Khi bầu theo cảm tính, thông thường cử tri sẽ mau chóng quên đi ai là người đại diện cho mình, từ đó dẫn đến sự thiếu kết nối giữa cử tri và đại biểu.

>> Chuyện ứng cử: Chúng ta đã phản ứng quá căng thẳng? >> "Thu mình trong vỏ lợi ích thì làm ĐBQH sao được!"

Chỉ còn hơn một tháng nữa thì ngày Bầu cử (22/05) sẽ diễn ra. Có lẽ không cần phải bàn nhiều về ý nghĩa của cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp, về kỳ vọng mà cử tri dành cho các ứng cử viên. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn bàn về một khía cạnh khác của cuộc bầu cử, đó là sự chuẩn bị của cử tri dành cho ngày quan trọng này.

Đi bầu cử vì đó là nghĩa vụ?

Ngày 14/3/2016, Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Bùi Thế Đức đã ký công văn số 137-CV/BTGTW đính chính khẩu hiệu số 4 tại Hướng dẫn 169-HD/BTGTW về tuyên truyền bầu cử. Theo đó, khẩu hiệu “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân!” được đính chính thành khẩu hiệu “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là quyền lợi của mỗi công dân!”.[1]

Thời gian gần đây, tôi có dịp làm việc nhiều với những bạn trẻ, những người vừa trải qua 1 - 2 kỳ bầu cử, hoặc những bạn sẽ đi bầu lần đầu tiên trong đời. Khi được hỏi: “Các bạn sẽ đi bầu cử không? Và tại sao lại đi bầu?”, đa số sinh viên tôi tiếp xúc đều có cùng câu trả lời là “sẽ đi bầu” (một tín hiệu đáng mừng). Nhưng lý do không ít bạn đưa ra lại khiến tôi suy nghĩ: “vì đó là nghĩa vụ”, “vì ai cũng làm điều đó”, “vì nhà trường đã có văn bản yêu cầu”.

Câu trả lời không quá bất ngờ, vì tôi từng có suy nghĩ tương tự khi ở độ tuổi đó. Nhưng có lẽ đã đến lúc các bạn cần biết rõ, pháp luật của chúng ta không coi đi bầu là một nghĩa vụ, mà đó là quyền.[2]

Xuyên suốt Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, không có bất kỳ một cụm từ “nghĩa vụ” nào được nhắc đến. Do đó, nếu cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ, giữ cho mình một quan điểm rằng “bầu cử” là nghĩa vụ thì sẽ dẫn đến những cách hành xử không mong muốn.

Những nhà làm luật của đất nước có lẽ cũng hiểu được rằng không gì nguy hiểm cho một cuộc bầu cử hơn là những cử tri không đủ kiến thức. Khi đó, họ sẽ có xu hướng lựa chọn ứng cử viên theo cảm tính, ngoại hình, tiểu sử đẹp hoặc tin vào những lời hứa hẹn thiếu căn cứ. Họ sẽ bỏ qua những người thực sự có tâm huyết, có khả năng, nhưng không “bắt mắt” với quần chúng.

Khi bầu theo cảm tính, thông thường cử tri sẽ mau chóng quên đi ai là người đại diện cho mình, từ đó dẫn đến sự thiếu kết nối giữa cử tri và đại biểu.

{keywords}

Cử tri xem danh sách ứng viên trước khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2011. Ảnh: LNhung

Theo tìm hiểu của người viết, đại đa số các quốc gia tiến bộ không quy định bầu cử là nghĩa vụ. Các văn kiện của Liên hiệp quốc cũng đã khẳng định bầu cử là một quyền chứ không phải một nghĩa vụ pháp lý.[3]

Dù ở bất kỳ vị thế nào – ứng cử viên, nhà trường, chính quyền – không ai được phép nói với các cử tri rằng bầu cử là nghĩa vụ, mà cần làm rõ đó là quyền và phải trang bị cho họ những kiến thức để họ có thể sử dụng quyền đó một cách hiệu quả.

Chính vì thế, hiện tượng có trường đại học gần đây ra công văn yêu cầu sinh viên đi bầu cử và cảnh báo xử lý kỷ luật ai không tham gia là thiếu cơ sở. Số lượng cử tri đi bầu cao đúng là một thành tích của nền dân chủ, nhưng đó không bao giờ được phép là một chỉ số để thi đua, phong trào.

Vì một tương lai không quyết sai

“Có trách nhiệm” nghĩa là sao? Đó là chúng ta quyết định việc đi bầu và bầu ai dựa trên những thông tin, kiến thức đầy đủ về ý nghĩa của bầu cử, về chương trình hành động của các ứng cử viên, chứ không phải là dựa trên cảm tính.

Những đại biểu chúng ta bầu ra vào ngày 22/05 sắp tới sẽ thay mặt chúng ta quyết định những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến cuộc sống mỗi người dân, đến đất nước. Thuế chúng ta đóng do các đại biểu thảo luận, quyết định. Tiếng nói của chúng ta có được khuếch đại hay không chính là do các đại biểu. Bầu cử không phải là một việc làm “xong cho rồi”, mà nói như một người thầy của tôi: “Đi bầu để thấy bản thân mạnh mẽ và to lớn hơn.”

Không thiếu những ứng cử viên sẽ đến với cử tri bằng những lời hứa không cơ sở, những mục tiêu phi thực tế. Tôi còn nhớ trong kỳ bầu cử trước, một đại biểu tại khu vực tôi sinh sống hứa sẽ chấm dứt nạn đào đường, lô cốt, ngập úng tại địa bàn. Đó là một khẩu hiệu tranh cử rất được lòng cử tri, trúng vấn đề nóng của địa phương.

Thế nhưng, khi bình tâm suy nghĩ, tôi chợt nhận ra có vẻ mình đã bỏ phiếu không thực sự trách nhiệm. Một ĐBQH có hai chức năng chính là làm luật và kiểm tra giám sát các cơ quan chính quyền. Việc có thể dẹp được các lô cốt, hay chấm dứt “nạn” đào đường, không nằm trong quyền lực và khả năng của một ĐBQH.

Thực tế, suốt 5 năm nhiệm kỳ, tôi chưa thấy vị ĐBQH có phát biểu nào liên quan đến nạn đào đường, lô cốt tại diễn đàn Quốc hội. Lô cốt, đào đường chỉ chấm dứt bởi dự án của chủ đầu tư kết thúc. Rốt cuộc, cái gọi là chương trình hành động của ĐBQH kể trên đã đạt được kết quả do may mắn, nhưng đã không hề được thực hiện trọn vẹn về bản chất.

Đáng tiếc, những điều quan trọng đó lại ít được nhắc đến, hay được giáo dục cho cử tri. Là một công dân có trách nhiệm, tôi rất trăn trở khi thấy những lá phiếu vô trách nhiệm, hoặc cố ý, hoặc do hiểu lầm, đã được người dân đưa ra.

Bầu cử không phải là một nghĩa vụ, đó là một quyền của bạn, và khi thực hiện quyền đó, bạn phải có trách nhiệm với nó.

Lê Nguyễn Duy Hậu

>> LOẠT BÀI BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV CỦA TUẦN VIỆT NAM