Trên Facebook, có hàng chục hàng trăm trang về sức khỏe, nhưng rất nhiều trong số đó không hề nói rõ mình là ai, chỉ share thông tin một cách phong trào, “giật gân”.

LTS: Hiện nay, báo điện tử và mạng xã hội là hai kênh quen thuộc mà nhiều người tìm đến để tham khảo các thông tin về sức khỏe. Hai kênh này đã đáp ứng được đến đâu nhu cầu này? Để thông tin đa chiều đến độc giả, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn riêng của bác sĩ Huynh Wynn Tran, đang làm việc tại Mỹ.

Hàng ngày, dạo các báo tại VN và Facebook, đều thấy các bài viết chủ đề sức khoẻ nổi lên như nấm sau mưa. Mới gần đây, chuyện vaccine Quinvaxem và Pentaxim với cả trăm bài báo, ý kiến của chuyên gia và blogger chưa dứt thì rộ lên chuyện đẻ xong mất thận[1].

Điều này cho thấy trong các vấn đề sức khoẻ, sức mạnh của truyền thông báo chí cũng như nhu cầu tìm hiểu của người dân rất lớn. Tuy nhiên, một khía cạnh ít người quan tâm hơn là độ chính xác của các thông tin được cung cấp.

 

{keywords}

Xếp hàng từ đêm khuya chờ tiêm vắc xin dịch vụ ở 182 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Thúy Hạnh

Báo đã đưa tất nhiên phải đúng? 

Độc giả/ khán giả thường mặc nhiên quan niệm thông tin đã lên báo[2] hoặc truyền hình thì phải đúng, mà không biết rằng bản thân các phương tiện truyền thông này còn có những quan điểm, mục tiêu riêng, có thể ảnh hưởng đáng kể đến bài viết.  

Chẳng hạn, trong vụ Quinvaxem và Pentaxim, trong khi nguồn tin chính thống từ bộ Y tế chỉ nhỏ giọt, thì báo chí và Facebook đua nhau đăng bài và ảnh hưởng đáng kể đến độc giả. Kết quả là các “mũi dùi” đều chĩa về Quinvaxem, trong khi Pentaxim trở nên cực kỳ khan hiếm, hiển nhiên hưởng lợi từ vụ này. 

Trong giới Y khoa, khi một bài được đăng, câu hỏi đầu tiên của người đọc là báo này có tin được không? Tiếp đó là thông tin trong bài có hợp lý không? Tác giả là ai, có phải là người có chuyên môn trong lĩnh vực này không? 

Trong khi đó, với báo hoặc Facebook, câu hỏi đầu tiên của người đọc là vấn đề sức khỏe đó có liên quan đến mình không? Nếu có thì họ sẽ đọc và bị cuốn theo, quên đi những câu hỏi như bên y khoa.  

Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2008,  theo dõi 500 bài báo về sức khỏe trong 22 tháng, có khoảng 62-77% thông tin không phản ánh đầy đủ sự thật: không chỉ rõ chi phí điều trị, các tổn hại, rủi ro - lợi ích, và chất lượng bằng chứng thông tin của các phương pháp điều trị…

{keywords}

Có thể thấy ngay ít nhất vài lỗi tương tự trên báo mạng tại VN. Ví dụ, các bài viết về Quinvaxem đưa đậm con số tử vong và tác dụng phụ, mà không nói về chất lượng của bằng chứng; không có con số thống kê cụ thể tỉ lệ tử vong trên bao nhiêu triệu mũi. Khi nói về Pintaxem thì thiếu đề cập giá cả và những rủi ro của vaccine dịch vụ này. Khi nói về vaccine Infanrix Singapore thì không hề đề cập đến tỉ lệ tử vong.

Trên Facebook, có hàng chục hàng trăm trang về sức khỏe, nhưng rất nhiều trong số đó không hề nói rõ mình là ai, chỉ share thông tin một cách phong trào, “giật gân”. Chẳng hạn, có bài viết được share liên tục trên FB, chia sẻ kinh nghiệm chữa đột quỵ bằng chích 10 đầu ngón tay. Nhưng thực chất, đây là một cách làm cực kỳ nguy hiểm.   

Theo tìm hiểu của người viết, luật pháp Việt Nam và Mỹ quy định chỉ bác sĩ có bằng hành nghề hoặc người có bằng chuyên môn mới có thể tư vấn sức khoẻ. Nhưng thực tế  các trang chính thống của bệnh viện và bác sĩ kém “đông đúc” hơn các trang Facebook sức khoẻ “lá cải” rất nhiều.  

Áp lực và thiếu kiến thức chuyên môn? 

Một nghiên cứu chỉ ra các bài viết về sức khoẻ kiểu này thường không đúng hoặc chưa chính xác là do: người viết thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu thời gian để tìm hiểu, chuẩn bị do áp lực phải kịp giờ lên báo, thiếu chỗ để đăng bài do giới hạn độ dài, thời lượng của báo, Facebook, và truyền hình.  

Một nguyên nhân khác là mâu thuẫn lợi ích giữa báo chí với độc giả. Độc giả đọc báo tìm hiểu vấn đề sức khỏe, trong khi các báo lại quan tâm nhiều đến thu hút chú ý và “câu view” nên có khi chỉ trích dẫn một phần số liệu đúng.   

Với các bài do bác sĩ và chuyên viên y tế viết, chất lượng bài có thể tốt hơn, vì họ có kiến thức y khoa cơ bản, nhưng mâu thuẫn lợi ích vẫn có khả năng xảy ra. Nếu bài họ viết chỉ nhằm mục đích giúp bệnh nhân tính trung thực sẽ cao hơn bài viết quảng cáo sản phẩm. 

Có một câu chuyên thú vị về vấn đề này. BS Mehmet Oz là giáo sư phẫu thuật, phó trưởng khoa của trường Y nổi tiếng Columbia University, Mỹ. Trong một bài nói chuyện của mình, ông quảng bá một số sản phẩm giảm cân. Các nhà nghiên cứu vào cuộc và nhận ra những thông tin này không đúng. Kết quả là công ty mà bác sĩ này quảng bá cho bị Cục Thương mại liên bang phạt 3,5 triệu USD vì nói thiếu sự thật.  

Tại những nước như Mỹ, Úc, các tổ chức chuyên môn về nghề báo viết về sức khoẻ được hình thành cùng với các tổ chức chuyên xem xét và đánh giá các bài báo nhằm bảo vệ độc giả và bệnh nhân. Độc giả có thể góp ý và nhờ các tổ chức này điều tra tính trung thực của các bài báo. 

Còn ở Việt Nam, giải pháp trước mắt nào cho độc giả? Trước hết, độc giả nên đọc thật kỹ toàn bài báo, tìm hiểu xem bài đăng ở báo nào, trang nào, có uy tín không? Tác giả có chuyên viết về sức khoẻ không, có phải là bác sĩ đang hành nghề không? Tác giả và báo có dụng ý giật tin và “câu view” với tiêu đề đao to búa lớn không? Nếu cần thiết, bạn cũng nên tìm đến BS để được tư vấn và hỗ trợ.  

Bác sĩ Huynh Wynn Tran (từ Mỹ) 


[1] Mất thận sau ca mổ đẻ - đâu là sự thật?, Người Lao động, 29/12/2015. 
[2] Bài viết này không đề cập đến các bài báo tập san y khoa chuyên ngành.