. Trong khi đó, con đường thoát sang sản xuất phi nông nghiệp lại luôn gập ghềnh.

Việc thứ hai chưa thể làm được là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.

Hai câu chuyện này gắn liền với nhau, nhưng phải tách riêng ra để nói cho rõ.

Vài chục năm tới, khi công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa hoàn thành, lao động nông nghiệp, cư dân nông thôn Việt Nam sẽ thế nào, thưa Tiến sĩ?

Chưa có câu trả lời.

Ở địa phương công nghiệp hóa mạnh nhất như Đồng Nai, GDP nông nghiệp còn chỉ đóng góp độ 7%, và Bình Dương độ 4% trong kinh tế. Tại đó, vẫn còn 36 - 66% dân số sống ở nông thôn.

Nếu cả nước mình tiến lên, các tỉnh đều công nghiệp hóa ở mức như vậy, thử hỏi là liệu thân phận người nông dân vẫn còn vất vả bởi lực lượng sản xuất thay đổi, nhưng thể chế xã hội chưa theo kịp.

Vậy thì phần lớn nông dân, và kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam sẽ tiến hoá trong mô hình tăng trưởng mới như thế nào?

Đây là câu hỏi lớn nhất đang đặt ra trong quá trình phát triển nông thôn nói riêng và quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam nói chung.

Vấn đề hôm nay là làm sao huy động được sức lao động to lớn từ nông thôn trong tương lai không xa sẽ chuyển thành làm thế nào để nền kinh tế trợ giúp nổi đông đảo người già không có bảo hiểm và cũng không còn khả năng để tự nuôi mình? Những vấn đề ấy của nông thôn và nông dân là cực kỳ áp lực. Bây giờ chúng ta bàn nhiều đến những vấn đề cụ thể 5 năm qua, chẳng hạn như phải chăng quá chú ý đến xây dựng cơ sở hạ tầng, phải chăng vấn đề sinh kế, về nếp sống chưa được đặt ra đúng mức?

Những việc đó rất cần và quá đúng. Nhưng đừng quên câu chuyện gốc rễ, câu chuyện tầm xa của nông dân và nông thôn là vấn đề thu nhập và mức sống hôm nay, và cơ hội bước vào cái xã hội mới tương lai. Cả hai vấn đề đấy cần có câu trả lời và mô hình tăng trưởng hiện nay của chúng ta chưa giải được bài toán đó.

Đón đọc kỳ 3: "Thay đổi thứ tự phát triển mới đuổi kịp láng giềng"

 Vân Anh